Tìm hướng phát triển du lịch sinh thái Cẩm Thanh

(QNO) – Sáng nay 25.5, UBND thành phố Hội An phối hợp cùng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và UBND xã Cẩm Thanh tổ chức tọa đàm “Du lịch sinh thái Cẩm Thanh thực trạng và giải pháp”. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 9 năm ngày UNESCO công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là khu Dự trữ sinh quyển thế giới (26.5.2009 – 26.5.2018).

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận năm 2009 đang trở thành điểm trình diễn khá điển hình về sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên trong phát triển sinh kế nói riêng, phát triển kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng của thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Để thực hiện tốt ba chức năng quan trọng của một khu sinh quyển thế giới là bảo tồn, hỗ trợ và phát triển, khu dự trữ sinh quyển được phân thành 3 vùng chức năng gồm: vùng lõi – Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; vùng đệm – chủ yếu khu vực cửa sông Thu Bồn. Trong đó trọng tâm là rừng dừa nước và vùng đất ngập nước cửa sông, ven bờ và vùng chuyển tiếp – Khu phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới.

Trong đó, vai trò cầu nối của vùng đệm, đặc biệt là sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái rừng dừa nước tại Cẩm Thanh rất quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng môi trường, giảm thiểu những tác động từ lưu vực sông và đại dương trước biến đổi khí hậu, duy trì tính liên kết sinh thái, liên kết quần thể giữa hai trung tâm đa dạng sinh học quan trọng của khu dự trữ sinh quyển là quần đảo Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn.

Với vị trí quan trọng về tự nhiên cũng như văn hóa lịch sử, Cầm Thanh đang có lợi thế rất lớn để phát triển sinh kế cộng đồng, chủ yếu là du lịch sinh thái dựa trên nền tảng bảo tồn và phát triển bền vững chuỗi giá trị hệ sinh thái dừa nước và các tài nguyên liên quan khác.

Những năm gần đây, lượng du khách đến Cẩm Thanh ngày càng tăng. Chỉ tính lượng khách lưu trú tại các cơ sở dịch vụ ở Cẩm Thanh từ năm 2014-2016 đã tăng gần 30% mỗi năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, Cẩm Thanh đã đón trên 300 nghìn lượt khách, bình quân 1.700 lượt khách/ngày, doanh thu bán vé tham quan gần 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đối với sự phát triển du lịch sinh thái nói riêng, sự phát triển kinh tế xã hội của xã Cẩm Thanh cũng như thành phố Hội An nói chung. Điển hình, các loại hình dịch vụ phát triển rầm rộ nhưng theo hướng tự phát, không có tính liên kết. Sự gia tăng số lượng du khách kéo theo nhu cầu sử dụng thực phẩm, tăng phát thải, xâm hại rừng dừa; gây tiếng ồn, xáo trộn môi trường và vòng đời tự nhiên của các loài hoang dã.

Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa, công trình hóa trong thời gian gần đây tại Cẩm Thanh đã và đang gây tác động rất lớn đến chất lượng môi trường, cảnh quan, sức khỏe hệ sinh thái rừng dừa nước, tính đa dạng sinh học, kể cả làm thay đổi nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương Buổi tọa đàm là dịp để các bên liên quan cùng đánh giá, phân tích và tìm ra giải pháp giải quyết thực trạng đang diễn ra đối vối du lịch Cẩm Thanh, qua đó, đề ra giải pháp căn cơ và phù hợp trước mắt cũng như thời gian tới.

KHÁNH LINH – MINH HẢI

Nguồn: baoquangnam.vn