Thiết lập và vận hành thí điểm Khu duy trì nguồn giống thủy sản tại các sinh cảnh rạn san hô và rừng ngập mặn trong Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An

Tóm tắt:

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải Dương Học (2015-2017), tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (KSQ), rất nhiều loài có đàn cá bố mẹ phát triển và đẻ trứng tại các rạn san hô Cù Lao Chàm, ấu trùng của chúng theo dòng thủy triều trôi vào vùng cửa sông Thu Bồn, nơi có rừng dừa nước và thảm cỏ biển phát triển rất phong phú. Sau khi lớn lên, chúng quay trở lại sinh sống tại các rạn san hô Cù Lao Chàm và những vùng nước lân cận. Từ kết quả nghiên cứu quan trọng này, ngày 21/01/2020, UBND thành phố Hội An đã ban hành “Quy định tạm thời Quản lý khu duy trì nguồn giống thủy sản tại khu vực Rạn Mành (xã Tân Hiệp) và khu vực rừng dừa nước (xã Cẩm Thanh)” trong khuôn khổ Đề tài Khoa học và công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ chế phát tán nguồn giống và tính liên kết quần thể nguồn lợi nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Kiên Giang”, mã số KC.09.41/16-20 do Viện Hải Hương Học phối hợp với KSQ thực hiện từ năm 2019 đến 2021.

Hình 1: Rừng dừa nước và thảm cỏ biển tại thôn Thanh Tam, Cẩm Thanh – nơi thiết lập Khu duy trì nguồn giống thủy sản (Photo: Le Ngoc Thao).

Mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể giữa quần đảo Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn

Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản phát triển một cách bền vững, việc xác định vòng đời, các sinh cảnh theo từng giai đoạn phát triển của một loài là quan trọng và cần thiết, quyết định đến hiệu quả bảo tồn. Các nghiên cứu tại KSQ đã xác định trong vòng đời của nhiều loài (đơn cử là cá dìa công, cá hồng bạc và cá mú mè – Nguyễn Văn Long, 2017; Nguyễn Thị Tường Vi, 2019) có mối liên kết quần thể giữa vùng biển Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn. Theo đó, cá bố mẹ sinh sống, trưởng thành, thành thục sinh dục, giao vĩ và đẻ trứng tại các rạn san hô, nơi có độ sâu và các thông số môi trường phù hợp cho quá trình thành thục và sinh sản. Ấu trùng của chúng theo dòng thủy triều trôi dạt vào vùng cửa sông Thu Bồn và tìm đến các thảm cỏ biển tại đây để kiếm ăn và phát triển. Sau khi lưu ở vùng cửa sông một thời gian, chúng phát triển thành kích thước “con giống” và bắt đầu di cư trở về sinh sống tại vùng biển Cù Lao Chàm, nơi có các rạn san hô cho đến khi thành thục sinh dục, chúng lại đẻ trứng và cứ thế khép kín vòng đời. Kết quả nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu nguồn giống cá vùng cửa sông Thu Bồn và lân cận ở vùng biển ven bờ Quảng Nam” năm 2019, tác giả Nguyễn Thị Tường Vi đã minh chứng được mối liên kết quần thể của loài cá mú mè thông qua việc giải mã DNA của loài này theo các nhóm kích thước và theo từng khu vực phân bố từ cửa sông Thu Bồn cho đến quần đảo Cù Lao Chàm.

Dựa vào các kết quả nghiên cứu khoa học và nguồn tri thức bản địa, mối quan hệ, tương tác vật chất giữa đất liền và đại dương thông qua hệ thống cửa sông Thu Bồn và quần đảo Cù Lao Chàm đã được minh chứng. Đây chính là cơ sở khoa học nhằm đưa ra các giải pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản theo cách tiếp cận hệ sinh thái (Ecosystem approach). Trong đó, các khu vực sinh thái, địa lý khác nhau có những giải pháp cụ thể để bảo vệ các sinh cảnh, hệ sinh thái có liên quan trong cả vòng đời của các loài.

Hình 2: Tính liên kết nguồn lợi thủy sản giữa các hệ sinh thái tại cửa sông Thu Bồn và quần đảo Cù Lao Chàm (Nguyễn Văn Long, 2017)

Thiết lập Khu duy trì nguồn giống thủy sản tại Rạn Mành và Rừng dừa nước Cẩm Thanh

Phát triển kết quả nghiên cứu về mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể một số loài thủy sản giữa quần đảo Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn của các công trình trước đây, một nội dung quan trọng thuộc đề tài Khoa học và công nghệ cấp Nhà nước KC.09.41/16-20 đang thực hiện tại KSQ đó là thiết lập Khu duy trì nguồn giống thủy sản tại hai vùng sinh cảnh quan trọng có liên quan đến vòng đời của nhiều loài thủy sản loài gồm: (1) Khu vực Rạn Mành – Hòn Tai thuộc Tiểu khu Đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp – nhằm mục tiêu bảo vệ nguồn giống cá bố mẹ (Hình 1) và (2) Khu vực rừng dừa nước, thảm cỏ biển vùng cửa sông Thu Bồn tại xã Cẩm Thanh – nhằm duy trì bãi ươm giống tự nhiên và bảo vệ nguồn cá giống (Hình 2).

Hình 3: Bản đồ Khu duy trì nguồn giống thủy sản (bố mẹ) tại Rạn Mành – Hòn Tai (Tân Hiệp) (Nguồn: Đề tài KC.09.41/16-20)

Phạm vi khu vực duy trì nguồn giống thủy sản tại Rạn Mành – Hòn Tai bao gồm phần đảo và phần mặt nước, được giới hạn bởi 07 điểm có tọa độ theo hệ tọa độ WGS84 (C1, C2, C3, CRM4, CMR5, CMR6, C8) với tổng diện tích khoảng 271,52 ha. Khu vực này nằm trong phạm vi của Tiểu Khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (Tiểu khu), thuộc Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (KBTB) bao gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Hòn Tai; vùng phục hồi sinh thái: Hòn Tai, Rạn Mành; vùng phát triển: Hòn Tai – Rạn Mành. Ngoài việc quản lý theo Quy chế quản lý KBTB và Quy chế quản lý của Tiểu khu đã được UBND tỉnh ban hành, khu vực này sẽ áp dụng các điều khoản trong Qui định tạm thời nhằm bảo vệ sự phát triển của đàn cá bố mẹ sinh sống trong các rạn san hô và vùng nước lân cận quần đảo Cù Lao Chàm.

Hình 4: Bản đồ Khu duy trì nguồn giống thủy sản (cá giống) tại rừng dừa nước và thảm cỏ biển tại Cẩm Thanh (Nguồn: Đề tài KC.09.41/16-20).

Phạm vi khu duy trì nguồn giống thủy sản ở rừng dừa nước thôn Thanh Tam nằm trong phạm vi rừng dừa nước (bao gồm rừng dừa của người dân và rừng dừa trồng từ dự án) trên địa bàn thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh, là phần mặt nước được giới hạn bởi 10 điểm có toạ độ theo hệ tọa độ WGS84 (A1, A2, B1, B2, B3, B4, B5, B6, A5, A6) với tổng diện tích khoảng 52 ha và được chia thành 2 phân khu: Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu Bảo tồn sinh cảnh.

1. Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt: Là vùng có hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, đa dạng sinh học và nguồn giống thủy sản vùng cửa sông, ven biển được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý và bảo vệ chặt chẽ, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến sinh cảnh, tạo điều kiện cho việc duy trì và phục hồi nguồn lợi và nguồn giống tự nhiên, nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nằm phía bên dưới chân cầu Cửa Đại, thuộc tổ 9, thôn Thanh Tam có diện tích 11,0 ha, được giới hạn bởi 06 điểm gồm: A1, A2, A3, A4, A5, A6.

2. Phân khu Bảo tồn sinh cảnh: Là vùng được xác định để tổ chức khai thác nguồn lợi và nguồn giống một cách hợp lý, phát triển ngành nghề phù hợp (khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch và các nghề phù hợp khác) nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế cộng đồng dân cư khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh. Phân khu bảo tồn sinh cảnh có diện tích 41,0 ha được giới hạn bởi 10 điểm gồm: B1, B2, B3, B4, B5, B6, A5, A4, A3, A2.

Các biển báo giới hạn từng phân khu chức năng thuộc Khu duy trì nguồn giống thủy sản ở rừng dừa nước thôn Thanh Tam đã được nhóm nghiên cứu đề tài, UBND xã Cẩm Thanh lắp đặt trên hiện trường.


Hình 5: Biển báo “Phân Khu bảo vệ nghiêm ngặt” (Nguồn: Đề tài KC.09.41/16-20).

Hình 6: Biển báo “Phân Khu bảo tồn sinh cảnh” (Nguồn: Đề tài KC.09.41/16-20).

Hình 7: Nhóm nghiên cứu và các bên liên quan tiến hành lặp đặt các biển báo (Photo Le Ngoc Thao).

Vận hành thí điểm và áp dụng Qui định tạm thời quản lý Khu duy trì nguồn giống thủy sản.

Theo nội dung nghiên cứu và các điều khoản của Qui định tạm thời, việc vận hành thí điểm Khu duy trì nguồn giống thủy sản tại Rạn Mành (xã Tân Hiệp) và rừng dừa nước (xã Cẩm Thanh) sẽ diễn ra trong 2 năm 2020-2021. Thực hiện kế hoạch này, Tổ Tự quản cộng đồng thôn Thanh Tam và Ban quản lý Tiểu Khu bảo tồn biển thôn Bãi Hương đã chính thức tổ chức hoạt động tuần tra, giám sát hoạt động khai thác thủy sản cũng như các hoạt động khác có liên quan với sự hỗ trợ của UBND xã Cẩm Thanh, xã Tân Hiệp, Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và nhóm nghiên cứu của Viện Hải Dương Học và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

Hình 8: Tổ Tự quản cộng đồng thôn Thanh Tam thực hiện tuần tra với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng  (Photo:          Le Ngoc Thao).

Trong thời gian thực hiện Qui định tạm thời, tại hai khu vực trên, UBND thành phố Hội An đề nghị:

1. UBND các xã Tân Hiệp và Cẩm Thanh có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân tuyên truyền, vận động người dân không khai thác thủy sản với bất cứ hình thức nào trong phạm vi Khu duy trì nguồn giống thủy sản kể từ ngày 01 tháng 4 đến hết ngày 30 tháng 9 dương lịch hằng năm; hướng dẫn, hỗ trợ Ban quản lý Tiểu khu Bãi Hương, Tổ tự quản cộng đồng thôn Thanh Tam triển khai thực hiện các quy định về quản lý nghề cá, về bảo vệ môi trường, tài nguyên đa dạng sinh học và thủy sản theo Qui định tạm thời.

2. Việc tiến hành các hoạt động kinh tế, xã hội, nghiên cứu, giáo dục trong Khu duy trì giống thủy sản phải có sự đồng ý của UBND thành phố Hội An và sự giám sát của BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND xã Tân Hiệp và UBND xã Cẩm Thanh.

3. Cộng đồng thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp), Tổ Tự quản cộng đồng thôn Thanh Tam (xã Cẩm Thanh) là chủ thể tự quản lý Khu duy trì nguồn giống thủy sản trên địa bàn của mình, có trách nhiệm tham gia với các cơ quan chức năng thực hiện việc tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản và các hoạt động kinh tế xã hội khác trong Khu duy trì giống thủy sản.

4. Đề nghị Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và Đồn Biên phòng Cửa Đại phối hợp với BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND xã Tân Hiệp, UBND xã Cẩm Thanh, BQL Tiểu khu và các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn giống thủy sản trên địa bàn.

5. Ngư dân, các tổ chức, cá nhân có hoạt động trong phạm vi Khu duy trì giống thủy sản tại Rạn Mành và Cẩm Thanh có trách nhiệm hợp tác với lực lượng tuần tra cộng đồng và tuân thủ các điều khoản trong Qui định tạm thời cũng như thực thi pháp luật có liên quan.

Việc quản lý các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch, các ngành nghề liên quan khác tuân thủ nghiêm túc các điều khoản nêu trên trong thời gian nghiên cứu của đề tài từ năm 2020 đến năm2021 sẽ giúp khẳng định được mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể và vai trò quan trọng của các sinh cảnh rạn san hô tại Cù Lao Chàm và rừng dừa nước, thảm cỏ biển tại vùng cửa sông Thu Bồn trong vòng đời của nhiều loài thủy sản. Thông qua vận hành thí điểm mô hình này, vai trò của cộng đồng địa phương sẽ được nâng cao đáng kể, gắn kết chặt chẽ giữa việc phát triển sinh kế với công tác bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học tại Khu dữ trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An./.

Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký KSQ