CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 15 NĂM CÙ LAO CHÀM – HỘI AN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN KHU DỰ TRỰ SINH QUYỂN THẾ GIỚI

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO công nhận vào ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju – Hàn Quốc bởi những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay. Các giá trị đặc trưng, nổi trội đó là: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; Phố cổ Hội An – Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; Rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; Rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; Hệ thống rừng phòng hộ ven biển; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.

Theo nhận định của UNESCO, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO.

Năm 2024 là năm đánh dấu cột mốc 15 năm Cù Lao Chàm – Hội được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có thể nói, danh hiệu Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là sự ghi nhận của cộng đồng thế giới về những nỗ lực vượt bậc của thành phố Hội An trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của Khu sinh quyển chào mừng kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An, hưởng ứng “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia năm 2024”, hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” thực thi “Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal” tại Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới. Chương trình Lễ Kỷ niệm 15 được diễn ra vào lúc 19h30 ngày 23/5/2024 (thứ 5), tại sân vận động Cù Lao Chàm – xã Tân Hiệp – TP. Hội An.

Hình 1: Cù Lao Chàm – Vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

Cũng nhân dịp này, tại Hội An và Cù Lao Chàm sẽ tổ chức các hoạt động chào mừng:

TTHoạt độngThời gianĐịa điểm
1Triển lãm ảnh về đa dạng sinh học và nỗ lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tại Khu sinh quyển22/5 – 26/5Cù Lao Chàm
2Chương trình Lễ kỷ niệm 15 năm và tuyên dương khen thưởng19h30 ngày 23/5/2023Cù Lao Chàm
3Hoạt động trải nghiệm nghề truyền thông: Đan Võng Ngô đồng, bánh ít lá gai, đan lưới cùng ngư dân23/5 – 26/5/2024Cù Lao Chàm
4Chương trình “Đêm Cù Lao”25/5/2024Cù Lao Chàm
5Chiến dịch “Làm sạch biển khơi”03/6 – 04/6/2024Cù Lao Chàm
6Festival “Hội An – Cảm xúc mùa hè”14/6 đến hết tháng 7/2024Tại các bãi biển trên địa bàn thành phố

MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT TRONG KHU SINH QUYỂN       CÙ LAO CHÀM – HỘI AN

  1. “Từ không túi ni lông đến giảm thiểu và tuần hoàn rác thải” – Câu chuyện tạo nên thương hiệu riêng có của Hội An

Năm 2009, Cù Lao Chàm trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phát động chiến dịch “Nói không với túi ni lông”. Đến năm 2018, đây tiếp tục là địa phương đi đầu trong việc triển khai cam kết cộng đồng “Nói không với ống hút nhựa”. Hàng loạt các chương trình truyền thông, giáo dục kết hợp với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự đồng thuận của người dân nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đã luôn được triển khai đều đặn trong suốt 15 năm qua. Việc triển khai thực hiện thành công các chương trình, chiến dịch từ chối sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần và tuần hoàn rác thải đã góp phần làm cho môi trường càng xanh, sạch, đẹp, tạo tiếng vang lớn ở một khu dự trữ sinh quyển thế giới, lôi cuốn sự tò mò của các du khách đến tham quan học tập, tạo nên một điểm nhấn đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái ở Cù Lao Chàm.

Từ những bước đầu tiên của chiến dịch nói không túi ni lông còn có rất nhiều nỗ lực, sáng kiến cho những giải pháp xử lý, quản lý rác thải bền vững. Trong đó, một mô hình tuần hoàn rác thải được biết đến trong thời gian gần đây là “Cơ sở phục hồi tài nguyên MRF”, nơi thu gom, xử lý tại chỗ rác thải hữu cơ, tạo các sản phẩm tái chế phục vụ đời sống nhân dân: phân bón, nước tẩy rửa,… đã tạo nên một vòng tuần hoàn của rác, hướng đến bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và tiêu dùng xanh.

Những kết quả đáng ghi nhận về công tác bảo vệ môi trường trong 15 năm qua của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã tạo nên thương hiệu riêng có, là nền tảng để hướng tới một hòn đảo không rác thải, một Khu sinh quyển không rác thải nhựa.

Hình 2: Cở sở phục hồi tài nguyên MRF Bãi Hương

  1. 2. Đồng quản lý – Từ Bãi Hương đến Rạn bà Đậu Tam Tiến

Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển Bãi Hương là đơn vị đầu tiên trên cả nước được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trao quyền quản lý và sử dụng mặt nước biển với khoảng 19,05km2.. Qua 13 năm hình thành, môi trường và nguồn lợi của Tiểu khu ngày càng được giữ gìn, bảo vệ, quang cảnh sạch đẹp nhờ vào sự đồng thuận của người dân. Thu nhập người dân được nâng cao đáng kể, đời sống được cải thiện. Hoạt động khai thác thuỷ sản trong phạm vi Tiểu khu đã được kiểm soát chặt chẽ từ số lượng phương tiện cho đến công suất tàu thuyền, chủng loại ngư cụ, kích thước mắt lưới, đối tượng khai thác…

Từ thành công của Tiểu khu Bãi Hương, mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển Rạn Bà Đậu, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được ra đời. Việc nhân rộng mô hình này thể hiện tinh thần tự chủ của địa phương và cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm và phối hợp cơ quan quản lý trong việc gắn với hệ thống bảo vệ nguồn lợi thủy sản quốc gia và có sự liên kết học hỏi từ Tiểu Khu Bãi Hương, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và khu vực duyên hải miền Trung.

  1. Nét đẹp Hội An thông qua các lễ hội, nghề truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

* Tết Trung thu:

Từ năm 2010 đến nay, chính quyền TP. Hội An thống nhất với cộng đồng người dân Hội An cùng quản lý và tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng. Giá trị đặc trưng của lễ hội Trung thu ở Hội An ngày nay chính là chỗ nó được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa – Việt Nam và có sự giao lưu văn hóa của Trung Hoa – Nhật Bản; được bảo tồn khá nguyên vẹn các yếu tố tích cực, có bổ sung bởi các hoạt động văn hóa truyền thống và hiện đại một cách hài hòa, vừa tạo nên được sự phong phú, đa dạng, sôi động, hấp dẫn thế hệ trẻ, nhưng vẫn giữ được đậm đà những nét văn hóa đặc trưng của Hội An; vừa mang tính giáo dục sâu sắc vốn có của lễ hội đối với thế hệ trẻ về yêu chuộng hòa bình, tính nhân ái, lòng yêu thương hướng về những giá trị văn hóa của con người: Chân – Thiện – Mỹ.

* Tết Nguyên tiêu

Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên. Theo quan niệm dân gian, Tết Thượng nguyên là ngày Thiên quan Tứ phước, ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp cả nhân gian. Do vậy phải tổ chức cúng tế cầu an, cầu phước, đồng thời mở hội vui chơi để chuẩn bị bước vào công việc của năm mới với ước vọng vạn sự như ý.

Ở Hội An, vào dịp Nguyên tiêu các đình làng, chùa chiền và hội quán đều tổ chức cúng tế long trọng, giăng đèn kết hoa rực rỡ, không khí chuẩn bị nhộn nhịp vui tươi chẳng khác gì những ngày giáp tết.

* Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh

Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh phản ánh lịch sử hình thành, phát triển làng xã và các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở xã Cẩm Thanh nói riêng và đô thị cổ Hội An nói chung. Nghề truyền thống này được hình thành dựa vào nguồn vật liệu sẵn có (cây dừa nước, cây tre) của cư dân địa phương. Bằng phương thức làm nhà sáng tạo, nhà tre, nhà dừa mang đặc trưng riêng của vùng đất Hội An suốt hành trình hình thành và phát triển của thương cảng xưa này.

* Nghề đan võng Ngô đồng

Nghề đan võng ngô đồng được coi là một nghề thủ công đặc biệt, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì của người đan, đồng thời ​​tiêu biểu cho đời sống văn hóa đặc sắc của người dân Cù Lao Chàm. Cách đây hơn 300 năm về trước, các cư dân sinh sống tại đây đã biết dùng thân cây ngô đồng tước thành sợi mỏng, quay tròn rồi đan thành võng. Tạo ra những chiếc võng ngô đồng mềm mại, ấm vào mùa đông và mát về mùa hè.

Danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho các lễ hội, nghề truyền thống của Hội An là một sự ghi nhận, tôn vinh nghề truyền thống, sự sáng tạo của cư dân địa phương trong việc tạo ra nghề và không ngừng đổi mới, sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, nhất là tạo nên những sản phẩm du lịch. Đồng thời, thể hiện hướng đi của thành phố Hội An khi tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tạo sự phấn khởi để người dân cũng như chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa trong việc đẩy mạnh các hoạt động, chương trình, dự án của thành phố sáng tạo.

Hình 3: Đan Võng Ngô Đồng tác giả Nguyễn Ngọc Hòa

  1. Từ thành công của mô hình phục hồi san hô cứng đến thiết lập rạn nhân tạo tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Từ thành công từ mô hình phục hồi san hô cứng với hàng chục ngàn tập đoàn san hô được phục hồi, năm 2018 mô hình rạn nhân tạo được thiết lập. Qua 5 năm triển khai, có 600 cấu trúc rạn nhân tạo đã được thiết lập tại 5 khu vực, trong đó 4 khu vực bao xung quanh Rạn Mành và 1 khu vực tại Bãi Xếp. Mô hình này giúp tạo tính kết nối sinh thái giữa sinh cảnh tự nhiên là các rạn san hô và thảm rong biển với khu vực rạn nhân tạo, góp phần tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ương giống các loài sinh vật biển, thúc đẩy quá trình phục hồi nguồn lợi tự nhiên tại vùng. Đặc biệt, 50 khối rạn được bố trí tại Bãi Xếp tạo thành phức hợp san hô – rong nhằm gia tăng khả năng tái tạo nguồn lợi. Đồng thời hỗ trợ cộng đồng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, giảm áp lực lên các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Hình 4: Vườn ươm san hô tại Cù Lao Chàm

  1. Mô hình Du lịch học tập cộng đồng

Xây dựng mô hình và phát triển du lịch học tập cộng đồng gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy, hải sản, các mô hình nông nghiệp sinh thái; làng nghề truyền thống, xây dựng các điểm đến, hình thành các mô hình sinh kế là mục đích hướng đến của mô hình du lịch học tập cộng đồng tại xã Cẩm Thanh và Cẩm Kim (vùng đệm khu sinh quyển)

Hình 5: Mô hình du lịch cộng đồng xã Cẩm Kim

Mô hình đã thu hút nhiều đoàn học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu đến tham quan du lịch và học tập, trong đó phải kể đến các trường đại học ở TP. Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Western Washington (Hoa Kỳ),…

Thanh Thảo-BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm