Bài viết đạt giải Nhất cuộc thi viết “Em yêu biển đảo quê em”

Vượt qua 49 bài dự thi, bài viết của em Ngô Gia Hân – học sinh lớp 9 trường THCS Quang Trung (xã Tân Hiệp) đã giành giải Nhất cuộc thi viết chủ đề “Em yêu biển đảo quê em” do Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức. Dưới đây là toàn văn bài viết của em Ngô Gia Hân.

Đề bài:

“Nêu cảm nghĩ của em trước những tác động từ thiên nhiên hay chính con người đối với môi trường, tài nguyên rừng và biển tại Cù Lao Chàm. Em có ước mơ hay sáng kiến gì để giúp giữ gìn, bảo tồn sự trong lành của môi trường, sự xanh tươi của núi rừng và trù phú tài nguyên biển cả của quê hương Cù Lao Chàm thân yêu”.

 Hân hoan ngày mới (ảnh: Lê Ngọc Thảo)

Bài làm:

Cù Lao Chàm được biết đến là một khu vực quan trọng nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, là nơi đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam không sử dụng túi nylon. Cù Lao Chàm thu hút du khách bằng sự quyến rũ tinh tế và đầy trong sáng.

Cù Lao Chàm là một địa điểm du lịch gắn liền với những bãi cát trắng mịn trải dài với những hàng dừa cao xếp thẳng tắp. Ở đây còn có những hòn đảo lớn nhỏ khác nhau tạo thành những hình thù thú vị và hấp dẫn.

Trong những năm gần đây, Cù Lao Chàm khá phát triển về ngành du lịch, đây cũng là ngành kinh tế chính của người dân hiện nay. Cù Lao Chàm được du khách trong và ngoài nước biết đến nhờ sự hoang sơ, môi trường trong lành chưa qua bàn tay bào mòn của con người nên du khách tìm đến đây ngày một đông cho thấy sự phát triển của Cù Lao Chàm ngày càng vượt trội. Chính vì sự phát triển quá vượt trội làm cho Cù Lao Chàm gặp phải rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm đó là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh đang lợi dụng sự phát triển của Cù Lao Chàm làm cho nó thay đổi như khoác lên một lớp áo mới – lớp áo của sự hiện đại, không còn hoang sơ, dân dã như Cù Lao Chàm lúc trước.

Du khách đến đây ngày một đông, đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của du khách. Vì thế người dân trên đảo vận dụng hết những gì mà nơi đây có được để đáp ứng cho du khách. Nào là những món hải sản, đặc sản, tạo ra những điểm vui chơi cho du khách. Người dân trên đảo vì kinh tế gia đình nên khai thác nguồn tài nguyên hải sản để phục vụ cho du khách. Nhưng nguồn tài nguyên một khi đã bị khai thác thì nó sẽ không còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Người dân khai thác quá nhiều dẫn đến nguồn tài nguyên biển bị cạn kiệt và dần dần mất đi, không còn sự đa dạng, phong phú như lúc trước.

Ngoài vấn đề trên, vấn đề rác thải cũng rất nổi trội. Du khách đến với đảo ngày càng đông thì lượng rác thải trên đảo càng lớn, làm cho môi trường trên đảo không được bảo vệ kỹ càng, nguồn rác thải không được xử lý kịp thời gây ra hiện tượng ô nhiễm ở một số điểm du lịch. Ở các khu vực nhà hàng nơi phục vụ du khách thì lượng rác thải vô cùng lớn mà chủ yếu là rác thải các loại hải sản nên rất khó phân hủy, vì thế các nhà hàng đã để các rác thải đó chung với nhau nên tạo nên mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Họ có thể xử lý nó bằng cách vứt xuống biển hoặc chon nó vào sâu trong lòng đất nhưng các cách xử lý này đều gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Chúng ta không thể nào làm Cù Lao Chàm trở về như lúc trước nhưng việc chúng ta cần làm bây giờ là phải ngăn chặn, bảo vệ và gìn giữ để Cù Lao Chàm không mất đi vẻ đẹp riêng. Các cấp lãnh đạo, những người có vai trò trong việc quản lý du lịch cần can thiệp kịp thời vào việc khai thác tài nguyên biển, bảo tồn các loài thực vật, động vật gần như bị tuyệt chủng, xử lý nghiêm những người vi phạm trong việc khai thác tài nguyên bừa bãi và không đúng cách và quan trọng hơn hết là đừng xây dựng các công trình trên đảo làm ảnh hưởng đến rừng xanh, biển xanh, các rạn san hô dưới biển – nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm cần được phát triển nhưng hãy phát triển nơi đây theo một cách bền vững và lâu dài. Chúng ta đừng phá hủy mà hãy nâng niu và bảo vệ vẻ đẹp mà Cù Lao Chàm đang có.

Ban biên tập