Tiếp cận và vận hành hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

1. Bối cảnh và những giá trị nổi trội của KSQ Cù Lao Chàm – Hội An (CBR)

Nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn kết nối với quần đảo Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (CBR) có đại diện đầy đủ các kiểu hệ hệ sinh thái (HST) tự nhiên đặc trưng như: HST rạn san hô, HST thảm cỏ biển, HST thảm rong biển, HST vùng cửa sông, HST đất ngập nước; HST vùng triều bờ đá; HST bãi biển, HST rừng thường xanh nhiệt đới…vv. Các HST này trải dài dọc theo các nhánh sông, vùng ven biển ra đến đảo Cù Lao Chàm đã tạo ra cảnh quan sinh thái sông nước hoang sơ, bao bọc lấy phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới đã làm nên một Khu sinh quyển rất đặc trưng và nổi trội về sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người đúng theo mục tiêu của chương trình Con người và sinh quyển MAB. Điều này đã mang lại cho Hội An một sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, tạo ra các dịch vụ sinh thái, là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Kết quả điều tra của CBR năm 2017 đã xác định được sự phân bố của các sinh cảnh quan trọng và quần xã sinh vật tại 3 phân vùng chức năng của CBR. Các sinh cảnh này đã và đang nuôi dưỡng hơn 1.653 loài sinh vật sinh sống trong các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, vùng triều bờ đá, rừng dừa nước, các cồn bãi tự nhiên và các sinh cảnh khác. Trong đó, có 311 loài san hô, 8 loài cỏ biển, 101 loài rong biển, 5 loài cây ngập mặn đã tạo ra vùng sinh cư nuôi dưỡng 368 loài cá, 23 loài da gai, 35 loài giáp xác, 169 loài thân mềm, 111 loài giun, 162 loài động vật phù du và 360 loài thực vật phù du.

Ngoài việc giám sát sự phân bố các sinh cảnh, hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học, vấn đề quan trọng là phải xác định được mối liên kết sinh thái, cụ thể là liên kết quần thể giữa các sinh cảnh và hệ sinh thái khác nhau trong phạm vi CBR. Để phục vụ cho mục tiêu quan trọng này, CBR đã tiến hành nghiên cứu điều tra và đã ghi nhận được 18 loài (trong đó có 10 loài cá) có mối quan hệ rất chặt chẽ về nơi sinh sống, sinh sản, ương dưỡng ấu trùng và sự di cư trong vòng đời giữa hai trung tâm đa dạng sinh học là quần đảo Cù Lao Chàm (thuộc vùng lõi CBR) và vùng cửa sông Thu Bồn (thuộc vùng đệm của CBR). Đây chính là cơ sở khoa học quan trọng để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản dựa trên nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn tính liên kết sinh thái và liên kết quần thể giữa các phân vùng khác nhau trong và ngoài phạm vi CBR.

Xác định được các giá trị nổi trội và bản chất của các diễn thế trong tự nhiên trong mối quan hệ với con người, CBR đang nỗ lực trong việc thu hút sự tham gia của toàn xã hội, từ chính quyền, nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng cư dân vào công cuộc bảo tồn các giá trị và phát huy danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển. Sau gần 9 năm được UNESCO công nhận (2009-2018), CBR đã cơ bản hình thành bộ máy, cơ chế quản lý và điều phối các hoạt động diễn ra trong phạm vi CBR theo cách tiếp cận được chọn lọc phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, yếu tố văn hóa lịch sử và sự đáp ứng của cộng đồng địa phương cùng các bên liên quan trong và ngoài phạm vi CBR nhằm bảo tồn và phát huy tốt các giá trị đặc trưng nổi trội của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu, đáp ứng sự kỳ vọng của UNESCO khi công nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với Cù Lao Chàm – Hội An.

2. Những khó khăn và thách thức CBR đang đối mặt

Việc chinh phục được danh hiệu khu sinh quyển năm 2009 đã mở ra một cơ hội lớn trong việc thu hút khách du lịch và thúc đầy toàn bộ các nền kinh tế của thành phố Hội An. Song hành với cơ hội này là thách thức không nhỏ từ sự phát triển du lịch, kéo theo sự thay đổi toàn diện các ngành kinh tế khác. Việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là sứ mệnh đồng thời là trách nhiệm của các bên liên quan trong CBR. Công cuộc này đang gặp phải nhiều khó khăn từ nội tại bên trong như: Nhận thức về giá trị và thương hiệu CBR của các bên liên quan còn hạn chế; Vai trò điều phối của CBR chưa được phát huy: Vai trò điều phối của BQL trong các hoạt động diễn ra trên địa bàn chưa được chính quyền và các bên liên quan nhìn nhận đúng, tiếng nói và tầm ảnh hưởng của BQL trong các quyết định của thành phố chưa rõ nét; Khung thể chế, pháp lý chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương đối với các KSQ ; Năng lực, kiến thức, kỹ năng và công cụ vận hành KSQ của cơ quan thường trực cũng như các cơ quan, địa phương phối hợp CBR còn hạn chế; Chưa có qui hoạch quản lý sử dụng bền vững tài nguyên trong CBR; Sự liên kết giữa các cơ quan, địa phương trong quản lý và điều phối các hoạt động của CBR chưa chặt chẽ. Chiến lược và kế hoạch của các ngành, địa phương chưa được chia sẻ, lồng ghép vào nhau để hướng tới mục tiêu chung là bảo tồn và phát huy danh hiệu CBR. Việc liên kết trong quản lý, chia sẻ thông tin, số liệu giữa các cơ quan trong CBR còn rất hạn chế; Công tác truyền thông chủ yếu được thực hiện bởi cơ quan thường trực, các bên liên quan đặc biệt là các doanh nghiệp chưa thực sự đồng hành cùng với CBR trong việc truyền thông rộng rải, hiệu quả về giá trị của CBR để từ đó nâng cao nhận thức và hành vi của du khách và cộng đồng địa phương trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị của CBR; Công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của CBR chưa được xã hội hóa, việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên chủ yếu được thực hiện ở vùng lõi với các hoạt động chuyên môn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chương trình nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học rừng Cù Lao Chàm chỉ mới được thực hiện ở một vài hoạt động đơn lẻ. Công tác bảo tồn tài nguyên nhân văn được thực hiện bởi Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Hội An. Tuy nhiện, sự hài hòa giữa công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn chưa được lồng ghép để mang lại hiệu quả và phát huy được giá trị nổi trội của CBR; Cơ sở dữ liệu của CBR chưa được cập nhật và chưa đưa vào quản lý theo hệ thống; và cơ chế tài chính bền vững của CBR chưa được xây dựng. Mặc dù có thu phí tham quan tại rất nhiều địa điểm trong khu sinh quyển nhưng các loại phí này được thu và quản lý rời rạc bởi nhiều cơ quan, địa phương khác nhau mà chưa được tổng hợp chung cho cả CBR. Chính vì thế, cơ chế chia sẻ lợi ích, tái đầu tư cho việc bảo vệ môi trường, chăm lo sức khỏe các hệ sinh thái, bảo tồn tính đa dạng sinh học theo chính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) chưa được áp dụng tại CBR.

Bên cạnh những khó khăn nội tại, tài nguyên quan trọng của CBR chính là giá trị cảnh quan sinh thái, tính đa dạng sinh học và giá trị văn hóa lịch sử của địa phương. Giá trị nổi bậc của CBR chính là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Tuy nhiên tài nguyên và những giá trị của CBR đang đứng trước những thách thức rất lớn: Ô nhiễm từ hoạt động dân sinh, các công trình xây dựng, các dòng hải lưu ven bờ; Sự gia tăng nhanh chóng số lượng và nhu cầu sử dụng thực phẩm, các dịch vụ hệ sinh thái của khách đến CBR; sự liên giữa các hệ sinh thái từ đỉnh núi đến rạn san hô tại đảo Cù Lao Chàm đang bị cắt đứt bởi các con đường bao quanh đảo cũng như các công trình xây dựng của các doanh nghiệp; Tại vùng cửa sông, nơi CBR đang nỗ lực bảo vệ rừng dừa nước và các hệ sinh thái cồn bãi tự nhiên, đây chính là các bãi đẻ và ươm giống của nhiều loài thủy sản và chúng có mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể với nguồn lợi thủy sản tại quần đảo Cù Lao Chàm. Tuy nhiên khu vực này cũng đang chịu sức ép vô cùng lớn từ việc đầu tư quá nhiều công trình, cơ sở hạ tầng như cầu Cửa Đại và hệ thống đường dẫn vắt ngang qua trung tâm rừng dừa, hầu hết các hệ thống cồn bãi tự nhiên trên sông, ven biển đã và đang được đầu tư xây dựng; Ngoài ra, hằng năm thành phố phải hứng chịu nhiều cơn bão tố, lũ lụt, hiện tượng nước biển ấm lên và những tác động khác của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên và các giá trị của CBR. Trầm tích kết hợp với hiện tượng ngọt hóa và ô nhiễm toàn lưu vực đã gây ra hiện tượng tấy trắng san hô (Coral bleaching).

Hình 1: San hô tại Cù Lao Chàm bị tẩy trắng

3. Hiện trạng quản lý/điều phối các hoạt động trong CBR

3.1. Lựa chọn cách tiếp cận phù hợp

Để phát huy hiệu quả quản lý tài nguyên mục tiêu, việc lựa chọn cách tiếp cận là rất quan trọng và cần dựa trên hiện trạng của CBR, hài hòa với chiến lược, định hướng phát triển chung của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và khu vực duy hải miền Trung trong bối cảnh biến đổi khí hậu để đảm bảo vận hành hiệu quả CBR, hướng tới sự phát triển bền vững (Hình 2).

Hình 2: Lựa chọn cách tiếp cận để vận hành KSQ Cù Lao Chàm – Hội An (CBR).

Trong đó, lựa chọn cách tiếp cận được căn cứ trên hiện trạng, điều kiện cụ thể của CBR (Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các yếu tố văn hóa lịch sử) để xác định các giá trị nổi trội; xem xét khả năng đáp ứng của cộng đồng địa phương phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và các công ước, thông lệ quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững. Với phân tích trên, các cách tiếp cận mà CBR đang nỗ lực áp dụng đó là:

(i) Tiếp cận hệ sinh thái – quản lý tính liên kết sinh thái.

(ii) Tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM).

(iii) Tiếp cận đồng quản lý và/hoặc quản lý dựa vào cộng đồng.

(iv) Tiếp cận hài hòa phát triển bền vững vùng bờ (ISCD).

(v) Tiếp cận quản lý lưu vực sông (Watershed management).

(vi) Tiếp cận từ thượng nguồn đến rạn san hô (Ridge to Reef – R2R).

(vii) Tiếp cận theo mô hình Tư duy hệ thống, Qui hoạch cảnh quan, Điều phối liên ngành và Kinh tế chất lượng (SLIQ) (Đề xuất bởi GS. Nguyễn Hoàng Trí).

Tiếp cận hệ sinh thái được đề xuất trên cơ sở khoa học rằng các hệ sinh thái không phải biệt lập. Cách tiếp cận này được áp dụng nhằm quản lý tài nguyên ở bối cảnh rộng hơn so với phạm vi và điều kiện phân bố của chúng. Đây là cách tiếp cận có thể giải quyết được những hạn chế của các cách tiếp cận tương đối cứng nhắc “vùng bảo vệ nghiệm ngặt” của khu bảo tồn biển hoặc bản thân “vũng lõi”, “vùng đệm” và “vùng chuyển tiếp” của chính CBR. Trong đó, việc giám sát sức khỏe, sự phân bố của các hệ sinh thái không quan trọng bằng việc xác định và quản lý mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể giữa các sinh cảnh và hệ sinh thái khác nhau tại các phân vùng chức năng khác nhau của CBR (Hình 3).

Hình 3: Phân tích tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tài nguyên tại CBR.

Một cách tiếp cận quan trọng khác được CBR đang nỗ lực vận dụng đó là tiếp cận đồng quản lý hay quản lý dựa vào cộng đồng (Co-management). Về bản chất, đây là quá trình chia sẻ, chuyển giao quyền quản lý tài nguyên cho cộng đồng và các bên liên quan nhằm tăng cường hiệu quả bảo tồn, phát triển cộng đồng bền vững (Hình 4).

Hình 4: Tiếp cận đồng quản lý và/hoặc quản lý dựa vào cộng đồng tại CBR.

Với cách tiếp cận này, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (KBTB) – vùng lõi của CBR đã thiết lập và đi vào vận hành mô hình Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (Cù Lao Chàm) từ năm 2013. Nơi đây, cộng đồng tự quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong phạm vi hơn 19km2 diện tích mặt nước biển.

Tài nguyên và các giá trị nổi trội của CBR chủ yếu là giá trị cảnh quan sinh thái, các sinh cảnh và tính đa dạng sinh học tại vùng hạ lưu sông Thu Bồn tiếp giáp với quẩn đảo Cù Lao Chàm. Đây là các giá trị có tính nhạy cảm rất cao với môi trường và chúng đang chịu những áp lực rất lớn từ việc phát triển kinh tế xã hội tại CBR cùng với những tác động mạnh mẽ từ lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Cùng với tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận từ thượng nguồn đến rạn san hô (Ridge to Reef – R2R) được áp dụng nhằm hạn chế những tác động từ bên ngoài đối với các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của CBR (Hình 5).

Hình 5: Tiếp cận từ thượng nguồn đến sạn san hô (Ridge to Reef- R2R)

3.2. Phân tích SWOT hoạt động quản lý và điều phối trong CBR.

Bên cạnh việc chọn lựa cách tiếp cận phù hợp để vận dụng trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, hoạt động của chính quyền và các bên liên quan, việc phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT analysis) là việc làm cần thiết, quan trọng trong việc cụ thể hóa các chiến lược vào thực tiến bằng các kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể của các bên liên quan trên nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên liên quan trong công cuộc bảo tồn các giá trị và phát huy danh hiệu khu sinh quyển tại CBR (Hình 6).

Hình 6: Kết quả phân tích SWOT quản lý và điều phối hoạt động tại CBR

4. Cơ chế quản lý, vận hành của CBR

4.1. Bộ máy

Tổ chức bộ máy điều phối các hoạt động của CBR được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận, kết quả phân tích SWOT, bối cảnh của địa phương và được sự thống nhất các bên liên quan với nòng cốt là đại diện 4 lực lượng gồm Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Cộng đồng địa phương. Cơ cấu tổ chức này đã là một nội dung quan trọng của Qui chế quản lý CBR được ban hành và vận hành chính thức năm 2015 (Hình 7).

Hình 7: Sơ đồ tổ chức Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

4.2. Cơ chế vận hành

4.2.1. Vận hành tại vùng lõi

Hầu hết các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị tại vùng lõi CBR – 7/8 đảo thuộc quần đảo Cù Lao Chàm – đều được thực hiện thông qua hoạt động của KBTB (Hình 8). Nơi đây, các đối tượng tài nguyên mục tiêu được xác định trong Kế hoạch quản lý, có phương án bảo tồn rõ ràng và được cập nhật trong hệ thống chính sách và các qui định của địa phương. Giai đoạn 2013-2018, KBTB có 10 đối tượng tài nguyên mục tiêu của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được xác định gồm: san hô, cua đá, tôm hùm, vú nàng, vú sao, thảm cỏ biển, bàn mai (điệp đất), trai tai tượng, ốc tù và, cá cảnh rạn san hô. Đây là các đối tượng đang bị khai thác quá mức phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của khách du lịch và đang chịu những tác động về môi trường và sinh cư từ sự hoạt động phát triển kinh tế xã hội khác.

Thông qua sự tồn tại, phát triển của các đối tượng tài nguyên mục tiêu này có thể xây dựng các tiêu chí hoặc các chỉ số liên quan đến quá trình giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của CBR.

Hình 8: Mô hình hoạt động Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

4.2.2. Các bên liên quan và việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh

Bản chất hoạt động bảo tồn trong CBR chủ yếu là căn cứ trên các luận cứ khoa học, hệ thống luật pháp và các qui định có liên quan để xây dựng cơ chế quản lý các hoạt động có ảnh hưởng đến các giá trị tài nguyên để bảo tồn và phát triển chúng. Trong đó, tập trung vào việc làm thế nào để giảm thiểu những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, các ban ngành, nhiệm vụ an ninh quốc phòng, hoạt động doanh nghiệp, sinh kế cộng đồng và các bên liên quan khi họ đang theo đuỗi những mục tiêu khác nhau (Hình 9).

Hình 9: Mô hình giảm thiểu mâu thuẫn phát sinh của cơ quan bảo tồn thuộc CBR

4.3. Cơ chế điều phối hoạt động

Hình 10: Mô hình điều phối các hoạt động trong CBR

Về bản chất, hoạt động của Ban quản lý khu sinh quyển không thực hiện việc quản lý nhà nước mà chức năng chính là điều phối các lực lượng từ quản lý, khoa học, doanh nghiệp cho đến người dân cùng tham gia vào quá trình hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để hướng tới mục tiêu chung của địa phương.

Trong quá trình vận hành, các cặp mâu thuẫn giữa CBR và các bên liên quan hay giữa nhiệm vụ của CBR với các nhiệm vụ khác của địa phương sẽ được phân tích để xác định được bản chất của sự mâu thuẫn, đưa ra hướng giải quyết đảm bảo hài hòa được lợi ích của các bên, cùng hoàn thành nhiệm vụ và đạt được các chỉ tiêu của địa phương. Từ quá trình quan sát thực tế, nhận định vấn đề theo các cách tiếp cận phù hợp, có thể tổ chức các nghiên cứu, thực hiện việc giám sát và đánh giá, xây dựng được cơ sở dữ liệu và các luận cứ khoa học để tư vấn cho chính quyền trong việc ban hành, cập nhật và cải tiến hệ thống qui định, chính sách của địa phương kể cả hệ thống pháp luật của quốc gia./.

Lê Ngọc Thảo