Suy giảm nguồn lợi rong mơ

Nguồn lợi rong mơ ngày một ít đi là mối nguy đối với vùng biển ven bờ, đe dọa sự tồn tại của các loài sinh vật ngụ cư xung quanh.

Sản lượng thấp

Những ngày qua, người dân ở khu vực ven biển của huyện Núi Thành đổ xô đi khai thác rong mơ. Công việc này bắt đầu từ sáng sớm cho đến tận tối mịt. Người dân các xã Tam Hải, Tam Quang dùng ghe hay bơi thuyền thúng đến các khu vực Bàn Than hay Bãi Rạng rồi lặn ngụp trong biển để vớt rong mơ. Đến quãng trưa, họ kéo rong mơ vào bờ và phơi khô rồi thu vào bao tải chở về nhà. Ông Lê Văn Chính (thôn Thuận An, xã Tam Hải) chuyên khai thác rong mơ từ nhiều năm qua ở khu vực Bàn Than. Ông Chính cho biết, sản lượng thu hoạch rong mơ từ tháng 5 đến nay ít hơn mọi năm. “Mọi năm, gia đình tôi bán rong mơ thu được 10 nghìn đồng/kg nhưng chừ chỉ bán được 4 – 5 nghìn đồng. Giá đã thấp mà sản lượng lại giảm xuống khiến cho thu nhập càng ít ỏi” – ông Chính nói. Theo ông Chính, khoảng 2 năm về trước, mỗi ngày có thể khai thác được 1 tấn rong mơ tươi, về phơi khô thu hoạch được 1 tạ thì thời điểm này, tối đa chỉ thu được 50kg rong mơ khô. “Không khai thác khi đến độ thì rong mơ cũng tự rã đi. Chúng tôi vớt rong mơ vừa tạo thu nhập vừa giúp cho rong phát triển tốt hơn. Không hiểu sao trước đây rong mơ tụ thành từng cụm lớn dưới đáy biển thì nay phân tán, thưa thớt hẳn” – ông Chính cho biết thêm.

Người dân dùng cào để khai thác rong mơ gây nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản này. Ảnh: N.Q.V

Bà Trần Thị Thạnh cũng là một hộ dân chuyên nghề khai thác rong mơ của thôn Thuận An, xã Tam Hải. Bà Thạnh cho biết, nghề này rất đơn giản nên phụ nữ cũng có thể làm được. Trước đây, chỉ cần bơi thúng ra cách mũi Bàn Than chừng 20m là có thể dùng cào để kéo và vớt rong mơ lên. Thời gian gần đây, phải đi xa cách Bàn Than hơn 50m mới phát hiện được địa điểm quần tụ của chúng. Rong mơ đã ít đi mà giá bán lại hạ thấp, hồi trước mỗi ngày vớt rong mơ bà Thạnh có thể thu nhập khoảng 600 nghìn đồng/ngày thì nay chỉ còn khoảng 200 nghìn đồng. Theo các hộ khai thác rong mơ, trong vòng 5 năm qua, cứ mỗi mùa rong mơ lại đến thì nguồn lợi càng hiếm hoi hơn. Nhiều hộ chuyên nghề khai thác rong mơ đã chuyển sang nghề khác vì thu nhập ngày càng thấp hơn mà mùa vụ của nghề này chỉ diễn ra từ tháng 5 cho đến tháng 7. UBND xã Tam Hải cho rằng, khai thác rong mơ ồ ạt và tận diệt đã khiến cho nguồn lợi này suy giảm. Trước đây, sản lượng khai thác rong mơ đạt khoảng 50 tấn khô/mùa thì trong vòng 2 năm nay chỉ còn 20 – 30 tấn/mùa.

Đe dọa sinh thái biển

Thời gian qua, người dân thôn Thuận An đã thành lập tổ cộng đồng khai thác rong mơ, hoạt động theo mùa vụ từ ngày 15.5 đến hết tháng 7. Tổ cộng đồng này cũng được hoạt động theo quy chế, không khai thác rong mơ non, chỉ được dùng liềm cắt phần thân rong mơ, chừa lại gốc chứ không được cào cả thân lẫn gốc. Vào thời điểm mới hoạt động cách đây 4 năm, nhờ tuyên truyền và tự dặn bảo nhau, ý thức tốt nên người dân khai thác rong mơ nền nếp. Vậy mà nay người dân đã “phá luật”, tùy tiện khai thác rong mơ theo kiểu được chăng hay chớ. Có thời điểm giá rong mơ tăng lên đến 10 nghìn đồng/kg, người dân ở các địa phương khác kéo đến tham gia làm “nở rộ” phong trào khai thác rong mơ. Việc ồ ạt tận thu rong mơ đã khiến cho quá trình sinh trưởng, phát triển của loài thủy sản này bị đảo lộn, có nguy cơ cạn kiệt. “Mấy năm gần đây, địa phương luôn phát hiện việc khai thác rong mơ trái phép, người dân bứt rong khi nó còn non hoặc chưa đến thời điểm vào mùa vụ. Đáng nói nhất là có cả đội tàu ở các địa phương khác đến vớt rong mơ trái phép, trong đó có cả ngư dân Quảng Ngãi. Chúng tôi chỉ mới dừng lại ở mức độ nhắc nhở, tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn lợi chứ chưa biết có cơ sở nào xử phạt thích đáng” – ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói.

Rong mơ sống bám vào rạn san hô hay các khối đá ngầm dưới biển. Đây là chỗ trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều loài hải sản như cá, tôm, mực, các loài nhuyễn thể và thân mềm. Việc khai thác rong mơ không hợp lý sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các loài hải sản. Rong mơ mất đi đồng nghĩa với “ngôi nhà” của các loài hải sản không còn. Khi môi trường sống thay đổi thì các loài thủy sinh chết đi hoặc di chuyển đến vùng nước khác sinh sống. Điều này là mối nguy rất lớn đến sự tồn vong của đa dạng các loài san hô bố trí dày đặc ở các vùng ven biển Bàn Than. Qua tài liệu thu thập, có thể nhận biết ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài khai thác rong mơ hợp lý, người ta còn tiến hành khôi phục, trồng và chăm sóc rong mơ đặc biệt phù hợp với từng vùng mặt nước biển riêng biệt, không chỉ để phát triển loài này mà còn vì sự tồn vong của các loài thủy sinh khác cùng quần cư với chúng trong một môi trường sống chung. Bởi vậy, thiết nghĩ Quảng Nam cần khẩn trương tuần tra, phát hiện và xử phạt, răn đe các hành vi khai thác rong mơ trái phép cũng như có dự án khôi phục rong mơ, để bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học.

NGUYỄN QUANG VIỆT

Nguồn bài viết: baoquangnam.vn