Về nhà

Sinh ra vốn thuộc về đại dương, Tôi may mắn được sống sót và trưởng thành trước muôn vàn hiểm nguy cũng như rất nhiều mối đe doạ. Từ lúc còn nằm trong bọc trứng, Tôi và các anh, chị, em luôn nơm nớp lo sợ trước sự hiếu kỳ, muốn thưởng thức món trứng rùa- cái mà con người gọi là đặc sản. Cho đến khi được nở an toàn trên bãi cát để vươn ra biển lớn thì chúng tôi lại đối mặtvới sự uy hiếp của các loài sinh vật lớn hơn. Thoát được nạn này thì mối lo ngại lại là “lưới ma”, rác thải nhựa,… đặc biệt là túi ni lông. Túi ni lông trông rất giống với sứa – loại thức ăn mà loài rùa chúng tôi rất thích, ngoài cỏ biển và các động vật thân mềm khác.

Nhưng có lẽ, may mắn hơn nữa là Tôi được cứu sống bởi ngư dân của vùng biển Tam Thanh xinh đẹp – thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và các thành viên của Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SaSa. Trong hành trình chu du khắp đó đây, khám phá những thứ mới mẻ, và tìm hiểu về những “miền đất mới”, Tôi vô tình nuốt phải những mảnh rác nhựa và dầu thải từ các tàu thuyền trên biển. Khi ruột chứa đầy dị vật, khoang miệng và cổ họng bị tắc bởi dầu thải, Tôi không thể tiếp nhận thức ăn, sức khỏe suy kiệt ngày càng trầm trọng. Tôi cố gắng vận động để tìm lại sự cân bằng cho cơ thể nhưng Tôi đã bất lực. Những con sóng bình thường là những người bạn tốt bụng, cùng tôi chu du, khám phá các đại dương nhưng sao hôm nay nó trở nên hung dữ đến thế. Chúng hất tung rồi lại nhấn chìm tấm thân nặng nề của tôi thật đau đớn cho đến khi tôi bị ngất và không còn biết gì nữa.. Tỉnh dậy, Tôi lại thấy mình bị trói chặt trong tấm lưới đánh cá nhưng tôi chẳng thấy một bạn cá nào mà chỉ toàn là rác, đồ dùng của con người và vô số túi ni lông. Tôi dùng hết sức vùng vẫy để thoát khỏi tấm lưới rách, cũ kỹ ác độc đó nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì các sợi lưới càng siết chặt cổ, tay chân và toàn thân. Toàn thân đau ê ẩm, tứ chi bất động, bầu trời đã đóng sập trước mắt, Tôi chỉ còn cảm giác rằng hơi thở thoi thóp của mình cứ yếu dần, yếu dần….

Những tưởng cuộc đời sẽ kết thúc tại đây, nhưng điều thần kỳ đã đến, Tôi đã được các bác ngư dân đưa về chăm sóc và được cứu chữa tận tâm bởi một đội ngũ có chuyên môn. Họ đã hết lòng vì Tôi cũng như các bạn rùa và những người bạn hoang dã khác. Sau 5 tháng, bằng sự nỗ lực của các thành viên Trung tâm SaSa cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành Rùa biển từ Mỹ, Tôi đã được nhập viện, chụp phim, làm các xét nghiệm khác và Tôi đã khỏi bệnh. Không những hoàn toàn khôi phục về mặt thể lực, Tôi còn tăng được 3,5 kg, đặc biệt phản xạ của tôi đã phục hồi tuyệt vời để sẵn sàng “về nhà” bất kỳ lúc nào. Con người thật giỏi và tốt bụng, không những chữa khỏi bệnh, họ còn xây dựng cho họ hàng rùa biển chúng tôi cả một hệ thống “phả hệ” và họ gọi đó là “định danh khoa học”. Theo đó, Tôi thuộc loài Đồi mồi dứa, tên khoa học gọi là Lepidochelys olivacea, và trong lúc cứu chữa, họ còn tặng cho tôi một cái tên thường gọi mà tôi vô cùng thích thú là Olive.

Và hôm nay, 14/7/2020, một ngày mà Tôi sẽ chẳng bao giờ quên, đó chính là ngày Tôi được trở về nhà. Từ điểm xuất phát là Bãi Bắc – Cù Lao Chàm với bãi cát trắng mịn, nước biển trong veo, Tôi được vươn mình bơi về phía biển, nơi đã nuôi lớn Tôi, nơi có những thứ thân thuộc với Tôi, nơi mà đồng loại Tôi đang ngóng chờ. Vẫn biết trở về sẽ là tiếp tục đối mặt với muôn vàn thách thức, nhưng Tôi vẫn rất háo hức và vui sướng khi được tung tăng trong làn nước, lượn mình qua những rạn san hô và vui đùa cùng với bọn cá biển. Dẫu đường còn xa, thời gian còn dài nhưng Tôi luôn tự hứa sẽ vượt qua hết tất cả để góp phần vào đa dạng sinh học biển, và một ngày nào đó Tôi sẽ trở về nơi sinh ra để thực hiện thiên chức và duy trì nòi giống!

Nhớ đến Tôi, nhớ đến hành trình gian nan vượt qua nhiều thử thách của Tôi và để Olive thực hiện tròn vai trò của một sứ giả của đại dương, xin các bạn đừng quên:

1. Từ chối và không sử dụng túi ni lông và các phẩm nhựa dùng một lần.

2. Bỏ rác đúng nơi quy định, thường xuyên dọn vệ sinh bãi và đáy biển.

3. Không sử dụng trứng, thịt và các sản phẩm từ rùa để làm thực phẩm, đồ trang trí, lưu niệm.

4. Lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cho mọi người xung quanh.

Cảm ơn các bạn đã cứu chữa, giúp Tôi giành lại sự sống, thả Tôi về với đại dương cùng một cái tên mới thật dễ thương! Tôi – Olive luôn yêu quý và trân trọng tình cảm của các bạn và sẽ mãi nhớ về các bạn, những người bạn thật tuyệt vời. Giờ thì tạm biệt các bạn nhé, Tôi trở về nhà của mình đây!

 

Một số hình ảnh trong ngày “Về nhà” của Olive:

 

Hình 1: Olive trong thùng xốp được vận chuyển từ Trung tâm Sasa đi Cù Lao Chàm

Hình 2: Dọn đường để Olive về nhà

Hình 3: Olive háo hức được trở về nhà

Clip: Xuất phát

Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và bãi biển, được đánh giá là một trong các đối tượng quý hiếm cần được bảo vệ. Có 7 loài rùa biển, tất cả đều được liệt kê trong Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa hoặc là nguy cấp hay cực kỳ nguy cấp. Tại Việt Nam, có 5 trong số 7 loài rùa biển của thế giới, đó là Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng và Rùa da cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa cao.

Trước đây, cùng với các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam, vùng biển Cù Lao Chàm được biết đến là sinh cảnh sống và sinh đẻ của các loài rùa biển vì có các hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và phong phú như: san hô, cỏ biển và các bãi cát ven đảo. Thật đáng buồn, trong vòng 20 năm trở lại đây, nơi này không còn ghi nhận sự xuất hiện của Rùa biển lên bờ đẻ trứng do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự phát triển của du lịch, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên,…

để bảo tồn rùa biển, sinh vật chỉ thị cho tiềm năng, sức khỏe của các hệ sinh thái biển trong khu vực, từ năm 2016, TP. Hội An đã có chủ trương quy hoạch lại các phân vùng chức năng của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trong đó ưu tiên quy hoạch khu vực biển phía Tây Bắc Cù Lao Chàm bao gồm khu vực bãi biển Bãi Bắc, đảo Hòn Lao và các đảo hòn Dài, hòn Lá,… là khu vực được bảo tồn nghiêm ngặt có diện tích chiếm khoảng 30% tổng diện tích Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Có thể nói đây là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm của TP. Hội An trong việc tập trung nâng cao nguồn lực và năng lực cho công tác quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái biển trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phục hồi các loài rùa biển cho Cù Lao Chàm. Theo Kế hoạch bảo tồn và phục hồi các loài rùa biển, một Trạm cứu hộ động vật hoang dã sẽ được thiết lập tại khu vực biển Bãi Bắc để phục mục cho mục đích cứu hộ những cá thể rùa biển, cá heo,… đây cũng là giải pháp bảo tồn tại chỗ hay còn gọi là bảo tồn nguyên vị của BQL Khu BTB CLC, bên cạnh việc thực hiện giải pháp bảo tồn chuyển vị trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về quản lý, ấp nở và thả về đại dương. Có thể nói, Cù Lao Chàm là một trong những nơi đầu tiên thực hiện bảo tồn chuyển vị đối với loài rùa biển ở nước ta.

Trong những năm gần đây, hiện tượng Rùa biển bị mắc lưới không chủ ý xảy ra ngày càng nhiều tại Cù Lao Chàm và các huyện ven biển tỉnh Quảng Nam. Theo số lượng thống kê của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, từ năm 2018 đến nay, chỉ riêng tại Cù Lao Chàm có khoảng 30 cá thể Rùa biển bị mắc lưới được cộng đồng hiến tặng, trong đó chiếm 2/3 là bị chết và được sử dụng để làm tiêu bản phục vụ cho công tác truyền thông, giáo dục. Các cá thể còn lại được thả về môi trường tự nhiên. Do đó, việc hình thành Trạm cứu hộ động vật hoang dã là rất cấp bách và cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ các loài sinh vật biển đang bị đe dọa, trong đó có rùa biển tại Khu BTB Cù Lao Chàm.

 

Thùy Hương

BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm