Vai trò sinh thái của hệ thống cồn bãi tự nhiên trong việc duy trì liên kết sinh thái, đa dạng sinh học và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

Được UNESCO công nhận vào ngày 26 tháng 5 năm 2009 dựa trên nền tảng những giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của vùng hạ lưu sông Thu Bồn trong mối gắn kết mật thiết với đô thị cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An không chỉ là điểm thu hút mạnh với du khách thập phương mà còn là nơi thực nghiệm nhiều câu chuyện liên quan đến việc hài hòa giữa duy trì sinh kế người dân, phát triển kinh tế xã hội của thành phố với chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên dưới những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong đó sự tồn tại của hệ thống cồn bãi tự nhiên trên các con sông, kênh rạch, bãi biển không chỉ là yếu tố cần thiết duy trì mối liên kết sinh thái giữa các sinh cảnh, ổn định địa hình mà còn giữ vai trò then chốt, quyết định sự thành bại trong chiến lược xây dựng thành phố Hội An theo định hướng Sinh Thái – Văn Hóa – Du Lịch.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, sự gắn kết giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn.

Ngoài Khu phố cổ Hội An – Di sản Văn hoá thế giới là biểu hiện vật thể nổi bậc của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; là điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo, thành phố Hội An còn sở hữu một danh hiệu cực kỳ quan trọng khác của UNESCO đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (KSQ), với những giá trị đặc trưng nổi trội về các kiểu hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử. Theo đánh giá của UNESCO thì đây là Khu sinh quyển minh chứng điển hình, rõ nét về sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, sự gắn kết chặt chẽ giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn.

Với diện tích khá khiêm tốn vào khoảng 61 km2 nhưng địa hình, địa mạo Hội An hết sức đa dạng với hệ thống cồn – bàu, vùng cửa sông – ven biển, vừa bị chia cắt bởi hệ thống nhiều sông rạch, vừa có dải bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp; có biển, có đảo với núi, rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm gắn với vùng bờ biển, rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước hạ lưu và có sự liên kết sinh thái với cả hệ thống lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Hệ thống thủy vực chiếm 21% diện tích đất liền, làm cho Hội An thừa hưởng sự phong phú các kiểu hệ sinh thái (HTS), đa dạng sinh học (ĐDSH), tạo nên sức hấp dẫn tuyệt vời đối với du khách, là nền tảng khá vững chắc để phát triển sinh kế của người dân đồng thời làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển toàn diện thành phố Hội An cũng như vùng ven biển tỉnh Quảng Nam và Khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam.

Hình 1: Hệ thống cồn bãi vùng hạ lưu sông Thu Bồn thuộc KSQ (Ảnh Bùi Kiến Quốc).

Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh và toàn vùng hạ lưu sông Thu Bồn với diện tích khoảng 117 ha (năm 2017) và đang tiếp tục được phát triển. Hệ sinh thái nhiệt đới điển hình này có vai trò điều hoà khí hậu, chống xói lở, gia tăng – kết chặt trầm tích và hoạt động như một máy lọc sinh học, kiểm soát chất lượng môi trường, duy trì cân bằng sinh thái đồng thời là nơi cư trú, sinh sống, sinh sản của nhiều loài thủy sản có giá trị, nhất là các loài giáp xác và động vật thân mềm trong phạm vi KSQ. Hệ thống cồn, bàu đa dạng với những dải cát dài ở Cẩm An, Cửa Đại; phần hạ lưu sông Thu Bồn đi qua thành phố Hội An được chia cắt thành nhiều nhánh nhỏ với nhiều tên gọi tại địa phương khác nhau như Sông Hoài, sông Cổ Cò, Sông Đế Võng, Sông Đình tạo nên hệ thống cồn bàu liên tục xen kẽ nhau như như Bàu Tràm, Bàu Súng, Bàu Rêu, Bàu Sấu, Bàu Ốc, Cồn Phi, Cồn Giác, Bãi Bà Mau, Cồn Bắp, hệ Cồn Nổi Cẩm Nam (cồn hến), cồn Ba Xã, Cồn Ông Hơi, Cồn Thuận Tình…vv. Theo kết quả khảo cổ học cho thấy: các cư dân cổ của các thời kỳ Văn hóa đều dựa vào cồn – bàu ven sông để cư trú, sinh sống. Vì thế, các nhà khoa học gọi Văn hóa Hội An là Văn hóa Cồn Bàu.

Hệ thống cồn bãi tự nhiên có vai trò quyết định các Hệ sinh thái thủy sinh.

Theo kết quả nghiên cứu của KSQ với Viện Hải Dương năm 2017 đã cho thấy rừng ngập mặn phân bố tại khu vực cửa sông Thu Bồn trên diện tích 117 hecta chủ yếu là dừa nước (Nypa fruticans) với mật độ dao động từ 37 – 58 cây/100m2. Dọc từ cửa sông đến đảo Cù Lao Chàm là nơi phân bố của 6 loài cỏ biển trên diện tích khoảng 60 ha, trong đó có đến 43 ha phân bố tại vùng cửa sông. Đây là sinh cảnh vô cùng quan trọng đối với các loài thủy hải sản. Thảm cỏ biển, rong biển chính là phần không gian được hình thành kéo theo của hệ thống cồn bãi tự nhiên tại các con sông và vùng ven biển. Hay nói cách khác, địa hình và các hệ sinh thái có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vùng cửa sông là nơi có sự đa dạng về địa hình và các hệ sinh thái nhạy cảm và cũng chính là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người. Việc khai thác mạnh tài nguyên tại vùng cửa sông ven bờ là nhân tố làm biến động địa hình, đặc biệt là hệ thống cồn bãi trên sông, các doi cát ven biển, mọi sự tác động vào hệ thống này đều có ảnh hưởng toàn diện đến sinh cảnh, các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực. Nhìn dưới góc độ động lực – hình thái, quá trình hình thành địa mạo vùng cửa sông ven biển do yếu tố động lực ngoại sinh tác động và được phân chia theo các nhóm nhân tố động lực chiếm ưu thế (Bảng 1):

Bảng 1: Đặc trưng địa mạo vùng ven biển theo quan điểm động lực ngoại sinh của quá trình địa mạo. (Nguồn: Nguyễn Văn Thảo, 2015)

KSQ đang sở hữu những giá trị vô cùng quan trọng của hệ thống cồn bãi tự nhiên, tuy nhiên hầu hết các khu vực này đã và sẽ nằm trong vùng dự án. Điều chắc chắn rằng khi các dự án bắt đầu thi công và đi vào hoạt động, tính “hoang sơ” vốn dĩ rất quí của KSQ sẽ dần bị thay thế bởi sự náo nhiệt của con người. Địa hình cồn bãi bị biến động thì các điều kiện vi khí hậu cũng thay đổi theo, dẫn đến thay đổi nguồn nước. Một khi cả địa hình, khí hậu, thủy văn thay đổi, lớp thổ nhưỡng cũng thay đổi thì lớp phủ sinh vật cũng thay đổi theo. Khi làm thay đổi lớp phủ sinh vật sẽ tác động đến chế độ thổ nhưỡng, thay đổi trầm tích bền mặt, dưới tác động của các yếu tố động lực sẽ làm tăng khả năng biến động địa hình. Vùng cửa sông Thu Bồn là một điển hình rất rõ nét về quá trình tác động, ảnh hưởng của địa hình, địa mạo đến các hệ sinh thái, sự thay đổi dòng chảy, diễn thế tài nguyên và đặc biệt là quá trình bồi tụ cửa sông và xói lở bờ biển . Các yếu tố tự nhiên và con người đã làm mất bãi biển, mất cảnh quan du lịch và mất nơi sinh cư của nhiều loài sinh vật. Ngược lại, khi các thảm thực vật bề mặt tại các bãi biển mất đi sẽ làm giảm vai trò phòng hộ, kiến tạo trong quá trình địa mạo và gây nên tác động bồi lắng tại cửa sông và xói lở tại bãi biển.

Các loài sinh vật sinh sống trong vùng nước KSQ, giữa chúng có mối tương tác, quan hệ chặt chẽ theo các qui luật quần xã và quần thể sinh vật trong tự nhiên. Và điều đặc biệt là vòng đời của đa số các loài thủy sản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và diễn thế của hệ thống cồn bãi tự nhiên (hình 2).

Hình 2: Phân bố các hệ sinh thái tự nhiên cơ bản trong KSQ.

Điều tra tổng thể sự phân bố của các sinh cảnh quan trọng và quần xã sinh vật tại 3 phân vùng chức năng của KSQ được thực hiện trong 2 năm 2015-2016 đã xác định được 1.653 loài sinh vật sinh sống trong các HST rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, vùng triều bờ đá, rừng dừa nước, các cồn bãi tự nhiên và các sinh cảnh khác. Trong đó, có 311 loài san hô, 8 loài cỏ biển, 101 loài rong biển, 5 loài cây ngập mặn đã tạo ra vùng sinh cư nuôi dưỡng 368 loài cá, 23 loài da gai, 35 loài giáp xác, 169 loài thân mềm, 111 loài giun, 162 loài động vật phù du và 360 loài thực vật phù du. Vấn đề quan trọng là đã chỉ ra được mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể giữa các sinh cảnh và hệ sinh thái khác nhau trong phạm vi KSQ và trong đó, sự tồn tại và tương tác của hệ thống cồn bãi tự nhiên tại các con sông, ven biển là hết sức quan trọng, quyết định đến sự duy trì hành lang đa dạng sinh học cho cả vùng ven biển Nam Trung bộ (Bảng 2):

Bảng 2: Phân bố số lượng loài của các nhóm sinh vật chủ yếu giữa các khu vực trong vùng nước của KSQ năm 2015 – 2016 (Nguồn: KSQ và Viện Hải Dương, năm 2017)

Nguồn tài nguyên thủy sinh này được sản sinh yếu tại các sinh cảnh thuộc các HST từ vùng cửa sông Thu Bồn và các rạn san hô tại đảo Cù Lao Chàm. Giữa các sinh cảnh này có mối liên kết sinh thái và liên kết quần thể rất chặt chẽ và hoàn toàn phụ thuộc vào địa hình, địa mạo, chất lượng môi trường của vùng cửa sông, bờ biển và quần đảo Cù Lao Chàm (Hình 3).

Hình 3: Phân bố các bãi đẻ và bãi ươm giống tự nhiên của các loài thủy sản trong KSQ.

Sự đa dạng về các HST, tính ĐDSH là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố địa hình, hình thái, cấu trúc của hệ thống cồn bãi tự nhiên trên các con sông, cấu trúc tự nhiên và phân bố thảm thực vật trên các bãi biển đóng vai trò quyết định. Phù sa, bùn cát từ lưu vực sông đưa ra biển, nhờ triều cường đưa vào và lắng đọng tại các bãi triều, cồn bãi tự nhiên, nơi có các vạt dừa nước đóng vai trò rừng tiên phong. Đây chính là vùng đất phù sa bồi tụ, rất thuận lợi cho các loài cỏ biển phát triển và tạo nên các bãi đẻ, bãi ươm giống của các loài thủy sản trong tự nhiên.

Hình 4: Cá giống được khai thác tại vùng cửa sông Thu Bồn (Nguyễn Văn Long, 2017)

Theo kết quả nghiên cứu của KSQ năm 2017, mỗi năm chỉ tính riêng nguồn thu từ việc khai thác giống thủy sản (cá dìa, cá mú, cá cam, cua) đã mang lại thu nhập gần 8 tỷ đồng so với 29 tỷ đồng từ nguồn lợi thủy sản thương phẩm tại vùng cửa sông Thu Bồn.

Những tác động trước mắt và lâu dài

Trên thực tế, tính tự nhiên hoang sơ vốn dĩ rất quí nhưng còn lại quá ít ỏi so với cái tầm của một Khu dự trữ sinh quyển thế giới mà thành phố đang nỗ lực bảo vệ theo 7 tiêu chí của UNESCO, KSQ đang gặp quá nhiều khó khăn, thách thức từ thiên nhiên và con người. Trong hệ thống 9 Khu sinh quyển tại Việt Nam, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An nằm vỏn vẹn trong địa giới hành chính của thành phố Hội An (tương đương cấp Huyện). Các HST hiện tại đang chịu tác động quá lớn từ hoạt động của con người suốt chiều dài từ thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn cho đến tận quần đảo Cù Lao Chàm. Hệ thống đập thủy điện bậc thang, việc khai thác rừng, khai thác cát, khoáng sản; sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải thương mại, dịch vụ du lịch …v.v chính là nguồn phát thải, gây ô nhiễm và đang tạo ra áp lực rất lớn đối với khả năng chịu dựng của các hệ sinh thái.

Hiện tại, thành phố đang điều chỉnh qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn đang thiếu qui hoạch cảnh quan, không gian và đặc biệt là qui hoạch quản lý sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn của KSQ. Chính từ việc thiếu dữ liệu khoa học về lượng hóa giá trị kinh tế các hệ sinh thái (ecosystem evaluation) trong đó có hệ thống cồn bãi tự nhiên, dự báo về sự đánh đổi sinh thái (Ecological trade off), dẫn tới lúng túng trong phân tích, đánh giá hiệu quả của các dự án và cơ chế quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên trong bối cảnh và điều kiện đặc trưng của thành phố Hội An. Rất nhiều dự án đang được đầu tư tại các cồn bãi tự nhiên ven sông, ven biển thuộc vùng đệm kể cả vùng lõi của KSQ.

