Thành công từ tập huấn điều tra,khảo sát đa dạng sinh học rừng

Đứng trước thực trạng thiếu dữ liệu, thông tin khoa học về đa dạng sinh học Rừng Cù Lao Chàm, cũng như thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý và bảo tồn nhóm tài nguyên này; từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 6 năm 2016, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL) phối hợp với Hội Động vật học Frankfurt và Tổ chức bảo tồn Đa dạng sinh học Greenviet đã tổ chức khóa tập huấn chuyên môn về “Phương pháp và kỹ năng về nghiên cứu, điều tra, giám sát về đa dạng sinh học rừng trên đối tượng Thú Linh trưởng” cho các cán bộ nghiên cứu của BQL và một số Cơ quan/đơn vị liên quan. Trong đó mục đích chính của khóa tập huấn này là cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản về khảo sát tài nguyên rừng cho một số cán bộ chuyên môn, làm tiền đề để xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn để thực hiện các hoạt động nghiên cứu liên quan đến công tác bảo tồn tài nguyên rừng Cù Lao Chàm trong tương lai.

Hình 1: Giám đốc BQL phát biểu khai mạc chương trình tập huấn

Theo đó, ngày thứ nhất của khóa tập huấn, các học viên được các chuyên gia hướng dẫn và chia sẻ những thông tin, kiến thức lý thuyết nền tảng về Linh trưởng và giám sát Linh trưởng ở Việt Nam nói chung cũng như khu trú về khu vực Miền trung Tây nguyên nói riêng. Trên cơ sở mảng chuyên môn hẹp này, các chuyên gia đã mở rộng tiếp cận và chia sẻ cũng như hướng dẫn rõ hơn về phương pháp cũng như kỹ năng khảo sát tài nguyên đa dạng sinh học rừng nói chung. Trong đó tập trung các nhóm chủ đề: phương pháp cắt tuyến khảo sát, sử dụng các công cụ hỗ trợ (GPS, La bàn, bản đồ…) hay các phần mềm chuyên ngành trong công tác nghiên cứu về tài nguyên Rừng, cách thức và phương pháp di chuyển và sử dụng các giác quan trong giám sát…

konkakinh02-2016

Hình 2: Các học viên thực hành phân loại Linh trưởng theo các nhóm dựa vào đặc điểm hình thái, thông qua quan sát hình ảnh

Sau khi kết thúc các học phần lý thuyết tại Vp BQL (Hội An), các Chuyên gia cùng tất cả học viên đã tham gia chuyến khảo sát thực địa tại Vườn Quốc gia (VQG) Konkakinh, tỉnh Gia Lai.

Tại đây, trong thời gian làm việc với Ban quản lý VQG, đoàn được lắng nghe cán bộ Vườn Quốc gia Konkakinh hướng dẫn và chia sẻ nhiều thông tin giá trị và hữu ích liên quan đến về giá trị đa dạng sinh học của Vườn, quá trình thành lập và hoạt động; các thuận lợi và thách thức trong quá trình vận hành; đặc biệt là những xung đột giữa nhà quản lý và cộng đồng dân tộc của 23 làng sống xung quanh vùng đệm VQG. Bên cạnh đó, các học viên được tham quan các mô hình, một số hoạt động hiệu quả của các Trung tâm cứu hộ và bảo vệ động vật, Trung tâm giáo dục môi trường, Phòng tiêu bản Động thực vật VQG KKK…; đây là những bài học kinh nghiệm quý giá, những mô hình hay có thể được áp dụng trong quá trình quản lý tài nguyên thiên nhiên tại KSQ CLC – Hội An trong tương lai.

konkakinh03-2016

Hình 3: Đoàn khảo sát thăm và làm việc tại VQG Konkakinh

Sau thời gian thăm quan là làm việc tại trụ sở Vườn, đoàn công tác đã di chuyển vào Lán nghiên cứu (cách trụ sở khoảng 5 km) để áp dụng các phương pháp và kỹ năng đã được học trước đó vào khảo sát thực tế.

konkakinh04-2016

Hình 4: Đoàn khảo sát trên đường di chuyển vào Lán nghiên cứu

Trong khoảng thời gian tại đây, các học viên được chia theo hai nhóm nhỏ và thực hiện việc khảo sát theo các tuyến sẵn có. Trong đó, các thành viên trong mỗi nhóm được trực tiếp thực hành các kỹ năng cơ bản trong khảo sát rừng nói chung và giám sát nhóm Linh trưởng nói riêng, bao gồm việc sử dụng bản đồ và la bàn, GPS trong di chuyển và khảo sát (đi theo đúng các tuyến, tìm các điểm đến chính xác…); Kỹ năng sử dụng các giác quan trong giám sát động vật: Sử dụng mắt nhìn quan sát, tai lắng nghe, mũi ngửi…

konkakinh05-2016

Hình 5: Sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện khảo sát

Đặc biệt, các học viên đã có thử thách thực sự khi phải leo lên Đỉnh đá trắng cao 1360m tại VQG. Mặc dù đối với hầu hết các cán bộ tham gia khóa tập huấn lần này đều không có chuyên môn về Lâm sinh hoặc là lần đầu tiên tham gia khảo sát rừng, tuy nhiên tất cả đều hoàn thành tốt các chuyến khảo sát do BTC đề ra.

Ngoài việc học tập và nghiên cứu, các học viên đoàn khảo sát còn được trải nghiệm thực sự thú vị trong sinh hoạt cá nhân và tập thể tại Lán nghiên cứu.

konkakinh06-2016

Hình 6: Ăn uống, sinh hoạt tại Lán

Có thể nói đây là chuyến khảo sát thực địa ý nghĩa nhất từ trước đến nay, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi cán bộ tham gia. Mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả; tuy nhiên với lòng nhiệt huyết, đam mê và công tác chuẩn bị kỹ càng, khóa tập huấn đã kết thúc thành công tốt đẹp. Ngoài việc được học tập nhiều kiến thức, kỹ năng mới, các anh chị em học viên đã có những trải nghiệm đáng nhớ; và hy vọng rằng sau đợt tập huấn này mọi người sẽ cống hiến nhiều hơn nữa, và áp dụng tốt những gì đã được học để phục vụ cho công tác bảo tồn tài nguyên tại KSQ Cù Lao Chàm – Hội An trong tương lai.

konkakinh07-2016

Hình 7: Đoàn khảo sát chụp hình lưu niệm tại Lán nghiên cứu

* Lời cảm ơn:

BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm xin gửi lời chân thành cảm ơn đến Hội Động vật học Frankfurt và tổ chức Bảo tồn đa dạng sinh học Greenviet vì sự hợp tác tốt đẹp để tổ chức khóa tập huấn lần này; đặc biệt xin cảm ơn sâu sắc đến TS. Hà Thăng Long và ThS. Trần Hữu Vỹ đã rất nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các học viên tham gia khóa tập huấn. Xin cảm ơn Lãnh đạo và các cán bộ BQL VQG Konkakinh vì sự đón tiếp nồng hậu cũng như chia sẻ nhiều thông tin quý giá.

Cảm ơn các anh/chị em cán bộ tham gia đã có sự chuẩn bị chu đáo, góp phần vào thành công của khóa tập huấn lần này./.

Nguyễn Thành Huy – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm