Ốc Tù và – xuất hiện trở lại Cù Lao Chàm sau gần 30 năm
Ngày 19/8/2024, trong lúc hành nghề lưới rê 3 lớp tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; ngư dân Trần Văn Cử (thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp, Hội An) đã phát hiện 01 cá thể Ốc Tù và mắc lưới.
Hình 1: Ngư dân Trần Văn Cử (thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp) bàn giao cá thể Ốc Tù và cho BQL KBTB CLC
Hình 2: Mặt sau của Ốc Tù và. Hình 3: Mặt trước của Ốc Tù và
Do được truyền thông từ nhiều năm nay về ý nghĩa sinh học của loài này; ngư dân Trần Văn Cử đã báo cáo với BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để có biện pháp phù hợp. Cá thể Ốc Tù và này có cân nặng khoảng 2,65kg; chiều dài 440mm và có sức khoẻ bình thường. Theo quy định, BQL phối hợp với các cơ quan chức năng cùng với ngư dân thả cá thể này về lại với vùng biển.
Ốc Tù và (pháp danh khoa học: Charonia Tritonis) thuộc Bộ Chân bụng trung; có dạng hình khèn; chiều dài khoảng 350mm, lớn và nặng. Mặt ngoài màu kem, có nhiều vân màu nau đậm hoặc nâu nhạt. Nhiều đường xoắn ốc nổi rõ từ miệng đến đỉnh.
Ốc Tù và sống vùng dưới triều đáy mềm, ven rạn san hô, trong rạn san hô có khi xuống đến độ sâu 20 – 30m. Thức ăn chính của Ốc Tù và là sao biển gai (Acanthester planci) – sao biển gai lại ăn san hô đe doạ đến đời sống các rạn san hô. Do vậy Ốc Tù và có ý nghĩa sinh học cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ rạn san hô.
Theo sách Đỏ Việt Nam 2007, tình trạng loài này được phân hạng CR (rất nguy cấp và đang đước trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai trước mắt). Sau gần 20 năm thực hiện giám sát rạn san hô, BQL Khu bảo tồn biển chưa ghi nhận cá thể Ốc Tù và nào; bên cạnh đó qua trao đổi với các ngư dân lão luyện tại Cù Lao Chàm sau gần 30 năm mới thấy loài này xuất hiện trở lại.
Việc Ốc Tù và xuất hiện trở lại vùng biển Cù Lao Chàm là một tín hiệu vui đối với công tác bảo tồn biển, đồng thời nhận thức đúng đắn của ngư dân Trần Văn Cử nói riêng và của cộng đồng nói chung thể hiện sự thành công trong công tác bảo tồn biển tại nơi này.
Tác giả: Huỳnh Ngọc Diên
BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm