Hội thảo: Lựa chọn các sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

Sáng nay (ngày 21/12/2017), Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (Khu DTSQTG CLC-HA) đã tổ chức thành công hội thảo “Lựa chọn các sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí Nhãn hiệu Chứng nhận Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An” với sự tham gia của gần 50 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cùng đại diện một số cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu DTSQTG CLC-HA đồng chủ trì hội thảo cùng bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Phó ban trực BQL.

Hội thảo lần này là hoạt động tiếp nối sau chuyến tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, quản lý và sử dụng nhãn hiệu với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà -Thành phố Hải Phòng vào tháng 8/2017. Ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo tham luận “Đề xuất bộ tiêu chí cấp Nhãn hiệu chứng nhận KSQ CLC – Hội An” đi kèm với phần giới thiệu về “Quy trình xây dựng quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận”.

Tại hội thảo, hai đơn vị đầu tiên đề xuất được gắn nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển CLC- Hội An gồm sản phẩm thủ công tre dừa nước Taboo tại Cẩm Thanh và trà rừng Cù Lao Chàm cũng đã có bài trình bày sơ lược về sản phẩm của mình. Theo anh Võ Tấn Tân – chủ cơ sở Taboo – tre là loại vật liệu bền vững và thân thiện với môi trường, các đặc tính vốn có của tre và những tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất đã tạo nên các sản phẩm tiêu dùng có giá trị cao. Bằng khả năng sáng tạo của mình, anh Tân đã sản xuất được nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, gia dụng độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước như xe đạp tre, loa tre, ly cốc… Ngoài ra, cơ sở của anh còn thường xuyên tổ chức các buổi workshop để du khách được trải nghiệm, giao lưu, trao đổi các giá trị và văn hóa tre.

Với trà rừng Cù Lao Chàm, đây là sản phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, được khai thác từ rừng Cù Lao Chàm, có giá trị về dược lý đã được kiểm nghiệm. Sản phẩm cũng đã được đăng kí bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Trà rừng Cù Lao Chàm”, có quy trình khai thác, sơ chế, xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu và có sự đồng thuận tham gia của hơn 30 hộ dân khai thác tại Cù Lao Chàm.

Góp ý tại hội thảo, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự ủng hộ việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, tuy nhiên về quy trình xét chọn cần được xây dựng một cách chặt chẽ, kĩ lưỡng và khoa học. Ông Phan Xuân Thanh (đại diện công ty TNHH Emic Hospitality – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) phát biểu: “Nhãn hiệu chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển là một ý tưởng rất hay, nhưng tôi mong muốn khi được triển khai, doanh nghiệp sẽ nhận thức được rằng nó sẽ giúp họ xây dựng, quảng bá những sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển bền vững chứ không phải vì mục đích lợi nhuận”.

Nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An xây dựng dựa trên tinh thần tham gia tự nguyện của doanh nghiệp. Hiện tại đã có hai đơn vị đề xuất đăng kí chứng nhận nhãn hiệu là Taboo và trà rừng, hi vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trên địa bàn khu sinh quyển tham gia vào mạng lưới. Trong thời gian tới, Ban quản lý Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An sẽ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể cho từng sản phẩm, quy trình sử dụng và quản lý để hoạt động được triển khai rộng rãi vào năm sau.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Ông Nguyễn Thế Hùng phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Võ Tấn Tân giới thiệu về sản phẩm thủ công tre dừa nước Taboo

Ông Lê Minh Thảo trình bày về Quy trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận KSQ

Các đại biểu tham gia góp ý tại hội thảo

Thảo Huyền