Lưới lồng – Loại hình đánh bắt hủy diệt đang đe dọa đến hệ sinh thái vùng bờ
Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An có một tài nguyên thiên nhiên vô cùng phòng phú: Từ các hệ sinh thái cồn bãi đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rong, cỏ biển vùng cửa sông kéo dài đến hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm. Các hệ sinh thái vùng cửa sông và hệ sinh thái biển có quan hệ mật thiết và tương hỗ cho nhau, tạo ra tính liên kết tựa như những dây xích quan trọng trong vùng bờ và biển.
Hình 1: Mối quan hệ tương tác của hệ sinh thái
Năm 2016, BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đã phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện dự án: “Điều tra và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng bền vững đối với tài nguyên đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được Hệ sinh thái vùng cửa sông Thu Bồn và vùng biển Cù Lao Chàm giàu có về tiềm năng đa dạng sinh học và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Với đặc điểm có vùng rừng dừa ngập mặn Cẩm Thanh, các thảm cỏ biển, thảm rong biển và các cồn bãi tự nhiên được bởi nhiều nhánh sông bao bọc tạo nên một tài nguyên dồi giàu và phong phú. Là các vùng bãi giống, bãi đẻ, bãi ương nuôi ấu trùng không chỉ cho vùng cửa sông mà còn có vai trò quyết định sự đa dạng, giàu có của thủy hải sản vùng biển Cù Lao Chàm, trong đó là nhiều loài đặc hải sản. Các hệ sinh thái này có vai trò rất quan trọng và tạo thành dòng chảy sinh thái từ vùng cửa sông đến Cù Lao Chàm và ra cả đại dương.
Hình 2: Bản đồ phân bố các bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy, hải sản
Thế nhưng hiện nay, các loài thủy, hải sản khu vực vùng bờ đang bị đe dọa, uy hiếp một cách nghiêm trọng bởi nghề lưới lồng. Nghề lưới lồng mới phát triển trong vài năm trở lại đây nhưng với tính chất bắt không chọn lọc kết hợp với kích thước mắt lưới nhỏ nên người dân hiện nay đang sử dụng rất nhiều và gần như phổ biến trên các dòng sông, kênh mương, vây kín quanh rừng dừa nước Cẩm Thanh, vây quanh các cồn bãi tự nhiên trong khu sinh quyển mà các nhà khoa học đã chỉ ra là các bãi đẻ, bãi ương giống của các loài thủy, hải sản.
Hình 3: Lưới lồng bao quanh các bãi đẻ loài cá Úc ở khu vực Cẩm Kim
Một số khu vực như Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh và khu vực vùng ven như các xã Duy Vinh, Duy Nghĩa nghề lưới lồng này trở thành nghề phổ biến và là nguồn thu nhập chính của người dân sống ven sông Thu Bồn hiện nay. Hầu hết việc chuyển đổi các loại hình nghề truyền thống như nghề làm rớ, lưới đáy, thả lưới 03 lớp trên sông được chuyển một cách nhanh chóng sang làm nghề lưới lồng, dẫn đến các nguồn hải sản ngày càng có nguy cạn kiệt.
Hình 4: Lưới lồng bao quanh rừng cây Lau – Bãi Bà Mau Cẩm Kim
Hình 5: Thả lưới lồng trên Sông Thu Bồn
Lưới lồng hay rọ lồng là loại lưới bát quái có xuất xứ từ Trung Quốc, đây không phải là loại lưới thông thường mà là những cái lồng hình chữ nhật, có cửa kiểu như hom giỏ (hom lờ) để các loài thủy sinh chui vào và không có đường ra. Kích thước lưới rất nhỏ, khoảng 15 mm. Cứ mỗi tay lưới dài chừng 5m – 7m và mỗi hộ ngư dân có đến 100 – 200 tay lưới. Từ con cá, con tôm, con tép đến con cua, ghẹ, lươn lạch đều bị sa vào bẫy lồng, bắt từ con lớn đến con bé, thậm chí có con còn chưa kịp mở mắt.
Hình 6: Kích thước mắt lưới rất nhỏ, khoảng cách chỉ 15 mm
Cứ mỗi chiều là thấy nhộn nhịp trên các dòng sông, ven các cồn bãi, kênh mương, trong các rừng dừa nước, lưới lồng nối đuôi nhau thành hệ thống, giăng trải dài hàng cây số và cứ 5 – 10 m lại có một lớp khác nối song song nhau từ thượng nguồn đến vùng cửa sông và quanh chân các rừng dừa, rừng đước.
Hình 7: Buổi chiều người dân đi thả lưới.
Hình 8: Lưới lồng bao quanh chân rừng dừa Bảy Mẫu – Cẩm Thanh
Một số ngư dân cho biết, mỗi một đêm nghề lưới lồng đã đem về cho hộ từ năm trăm đến hơn triệu đồng. Công việc nhẹ nhàng, không cần có kinh nghiệm, không cần mồi, chỉ việc thả cho lồng chìm xuống tầng đáy và vớt lồng, thu sản phẩm sau một đêm và có thể kết hợp để làm nhiều công việc khác vào ban ngày.
Với sức tàn phá, hủy diệt môi trường như vậy nhưng chưa thấy có sự quan tâm, can thiệp, quản lý của chính quyền địa phương và các ngành quản lý chuyên môn. Mặc dù, việc quy định sử dụng các ngư cụ khai thác thủy sản rất rõ ràng về kích thước mắt lưới nhưng hiện nay lưới lồng có kích thước rất nhỏ vẫn đang phát triển ồ ạt và chưa được đưa vào danh mục quy định của Luật Thủy sản, trong khi tình trạng khai thác báo động khiến cho nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái sông hồ bị phá hoại nặng nề.
Bảng 1: Các Quy định kích thước mắt lưới nhỏ nhất tại bộ phận tập trung cá của ngư cụ khai thác thủy sản nước ngọt
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản với mức phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng và phạt bổ sung được quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP là tịch thu bộ phận lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.
Với việc phát triển mạnh mẽ của nghề lưới lồng, đã làm nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, đặc biệt tại các bãi giống, bãi đẻ, bãi ương giống tự nhiên bị bao vây sẽ dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị kiệt quệ trong tương lai từ vùng hệ sinh thái vùng bờ, cửa sông đến hệ sinh thái biển. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ việc xây dựng hệ thống pháp luật đến việc quản lý, vận động của chính quyền địa phương không khuyến khích mở rộng loại hình đánh bắt đối với nghề lưới lồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng. Cần có điều tra, nghiên cứu, đánh giá một cách tổng quan về kinh tế, xã hội cũng như các hộ đang làm nghề lưới lồng của các khu vực vùng ven như xã Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh và các vùng lân cận để đưa ra những chiến lược, giải pháp hỗ trợ, chuyển đổi sinh kế phù hợp nhằm giảm thiểu nghề lưới lồng và quản lý tốt hơn các hệ sinh thái ven bờ, đặc biệt là bảo vệ tốt các bãi giống, bãi đẻ hiện nay.
Công Sanh – Khu BTB Cù Lao Chàm