Một ngày thực địa tại Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An

Từ năm học 2018 – 2019 bộ giáo trình về Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã được chính thức đưa vào giảng dạy tại các trường THCS trên địa bàn thành phố Hội An. Mới đây, Ban quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã kết hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo tổ chức chương trình thực địa tìm hiểu về Khu sinh quyển tại ba phân vùng chức năng cho gần 100 giáo viên và học sinh.

Chương trình thực địa được bắt đầu từ ngày 20/8 tại khu phố cổ – vùng chuyển tiếp. Đoàn đã tìm hiểu về lịch sử hình thành đô thị cổ, những dấu ấn văn hóa tiêu biểu thông qua kiến trúc, tín ngưỡng thờ tự đặc trưng tại đây. Các thầy cô và các bạn học sinh cũng đã đến tham quan và trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Thanh Hà, một trong những làng nghề truyền thống lâu đời tại Hội An.


Hình 1, 2: Thăm quan phố cổ và trải nghiệm làm gốm tại Thanh Hà

Tại Cẩm Thanh – thuộc vùng đệm khu sinh quyển, đoàn đã đến thăm, trò chuyện cùng các bác nông dân tại vườn rau Thanh Đông. Nông nghiệp sạch cũng như các kiến thức về cây trồng, phân bón hữu cơ, kinh nghiệm dân gian trong việc trị sâu bệnh đã được áp dụng vào chương trình ngoại khóa trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên lần này, các thầy cô được dịp hiểu thêm về mối tương quan giữa nông nghiệp trong quản lý rác thải, bảo vệ môi trường, đồng thời thấy được sự gắn kết với hệ sinh thái rừng dừa nước tại Cẩm Thanh. Đoàn cũng đi thuyền thăm quan hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng cửa sông Thu Bồn, ghé thăm làng nghề tre dừa nước tại cơ sở Tân Taboo.

 

Hình 3: Tìm hiểu về vườn rau Thanh Đông

Hình 4: Đi thuyền dọc rừng rừng dừa Cẩm Thanh

Hình 5: Thăm quan xưởng tre dừa truyền thống Taboo.

Chuyến thực địa thu hút đông đảo sự quan tâm của các thầy cô là tại Cù Lao Chàm. Trong chuyến đi kéo dài hai ngày một đêm trên đảo, nhiều thầy cô và các bạn học sinh, lần đầu tiên trong đời đã được trải nghiệm lặn ngắm san hô, nghe giới thiệu về công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị Khu sinh quyển thông qua các mô hình vườn ươm san hô, hợp tác xã cua đá. Những hoạt động tìm hiểu về văn hóa cũng được gắn vào chương trình như trò chuyện với các nghệ nhân làm võng ngô đồng, học gói bánh ít.

Chia sẻ về chương trình, thầy Nguyễn Văn Chiến (giáo viên môn Sinh học – trường THCS Nguyễn Du) cho biết: “Những thông tin trong bộ giáo trình trở nên sống động hơn khi được trải nghiệm thực tế, chúng tôi mong muốn ngày càng có có nhiều hơn những tiết ngoại khóa như thế này vào chương trình giảng dạy trong thời gian sắp đến”.

Hình 6: Trải nghiệm lặn ngắm san hô

Hình 7: Tìm hiểu về văn hóa Cù Lao Chàm và các ngành nghề truyền thống

Một điểm mới tại chương trình thực địa lần này, các thầy cô được yêu cầu không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đây cũng là một nội dung Ban tổ chức mong muốn truyền tải sâu rộng đến ngành Giáo dục để có thể tạo ra sự lan toả mạnh mẽ của chiến dịch Giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố, nhất là sau khi Phòng GD&DT đã có công văn về thực hiện phong trào trong trường học bắt đầu từ năm học 2019-2020.

Với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy bộ giáo trình trong nhà trường, chương trình thực địa một phần giúp các thầy cô và các em học sinh củng cố và hiểu rõ hơn các kiến thức trình bày trong bộ sách, ngoài ra còn là kênh thông tin để Ban biên soạn tiếp nhận những ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn thiện hơn nội dung và hình thức cho năm học sắp đến.

Tới đây, Phòng GD&DT thành phố cũng sẽ phối hợp cùng Ban quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An tổ chức một buổi hội thảo nhằm tổng kết một năm triển khai bộ giáo trình Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

 

Thảo Huyền