Quy chế Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An
QUY CHẾ
Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2015 của UBND thành phố Hội An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên tắc, cơ chế và phương thức quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (KSQ).
2. Quy chế này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị có hoạt động liên quan đến KSQ.
Điều 2. Giải thích từ ngữ trong quy chế này
1. Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do UNESCO công nhận đối với những vùng địa lý có sự nổi trội về đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn mang tính toàn cầu. Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KSQ) có cấu trúc gồm một hoặc nhiều vùng lõi, xung quanh vùng lõi là vùng đệm và phía ngoài là vùng chuyển tiếp. KSQ có 3 chức năng chính:
a) Bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên và nhân văn;
b) Thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế xã hội;
c) Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát, giáo dục nâng cao dân trí và trao đổi thông tin giữa các địa phương, các bên có liên quan trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững.
2. Hệ sinh thái là một hệ thống mở hoàn chỉnh bao gồm tập hợp các quần xã sinh vật và môi trường sống của chúng.
3. Đa dạng sinh học là một thuật ngữ thể hiện tính đa dạng của các cá thể sống, loài và quần thể, tính biến động di truyền giữa chúng và tất cả sự tập hợp phức tạp của chúng thành quần xã và hệ sinh thái. Đa dạng sinh học được thể hiện ở 3 góc độ là Gen – Loài – Hệ sinh thái.
4. Bảo tồn đa dạng sinh học là hoạt động nhằm bảo vệ, duy trì môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã, cảnh quan môi trường, những nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi trồng, chăm sóc các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ, bảo quản lâu dài các mẫu thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm mang các đơn vị chức năng di truyền còn khả năng tái sinh (mẫu vật di truyền), nhằm bảo vệ và duy trì sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên.
5. Gen là một đơn vị di truyền, một đoạn của vật chất di truyền quy định các đặc tính cụ thể của sinh vật.
6. Loài nguy cấp, quý, hiếm là những loài sống hoang dã hoặc được con người nuôi dưỡng, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan môi trường hoặc văn hóa, lịch sử mà số lượng cá thể còn rất ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng được các cơ quan, tổ chức hữu quan đánh giá và công bố.
7. Giá trị KSQ là các giá trị nổi trội riêng hay là nổi trội từ sự kết hợp giữa các hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn của địa phương nhưng mang tầm quốc tế.
8. Quản lý KSQ là quá trình điều phối các hoạt động có liên quan trong KSQ với sự tham gia của đại diện các bên có liên quan, thể hiện mối quan hệ giữa con người và sinh quyển nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của KSQ đồng thời thực hiện tốt các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
9. Tiếp cận hệ sinh thái là phương thức tiếp cận tư duy hệ thống, xem xét các hệ sinh thái vận hành theo một thể thống nhất để quản lý một cách tổng thể, tổng hợp và sử dụng bền vững các loại tài nguyên nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Điều 3. Mục tiêu quản lý
Việc quản lý KSQ nhằm mục tiêu chung là giữ gìn hệ sinh thái đang có, từng bước phục hồi hệ sinh thái đã mất, bảo tồn được đa dạng sinh học, phát triển bền vững và phát huy tốt giá trị của KSQ cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học.
Mục tiêu cụ thể là bảo đảm 07 tiêu chí của KSQ mà UNESCO đã công nhận gồm:
1. Bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái trong KSQ.
2. Bảo tồn tính đa dạng sinh học trong KSQ.
3. Bảo đảm sự bền vững trong khai thác và trong các mô hình trình diễn.
4. Đảm bảo kích thước để thực hiện được 03 chức năng của một KSQ.
5. Đảm bảo sự phân vùng chức năng rõ ràng gồm vùng lõi – vùng đệm và vùng chuyển tiếp.
6. Bảo đảm sự quản lý tổng hợp, quản lý thích ứng và chia sẻ lợi ích giữa các nhóm cộng đồng địa phương.
7. Đảm bảo các hoạt động hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, đào tạo, giám sát, quan trắc, giáo dục.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý
KSQ được quản lý theo các nguyên tắc sau đây:
1. Áp dụng nguyên tắc “Tiếp cận hệ sinh thái”, gồm 12 nội dung cụ thể:
a) Các mục tiêu quản lý tài nguyên đất, nước và tài nguyên sống là sự lựa chọn mang tính xã hội;
b) Quản lý hệ sinh thái phải được phân quyền đến cấp thích hợp thấp nhất;
c) Các nhà quản lý hệ sinh thái phải xem xét hiệu quả thực tế hoặc tiềm năng các hoạt động của mình đối với các hệ sinh thái lân cận và các hệ sinh thái khác;
d) Quản lý hệ sinh thái phải được vận hành thường xuyên trong một bối cảnh kinh tế cụ thể để thông qua đó nhận thức rõ những lợi ích có thể đạt được là: Giảm bớt những khiếm khuyết của thị trường có ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, khuyến khích để thúc đẩy việc sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học và kế hoạch hóa một cách khả thi các chi phí và các lợi ích của hệ sinh thái đã xác lập;
e) Việc bảo tồn cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái phải là mục tiêu ưu tiên của phương thức tiếp cận hệ sinh thái;
f) Các hệ sinh thái phải được quản lý trong các giới hạn về chức năng của chúng;
g) Việc tiếp cận hệ sinh thái phải được thực hiện theo các quy mô thích hợp về mặt không gian và thời gian;
h) Các mục tiêu quản lý hệ sinh thái phải có tầm nhìn dài hạn bởi các kết quả chỉ có thể diễn ra từ từ do đặc trưng của các quá trình sinh thái và do sự thay đổi quy mô không gian theo thời gian;
i) Việc quản lý hệ sinh thái phải công nhận sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi;
j) Phương thức tiếp cận hệ sinh thái đòi hỏi giữa bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học phải tìm kiếm sự cân bằng thích hợp và hợp thành một hệ thống thống nhất;
k) Quản lý tiếp cận hệ sinh thái cần phải xem xét tất cả các nguồn thông tin có liên quan bao gồm các kiến thức khoa học, kiến thức của cư dân bản địa, yêu cầu đổi mới và thực tiễn địa phương;
l) Quản lý tiếp cận hệ sinh thái cần sự tham gia của tất cả các lực lượng, các lĩnh vực xã hội và các ngành khoa học tương ứng.
2. Quản lý KSQ phải có sự tham gia của 04 lực lượng gồm:
a) Lực lượng quản lý;
b) Lực lượng nghiên cứu khoa học;
c) Lực lượng doanh nghiệp;
d) Lực lượng quần chúng.
3. Quản lý KSQ phải đảm bảo sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
4. Thông qua quản lý KSQ để tăng cường tính thực thi pháp luật của nhà nước.
Điều 5. Vị trí địa lý – phân vùng quản lý
1. Phạm vi KSQ bao gồm toàn bộ diện tích phần đất liền của thành phố Hội An và phần biển được xác định từ các điểm giới hạn phân vùng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nối với các điểm ranh giới trong đất liền của Hội An, với tổng diện tích 33.475 ha.
2. KSQ được phân thành 3 vùng chức năng như sau:
a) Vùng lõi: Gồm toàn bộ những đảo nổi và các vùng chức năng (vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng phát triển, vùng khai thác hợp lý)trong phạm vi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (KBTB). Vùng lõi có diện tích 11.560 ha, là nơi thực hiện chủ yếu chức năng bảo tồn của KSQ thông qua hoạt động của Khu bảo tồn biển và lực lượng bảo tồn rừng đặc dụng Cù Lao Chàm.
b) Vùng đệm: Gồm phần biển bao xung quanh vùng lõi cùng với toàn bộ diện tích hệ thống sông, kênh rạch, ao hồ tự nhiên, vùng đất ngập nước tự nhiên, bãi biển thuộc thành phố Hội An với diện tích 20.350 ha. Nơi đây tập trung các hệ sinh thái quan trọng và có tương tác mật thiết với vùng lõi. Các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng trong vùng đệm bao gồm: biển, sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, bãi triều, bãi biển, doi cát, cửa sông. Vùng đệm có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng nước trước khi ra biển và liên kết sinh thái giữa lục địa – đại đương.
c) Vùng chuyển tiếp: Là phần diện tíchtự nhiên còn lại của Hội An với diện tích 1.565 ha, trong đó nổi bật là Khu Phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới, các làng nghề truyền thống đặc trưng thể hiện sự giao thoa, tương tác giữa con người và thiên nhiên.
Điều 6. Cơ chế và phương thức quản lý KSQ
1. Cơ chế quản lý:
a) Ban quản lý KSQ (BQL KSQ) được tạo điều kiện về tài chính, cơ chế chính sách và các nguồn lực khác nhau nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động như: Khuyến khích các hoạt động sản xuất kinh doanh xanh; ưu tiên các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng và quảng bá KSQ thông qua nhãn sinh thái; thu hút nhân tài, lực lượng tình nguyên viên làm việc cho KSQ và thành phố Hội An;
b) BQL KSQ được tham gia các hoạt động giám sát, đánh giá tác động môi trường cũng như những tác động về văn hóa, xã hội của các dự án, công trình, công tác quy hoạch và các hoạt động khác liên quan đến KSQ;
c) BQL KSQ được tham mưu trực tiếp cho Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Hội An trong việc điều phối các hoạt động liên quan đến KSQ.
2. Phương thức quản lý:
KSQ được quản lý theo phương thức quản lý tổng hợp, mở, linh hoạt, đa chiều, liên kết, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đa đối tác trong và ngoài thành phố, cùng với sự hợp tác quốc tế rộng rãi, tạo được sự đồng thuận đa số của cộng đồng dân cư địa phương, đặt dưới sự quản lý thống nhất của UBND thành phố Hội An.
Chương II
QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI CÙ LAO CHÀM – HỘI AN DỰA VÀO MỐI LIÊN KẾT CỦA 4 LỰC LƯỢNG (QUẢN LÝ – KHOA HỌC – DOANH NGHIỆP VÀ QUẦN CHÚNG)
Điều 7. Những nhiệm vụ chung trong công tác quản lý KSQ
1. Xác định bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị KSQ là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững và các kế hoạch chỉ đạo thường xuyên của thành phố.
2. Điều hòa các mối quan hệ giữa con người với môi trường nhằm bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái tự nhiên ở mức độ cao (như đã được công nhận).
3. Tổ chức khai thác tài nguyên một cách hợp lý, phát triển kinh tế – xã hội bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng trên nền tảng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong phạm vi KSQ.
4. Xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn có đủ năng lực, phẩm chất đảm đương nhiệm vụ quản lý KSQ.
Điều 8. Những nhóm nhiệm vụ cụ thể
1. Các phòng ban, địa phương thuộc quản lý của UBND thành phố Hội An có trách nhiệm chia sẻ thông tin liên quan đến tài nguyên của KSQ và công tác quản lý thuộc ngành mình phụ trách cho BQL KSQ để thực hiện chức năng điều phối hoạt động của KSQ;
2. Quan trắc, khảo sát, điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá hiện trạng, diễn biến, trữ lượng, khả năng phục hồi và tái sinh, các giá trị kinh tế và xã hội của tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa trong KSQ theo kế hoạch được phê duyệt;
3. Căn cứ vào kết quả điều tra và đánh giá quy định tại khoản 2 điều này và những căn cứ luật định khác, đồng thời tích hợp những vấn đề biến đổi khí hậu, lập và trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên hệ sinh thái tự nhiên, về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của KSQ; các kế hoạch, đề án về nghiên cứu khoa học, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, phát động hành động, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế về KSQ;
4. Triển khai, phối hợp, tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án đã được phê duyệt lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, phát triển bền vững của thành phố theo trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành có liên quan trên địa bàn thành phố. Các ngành, địa phương liên quan kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm; kịp thời rút kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung các giải pháp cụ thể, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Điều 9. Tăng cường thực thi pháp luật
Trong quá trình quản lý, phải thực hiện nghiêm túc những quy định hiện hành về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, trong đó, về mặt thực tiễn, phải chú trọng thực hiện những quy định về động, thực vật hoang dã; về những loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; về loài ngoại lai và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen; về xác định và đề nghị khoanh vùng bảo vệ theo mùa hoặc dài hạn nơi sinh sản, sinh trưởng tự nhiên của các loài thủy sản, các loài chim đặc hữu hoặc di trú cần thiết phải được bảo vệ nhưng chưa có quyết định xác lập; về bảo vệ các loài trước nạn khai thác hủy diệt nói riêng.
Điều 10. Hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế
1. Hợp tác trong nước:
a) Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các trường, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cá nhân trong việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, truyền thông và trao đổi giảng viên, chuyên gia giữa KSQ với các đơn vị liên kết. Thông qua đó, tranh thủ được nguồn lực từ các đơn vị và thu hút tri thức từ khắp nơi để phục vụ cho mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của KSQ;
b) Áp dụng linh hoạt cơ chế cho phép của tỉnh, của trung ương trong quan hệ chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ, tạo điều kiện về các nguồn lực tài chính, chuyên môn, kỹ thuật, của cấp trên để triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững và phát huy giá trị KSQ.
2. Hợp tác quốc tế:
a) Tích cực tham gia và thực hiện các điều ước, các hoạt động quốc tế và khu vực về đa dạng sinh học với khả năng của thành phố, sự tài trợ với động cơ tốt của các tổ chức, cá nhân và sự yêu cầu, cho phép của tỉnh, của trung ương;
b) Đa dạng hóa các hình thức hợp tác song phương, đa phương với các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế và khu vực về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học như xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; tổ chức diễn đàn khoa học, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia; đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật và các hình thức hợp tác thích hợp khác về bảo tồn, phát triển bền vững và phát huy giá trị KSQ.
Điều 11. Trách nhiệm của UBND thành phố Hội An
Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền luật định, UBND thành phố có trách nhiệm:
1. Quản lý theo quy chế, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương trong việc thực hiện quy chế này; chịu trách nhiệm trước HDND thành phố, UBND tỉnh và trước pháp luật về quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững và phát huy giá trị KSQ.
2. Trình HĐND thành phố thông qua để trình UBND tỉnh quy hoạch, kế hoạch, đề án thuộc thẩm quyền của cấp trên về bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố hoặc quyết nghị chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện và phân bổ ngân sách theo thẩm quyền của địa phương đảm bảo thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về đa dạng sinh học của thành phố đã được phê duyệt.
3. Tổng kết các hoạt động quản lý KSQ theo định kỳ.
Điều 12. Trách nhiệm của Ban quản lý KSQ và các cơ quan hữu quan cấp thành phố
BQL KSQ và các cơ quan hữu quan cấp thành phố chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật về thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao trong các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững và phát huy giá trị KSQ.
1. Trách nhiệm của BQL KSQ:
a) Trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn quản lý tổng hợp, kết nối các chương trình, các kế hoạch có liên quan đến KSQ của các ngành hữu quan để tham mưu giúp UBND thành phố quản lý thống nhất KSQ;
b) Phối hợp các cơ quan hữu quan tham gia thực hiện tất cả các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị KSQ quy định tại quy chế này theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị;
c) Tham gia phản biện các chương trình, kế hoạch, đề án kinh tế – xã hội, các báo cáo đánh giá tác động môi trường có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến KSQ;
d) Bằng các hình thức thích hợp, tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, hoạt động sản xuất, kinh doanh về những vấn đề có liên quan đến quản lý KSQ; tạo điều kiện thuận tiện để cộng đồng dân cư địa phương tham gia quán lý KSQ theo quy định của pháp luật;
e) Thực hiện công khai hóa quá trình quản lý và thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban quản lý KBTB có trách nhiệm:
a) Xử lý thường trực giúp BQL KSQ làm tròn trách nhiệm quy định tại khoản 1 điều này;
b) Trực tiếp quản lý các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về rừng, biển, vùng nước nội địa (theo pháp luật về Bảo tồn đa dạng sinh học, về Bảo vệ và phát triển rừng, về Quản lý Khu bảo tồn biển, về Quản lý vùng nước nội địa và theo quy chế này; Phối hợp quản lý các lĩnh vực khác có liên quan theo pháp luật.
3. Trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường:
a) Tham mưu giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, về các loại tài nguyên đất, nước, khoáng sản, về bảo vệ môi trường, về biến đổi khí hậu và về các công việc khác thuộc lĩnh vực quản lý ngành trong phạm vi KSQ;
b) Phối hợp chặt chẽ cùng BQL KSQ và các cơ quan hữu quan thực hiện có hiệu quả quy chế này, trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường, đánh giá hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Trách nhiệm của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa:
Đẩy mạnh các hoạt động chuyên ngành của mình trong KSQ để phối hợp có hiệu quả với BQL KSQ và các ngành hữu quan khác nghiên cứu, đưa ra các giải pháp xử lý cân bằng mối quan hệ tương tác giữa bảo tồn di sản văn hóa với bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý mối quan hệ hài hòa giữa con người với môi trường, sinh thái và góp phần phát huy mạnh mẽ giá trị KSQ.
5. Trách nhiệm của Phòng Kinh tế và Phòng Thương mại – Du lịch:
a) Tham mưu giúp UBND thành phố quản lý nhà nước và phát triển bền vững các lĩnh vực thuộc ngành quản lý nhằm tạo sinh kế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần hữu hiệu bảo tồn và phát triển bền vững KSQ;
b) Phối hợp chặt chẽ với BQL KSQ, các ngành, địa phương trong các hoạt động quản lý và phát huy giá trị KSQ theo quy chế này, trong đó chú trọng các lĩnh vực thuộc diện quản lý của từng ngành diễn ra trong vùng lõi và vùng đệm.
6. Trách nhiệm của Phòng Văn hóa – Thông tin:
a) Tham mưu giúp UBND thành phố quản lý nhà nước và phát triển văn hóa nói chung, văn hóa truyền thống nói riêng nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong KSQ;
b) Phối hợp chặt chẽ nội bộ ngành cùng BQL KSQ và các ngành, địa phương trong các hoạt động quản lý KSQ, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng và kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử với sinh thái, môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cho đội ngũ quản lý và người lao động trong các đơn vị kinh tế, và cho nhân dân trong KSQ.
7. Trách nhiệm của Hạt kiểm lâm:
Phối hợp chặt chẽ với BQL KSQ cùng các cơ quan hữu quan và chính quyền các địa phương bảo vệ, phát triển và quản lý rừng theo quy định của pháp luật và theo quy chế này.
8. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục – Đào tạo:
Phối hợp cùng BQL KSQ, các ngành hữu quan và các trường học trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục ngoại khóa, lồng ghép vào chương trình chính khóa phù hợp với đối tượng để giảng dạy về giá trị của KSQ nhằm giáo dục ý thức và trách nhiệm công dân về bảo tồn và phát triển bền vững KSQ cho học sinh các cấp.
9. Trách nhiệm của Phòng Tài chính – Kế hoạch:
a) Phối hợp và thảo luận kỹ với BQL KSQ và các ngành hữu quan tham mưu việc huy động các nguồn lực tài chính; tổng hợp các kế hoạch ngân sách, các dự án đầu tư dài hạn, trung hạn và hàng năm để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững và phát huy giá trị KSQ trình các cấp thẩm quyền quyết định;
b) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở các ngành, các cấp giúp UBND thành phố quản lý tốt tài chính.
10. Trách nhiệm của UBND các xã, phường:
a) Chủ động quản lý địa bàn theo chức trách luật định; phối hợp chặt chẽ với BQL KSQ và các ngành hữu quan của thành phố thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn của mình theo chỉ đạo của UBND thành phố, theo hướng dẫn hoặc đề nghị của BQL KSQ và các ngành hữu quan của thành phố về việc thực hiện quy chế này;
b) Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) cùng các đoàn thể chính trị cùng cấp vận động nhân dân thực hiện quy chế này và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia quản lý KSQ theo quy chế dân chủ ở cơ sở và theo quy chế này;
c) Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về bảo tồn đa dạng sinh học và về các lĩnh vực có liên quan đến bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị KSQ theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Trong quá trình quản lý địa bàn, nếu phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật chuyển vị trí từ địa bàn mình sang các địa bàn khác trong KSQ, phải kịp thời thông báo cho UBND sở tại, các ngành hữu quan (có trách nhiệm trực tiếp tham mưu xử lý hành vi vi phạm) của thành phố biết và yêu cầu cùng phối hợp xử lý;
d) UBND, Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, HDND xã, phường và trước pháp luật về thực thi nhiệm vụ đựợc phân công quản lý địa bàn đối với các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị KSQ.
Điều 13. Trách nhiệm của cộng đồng địa phương
Cộng đồng dân cư các địa phương tham gia bảo vệ và phát triển KSQ theo quy định của pháp luật và theo quy chế này.
1. Được tham gia, được thành lập và triển khai hoạt động các tổ chức tự quản theo quy ước cộng đồng để tham gia cùng BQL KSQ, các ngành và chính quyền các địa phương vào các hoạt động sau đây:
a) Góp ý xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn di sản văn hóa của KSQ;
b) Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học về bảo tồn; tuần tra, bảo vệ KSQ và giám sát các hoạt động bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị KSQ.
2. Được hưởng lợi ích từ việc bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị KSQ.
Điều 14. Trách nhiệm của lực lượng khoa học
1. Các tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ tham gia bảo vệ và phát triển giá trị KSQ thông qua các hoạt động:
a) Tham gia phản biện các dự án, công trình, qui hoạch có tác động trực tiếp và gián tiếp đối với KSQ.
b) Tư vấn, góp ý, đề xuất ý tưởng cho các chương trình, kế hoạch hoạt động của KSQ.
c) Tổ chức nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu và kêu gọi nghiên cứu trên các lĩnh vực liên quan nhằm đưa ra luận chứng khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, đề xuất các mô hình, vận dụng các phương thức, áp dụng các qui trình, xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát để tư vấn cho BQL KSQ trong quá trình điều phối hoạt động của các bên liên quan và tham mưu cho UBND thành phố Hội An trong hoạch định chiến lược, quản lý điều hành nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của KSQ, hướng tới xây dựng thành công thành phố sinh thái vào năm 2030.
2. Thành phố Hội An khuyến khích và ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo trên các lĩnh vực: bảo vệ môi trường – tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn tài nguyên nhân văn, phát triển năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ xanh, và phát huy các giá trị khác của KSQ.
Điều 15. Trách nhiệm của lực lượng sản xuất – kinh doanh
1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh có khai thác, sử dụng tài nguyên KSQ được bảo đảm các quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật và được chia sẻ lợi ích từ việc khai thác có hiệu quả các giá trị của KSQ. Khi được yêu cầu tham khảo hoặc khi thấy cần, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được quyền tham gia bàn thảo, tư vấn, đề xuất ý tưởng cho các chương trình, kế hoạch hoạt động của KSQ với các cơ quan liên quan của thành phố.
2. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài việc chấp hành luật pháp, các qui định có liên quan cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với công tác bảo vệ và phát huy danh hiệu KSQ; cụ thể, việc tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các qui định về bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị tài nguyên của KSQ, hướng tới hoạt động sản xuất sạch, sản phẩm xanh; đồng thời, có trách nhiệm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về KSQ trong quá trình hoạt động và sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Điều 16. Cơ chế phối hợp
Các cơ quan hữu quan thuộc UBND thành phố Hội An (gọi tắt là cơ quan nhà nước thành phố) phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình trực tiếp vận động, chỉ đạo cấp cơ sở, nhân dân thực hiện quy chế này đồng thời phối hợp với UBMTTQ và các đoàn thể chính trị các cấp tiến hành các hoạt động giám sát, góp ý kiến hoặc phản biện xã hội về các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị KSQ và nghiêm túc tiếp thu, trả lời các kiến nghị đã nhận được theo đúng quy định của pháp luật.
Chương III
NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI CÙ LAO CHÀM – HỘI AN
Điều 17. Đối với vùng lõi
1. Theo pháp luật hiện hành, các hoạt động sau đây trong các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng và KBTB CLC bị nghiêm cấm:
a) Làm thay đổi, hủy hoại cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên, hủy hoại tài nguyên rừng, biển và tài nguyên thiên nhiên khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép; lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, mặt nước trái phép; thả, nuôi, trồng các loài động, thực vật, vi sinh vật ngoại lai xâm hại và các loài bị cấm do chính quyền tỉnh Quảng Nam hoặc trung ương quy định;
b) Khai thác động, thực vật rừng, các loài thủy sinh bằng bất cứ phương pháp, công cụ nào; mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, trừ trường hợp được pháp luật cho phép; tiếp cận trái phép nguồn gen, chia sẻ trái phép lợi ích từ nguồn gen của loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quí hiếm được ưu tiên bảo vệ; nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp;
c) Xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái với quy định của pháp luật; gây ô nhiễm môi trường trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật; mang vào và cất giữ trái với quy định của pháp luật các loại chất cháy, nổ, độc hại; đốt lửa trong rừng và ven rừng;
d) Các hoạt động khác bị nghiêm cấm theo các luật định về Đa dạng sinh học, về Bảo vệ và phát triển rừng, về Tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng, về Quản lý các Khu bảo tồn biển, về Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, về Di sản văn hóa, và về các lĩnh vực khác có liên quan quy định.
2. Các hoạt động có điều kiện được phép thực hiện trong các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt phải tuân thủ Quy chế quản lý rừng, Quy chế quản lý rừng đặc dụng hoặc Quy chế quản lý các KBTB của Chính phủ, của UBND tỉnh và các quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt của thành phố gồm có:
a) Các hoạt động lâm sinh;
b) Các hoạt động du lịch;
c) Các hoạt động nghiên cứu khoa học;
d) Hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy;
e) Các hoạt động phục hồi hệ sinh thái rừng và biển;
f) Các hoạt động khác do luật định.
3. Trong các phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng và KBTB CLC, các hoạt động bị nghiêm cấm và các hoạt động có điều kiện phải tuân thủ Quy chế quản lý rừng, Quy chế quản lý rừng đặc dụng hoặc Quy chế quản lý các KBTB của Chính phủ và của UBND tỉnh.
4. Trong các phân khu phát triển, hành lang bảo vệ của Khu bảo tồn biển và vùng đệm (vùng dân cư và phát triển kinh tế xã hội) của rừng đặc dụng CLC, các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động có điều kiện và các hoạt động bình thường, thực hiện theo quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh và của thành phố.
Điều 18. Đối với vùng đệm và vùng chuyển tiếp
1. Vùng đệm và vùng chuyển tiếp phải được quy hoạch, sử dụng tài nguyên, đất đai phù hợp với mục tiêu ngăn chặn, giảm nhẹ sự xâm hại đối với vùng lõi, đồng thời nâng cao sinh kế cho cộng đồng dân cư và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
2. Các hoạt động bị nghiêm cấm theo pháp luật hiện hành:
a) Như Khoản 1, Điều 17 quy chế này;
b) Nuôi, trồng, nhân giống trái phép các loài động, thực vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quí hiếm được ưu tiên bảo vệ; khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ trái phép các loài, sản xuất, tiêu thụ trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quí hiếm được ưu tiên bảo vệ; tiếp cận trái phép nguồn gen, chia sẻ trái phép lợi lợi ích từ nguồn gen các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quí hiếm được ưu tiên bảo vệ;
c) Nuôi nhốt, giết mổ trái phép động vật rừng; chế biến, vận chuyển, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất, nhập khẩu thực vật, động vật rừng trái quy định của pháp luật;
d) Khai thác thủy sản trái phép tại các khu vực do UBND tỉnh hoặc Bộ NN – PTNT cấm tạm thời, cấm dài hạn; khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc, xung điện, và bằng các phương pháp, phương tiện hủy diệt khác; sản xuất, lưu hành, sử dụng các loại ngư cụ bị cấm, sử dụng loại nghề bị cấm; phá hủy, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản trong vùng nước nội địa;
e) Gây ô nhiễm môi trường;
f) Các hoạt động khác bị pháp luật nghiêm cấm.
3. Ngoài các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động kinh tế – xã hội khác được thành phố khuyến khích phát triển theo quy định của pháp luật, theo Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, Quy hoạch chung xây dựng đô thị, Quy hoạch đa dạng sinh học, các quy hoạch ngành và các kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyêt và theo các khung pháp lý của thành phố.
Chương IV
TÀI CHÍNH
Điều 19. Nguồn tài chính
1. Nguồn tài chính liên quan đến lĩnh vực nào trong hoạt động quản lý bảo tồn, phát triển bền vững, phát huy giá trị KSQ sẽ sử dụng nguồn kinh phí của các ngành thuộc lĩnh vực đó do ngân sách nhà nước hoặc do các nguồn tài trợ và các nguồn đóng góp, nguồn thu dịch vụ hợp pháp, nếu có, chi trả.
2. Nguồn tài chính sử dụng cho các hoạt động do BQL KSQ chủ trì được thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của BQL KSQ ban hành kèm theo quyết định số 2056/QĐ-UBND của UBND thành phố Hội An ngày 04 tháng 9 năm 2014.
Điều 20. Quản lý tài chính
Việc quản lý tài chính phải thực hiện theo các quy định pháp luật về tài chính hiện hành của nhà nước.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 21. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích quản lý, bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị KSQ được xét khen thưởng theo pháp luật hiện hành về thi đua – khen thưởng.
Điều 22. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý hoặc xâm hại tài nguyên của KSQ, tùy theo mức độ, sẽ bị thi hành kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Trách nhiệm thi hành
Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị KSQ có trách nhiệm thi hành quy chế này. Trong thực tiễn tổ chức thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung quy chế cho phù hợp, BQL KSQ hoặc các tổ chức, cá nhân khác có liên quan có thể đề nghị bằng văn bản gởi đến UBND thành phố để xem xét, quyết định. Chỉ có UBND thành phố Hội An mới có quyền sửa đổi, bổ sung quy chế này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN QUYỀN CHỦ TỊCH (Đã ký và đóng dấu)
Nguyễn Văn Dũng |