Ảnh hưởng của vi nhựa đến đặc tính và các chức của hệ sinh thái đất

Trích lược nghiên cứu về hạt vi nhựa được công bố trên tạp chí Sinh thái học ứng dụng thuộc Hiệp hội Sinh thái học Anh số 58, xuất bản ngày 18/01/2021, đã cho thấy hạt vi nhựa có ảnh hưởng đến các chức năng của hệ sinh thái đất. Điều này một lần nữa khẳng định mối nguy hại từ rác thải nhựa đối với môi trường, đặc biệt là vi nhựa.

Vi nhựa là một nhóm các hạt có nguồn gốc polyme với đường kính nhỏ hơn 5 mm, tồn tại ở nhiều hình dạng và có tính đa dạng về vật lý và hóa học. Những hạt này có thể hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như mài mòn lốp xe, mất sợi từ vải dệt tổng hợp hoặc sự phân hủy từ các vật dụng và rác thải nhựa. Ngoài ra, nhiều loại nhựa đã được sản xuất dưới dạng vi nhựa (hạt nhựa sơ cấp) để sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm và các quá trình sản xuất khác.

Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm tại Brandengurg – Đức bằng cách bổ sung vi nhựa dưới dạng sợi (có chiều dài 1,28 ± 0,03 mm và đường kính 0,030 ± 0,0008 mm được làm từ polyethylene terephthalate – PET) với nồng độ 0,4% khối lượng (tương đương với mức ô nhiễm thường thấy) vào các chậu đất để trồng cỏ, các chậu có bổ sung vi nhựa và chậu đối chứng (không bổ sung vi nhựa) được bố trí đồng nhất trong các điều kiện môi trường và vi khí hậu.

Kết quả cho thấy sợi vi nhựa đã thúc đẩy quá trình kết tụ của đất thông qua tác động tích cực đến độ thoáng khí và giữ nước (tạo các khoảng trống giúp tăng khả năng giữ nước của đất), thúc đẩy sự phát triển của rễ cây và sợi nấm giúp liên kết các hạt đất, tăng cường sự kết tụ của đất. Ngoài ra, sợi vi nhựa thường kỵ nước, một đặc tính có tương quan thuận với sự kết tụ của đất.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sợi vi nhựa có thể làm giảm hoặc gia tăng hoạt động của enzym trong đất và sự hô hấp của đất tùy thuộc vào điều kiện môi trường nước trong đất. Cụ thể: trong điều kiện khô hạn, khi thêm các sợi vi nhựa vào sẽ làm chocác enzym và sự hô hấp của đất tăng lên, nguyên nhân có thể là do hàm lượng nước trong đất và độ thoáng khí tăng lên, do đó có thể thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật; ngược lại, trong điều kiệnẩm ướt, các enzym và sự hô hấp của đất giảm xuống khi có các sợi vi nhựa trong đất, có thể liên quan đến sự suy giảm về số lượng và sự đa dạng thành phần loài vi sinh vật trong đất.

Đối với khả năng phân hủy các chất thải trong đất, với sự có mặt của sợi vi nhựa thì sự phân hủy chất thải tăng lên trong điều kiệnẩm ướt, điều này có thể liên quan đến sự gia tăng độ kết tụ của đất. Sự kết tụ này thúc đẩy sự khuếch tán oxy trong các tế khổng lớn của đất và điều chỉnh lưu lượng nước, do đó kích thích hoạt động của vi sinh vật thúc đẩy quá trình phân hủy chất thải. Tuy nhiên, trong điều kiện khô hạn thì sợi vi nhựa trong đất làm giảm sự phân hủy chất thải, nguyên nhân có thể liên quan đến việc giảm hoạt động của vi sinh vật khi nước trở nên hạn chế.

Cũng từ những thí nghiệm này, các nhà khoa học đã ghi nhận thêm một tác động của sợi vi nhựa đó là làm giảm việc rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất. Cơ chế của quá trình này chính là tác động tích cực của sợi vi nhựa đối với sự kết tụ của đất, từ đó làm tăng khả năng giữ chất dinh dưỡng của đất (vì khả năng giữ chất dinh dưỡng tương quan thuận với sự kết tụ của đất).

Bên cạnh những kết quả nêu trên, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo về mối hiểm họa của vi nhựa đối với tính đa chức năng của hệ sinh thái cũng như các dịch vụ của hệ sinh thái và mức độ tác động được đánh giá là tương đương với tác động do hạn hán gây ra.

Ảnh hưởng của vi nhựa đối với các chức năng và tính đa chức năng của hệ sinh thái có thể liên quan đến hình dạng của chúng và kèm theo đó là sự phát tán các chất phụ gia (trong quá trình tạo ra nhựa) vào nền đất, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh vật đất và do đó tác động đến chức năng của hệ sinh thái.

Trong ngắn hạn, sợi vi nhựa có thể góp phần vào năng suất của cây trồng hoặc sự kết tụ của đất, làm giảm rửa trôi chất dinh dưỡng nhưng các tác động về mặt dài hạn và tiềm ẩn là chưa được đánh giá và sẽ cần có thêm thời gian để nghiên cứu.

Bên cạnh đó, sợi vi nhựa có thể giải phóng các chất độc hại vào đất và ảnh hưởng đến quá trình chu kỳ dinh dưỡng, gây hậu quả cho chất lượng đất và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ khác nhau, chẳng hạn như thực phẩm và nước.

Phạm Văn Hiệp (Theo Journal of Applied Ecology)

Xem toàn văn công bố khoa học tại đây