Xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hướng đến mục tiêu hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Cù Lao Chàm là một cụm đảo cách bờ biển Cửa Đại, Hội An khoảng 15km, gồm 7 hòn đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Nồm, Hòn Lá và Hòn Khô. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cảnh quan độc đáo và sự đa dạng sinh học vô cùng nổi bật với nhiều hệ sinh thái quan trọng, bao gồm hệ sinh thái rừng thường xanh, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, hệ sinh thái bờ triều – vùng đá,… tất cả những hệ sinh thái này được liên kết để hình thành hành lang đa dạng sinh học nối liền từ rừng xuống biển, biển – vùng bờ. Cùng với đó là sự giàu có về văn hóa đặc trưng vùng biển đảo, đặc trưng là nghệ thuật hô hát bả trạo, nghề đan võng Ngô đồng, làm bánh ít lá gai, hái rau rừng, lá rừng và các di tích văn hóa cấp quốc gia như Di tích Bãi Ông, di chỉ Bãi Làng, Giếng Xóm Cấm, chùa Hải Tạng, đình Tiền Hiền, lăng Ông Ngư và Miếu tổ nghề Yến. Tất cả những giá trị đặc trưng, nổi bật, riêng có tạo nên một Cù Lao Chàm vô cùng hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Năm 2005, Cù Lao Chàm trở thành Khu bảo tồn biển thứ hai của Việt Nam với diện tích 23.500km2. Năm 2009, Cù Lao Chàm – Hội An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (KDTSQTG) với những giá trị đặc trưng nổi trội, là một minh chứng điển hình, rõ nét về sự giao thoa, tương tác giữa con người và thiên nhiên trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị mang tính toàn cầu.

Từ các danh hiệu có được và sự nỗ lực của các cấp chính quyền cùng nhân dân xã đảo trong công tác phát triển bền vững, và lợi thế nằm trên tuyến trình du lịch con đường di sản miền Trung: Huế – Đà Nẵng – Hội An – Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm đã và đang là điểm đến có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế. Trong hơn 15 năm qua, sự phát triển của du lịch Cù Lao Chàm, đặc biệt là trong những năm trước dịch Covid-19 đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biển, đảo vốn là địa phương thường xuyên gặp khó khăn và cần sự hỗ trợ lớn của thành phố. Cơ cấu kinh tế xã hội chuyển dịch sinh động, tạo việc làm, mang lại cơ hội, sinh kế mới cho cộng đồng, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả; nhận thức đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của KDTSQTG trong mọi tầng lớp nhân dân được nâng cao; các cấp chính quyền từ TW, tỉnh, thành phố quan tâm và đã có nhiều chính sách phát triển phù hợp; đây là những điều kiện và là động lực để Cù Lao Chàm ngày càng đẹp hơn trong mắt của du khách bốn phương. Bên cạnh những giá trị đạt được, du lịch Cù Lao Chàm vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, rào cản. Mặc dù sự phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế địa phương nhưng cũng gây sức ép lên cơ sở hạ tầng cũng như tài nguyên du lịch và tác động tiêu cực đến môi trường, sự suy giảm hệ sinh thái, môi trường sống; các điểm tham quan trên đảo còn đơn điệu, chưa thật sự nổi bật để thu hút du khách; công tác quản lý về du lịch, giao thông vận tải chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao chưa được đảm bảo và du lịch phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết cũng những thách thức cho phát triển du lịch bền vững tại địa phương.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch quốc tế sẽ hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi); sẽ có sự dịch chuyển từ du lịch đại chúng sang các loại hình du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng trong thời gian tới. Mặt khác, theo Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  về “Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 2596/QĐ-UBND về “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, hướng đến Quảng Nam là trung tâm du lịch của khu vực miền Trung và coi du lịch và dịch vụ biển là ưu tiên số một trong phát triển kinh tế biển Việt Nam. Thêm vào đó, trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch biển Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã xác định, hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, du lịch thể thao và sinh thái biển là những sản phẩm chủ lực.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – vùng lõi của KDTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An (gọi tắt là Đề án) trong giai đoạn hiện nay là hết sức phù hợp với định hướng, chiến lược của nhà nước và phát huy các giá trị tiềm năng vốn có của vùng đảo Cù Lao Chàm.

Hiện nay, UBND thành phố Hội An thống nhất về mặt chủ trương và giao Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chủ trì hoàn thiện Đề cương tiến tới tham mưu thực hiện xây dựng Đề án. Chi tiết các bước xây dựng Đề án thực hiện theo Nghị định số 91/2024/NĐ-CP, trong đó tập trung vào phân tích điều kiện, hiện trạng du lịch, định hướng nội dung phát triển và chú trọng thực hiện 14 nhóm giải pháp gồm nhóm các giải pháp về cơ chế, chính sách và quản lý; nhóm giải pháp bảo vệ môi trường du lịch, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; nhóm các phương thức thực hiện hoạt động du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trong KBTB; nhóm các giải pháp nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực du lịch; nhóm giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; nhóm giải pháp phát triển loại hình, sản phẩm du lịch; nhóm giải pháp đầu tư du lịch; nhóm giải pháp liên kết phát triển du lịch; nhóm giải pháp xúc tiến quảng bá và phát triển thị trường du lịch; nhóm giải pháp phát triển cộng đồng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa; nhóm giải pháp về diễn giải, giáo dục; nhóm giải pháp về an ninh, an toàn trong tổ chức hoạt động du lịch; nhóm giải pháp chuyển đổi số hướng đến du lịch thông minh.

Hình ảnh minh họa: Du lịch Cù Lao Chàm (Ảnh: Hữu Tiến)

Thùy Hương