Hình 5: Cồn bãi tự nhiên đang bị bê tông hóa và dự án hóa.

Việc đầu tư các dự án này tiếp tục làm mất đi các sinh cảnh tự nhiên vốn rất yếu và mong manh, các bãi đẻ tự nhiên của các loài rất quí và nổi tiếng của Hội An đã gắn liền với các địa danh như hến (cồn hến), cá úc (bãi Bà Mau), cá dìa, cá mú, cua đất…. (rừng dừa và thảm cỏ biển Cẩm Thanh)…vv. Hậu quả sẽ là suy giảm sức khỏe các HST và mất đi tính ĐDSH, liên lụy đến khu hệ cá vùng cửa sông, quần đảo Cù Lao Chàm, vùng biển ven bờ của tỉnh Quảng Nam, khu vực duyên hải miền Trung. Với xu thế này, KSQ sẽ khó thực hiện được sứ mệnh: bảo vệ, phát huy giá trị tài sản của địa phương nhưng mang ý nghĩa toàn cầu.

Bảo vệ cồn bãi tự nhiên – Chìa khóa mở vào tương lai.

Vai trò sinh thái của hệ thống cồn bãi tự nhiên và những mối liên kết giữa các khu vực liên quan đã được xác định, sự tiếp tục tác động và can thiệp vào hệ thống cấu trúc tự nhiên này ở mức độ như thế nào, qui mô và tính chất ra sao vẫn đang là mối quan tâm không chỉ của giới nghiên cứu, các nhà khoa học mà cũng là mối lo canh cánh của lãnh đạo, chính quyền và người dân Hội An trước trào lưu phát triển và những ảnh hưởng từ thiên nhiên. Vấn đề lớn này cần được giải quyêt trên nền tảng của sự đồng thuận, sự tham gia một cách có trách nhiêm của toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu chiến lược:

(1) Nhanh chóng phân tích vai trò của hệ thống cồn bãi tự nhiên trong chuỗi vai trò về kiến tạo địa chất, địa hình, địa mạo, vai trò sinh thái theo các qui luật tự nhiên.

(2) Lượng hóa giá trị kinh tế các HST quan trọng trong KSQ bao gồm: HST rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển, rừng dừa nước Cẩm Thanh, rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm và hệ thống cồn bãi tự nhiên trên các con sông và bãi biển của thành phố Hội An.

(3) Tiến hành nhanh việc qui hoạch không gian biển (Marine Spatial Planning), trong đó lấy trọng tâm là các cồn bãi tự nhiên trên sông, các doi cát ven biển.

(4) Thu hút sự tham gia tự nguyện và có trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân địa phương về công cuộc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên nói chung và hệ thống cồn bãi tự nhiên nói riêng để tạo nên một sự đồng thuận cao nhất trong việc quyết định tương lai của KSQ và thành phố Hội An.

(5) Trên cơ sở tiếp cận phương thức quản lý lưu vực (Theo chiều dọc), quản lý tổng hợp vùng bờ (Theo chiều ngang) Hội An cần có chiến lược phát triển hợp lý để đảm bảo giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa kinh tế – xã hội và môi trường trong mối tương tác giữa trong và ngoài KSQ.

Rõ ràng, chúng ta cần xem xét, đánh giá quá trình ứng xử của con người đối với tự nhiên và và dự báo những hệ lụy liên quan có thể xảy ra đối với hệ thống cồn bãi tự nhiên trên nhiều phương diện: thủy động học dòng chảy; khả năng ổn định địa chất bờ sông, bờ biển; tạo nền tảng cho các hệ sinh thái thủy sinh phát triển; chức năng kiểm soát ô nhiễm; duy trì tính đa dạng sinh học, phát triển nguồn lợi thủy sản và các chức năng liên kết sinh thái …vv để chúng có phát huy vai trò của mình theo các qui luật tự nhiên. Bất cứ sự can thiệp một cách “hỗn xược” nào của con người cũng sẽ mang lại những hậu quả nặng nề và chúng ta khó có thể bảo tồn những giá trị của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu theo mong đợi của UNESCO./.

Lê Ngọc Thảo