Quản lý tổng hợp vùng bờ: Yêu cầu bức thiết

Nhiều hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh có sự tác động đối với vùng biển, sông, suối, làm suy giảm đa dạng sinh học. Vì thế, quản lý tổng hợp vùng bờ là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Quan hệ chặt chẽ Vòng đời của cá chình sẽ giúp chúng ta nhận thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa suối, sông và biển. Những năm đầu đời, cá chình sống trên các dòng suối. Khi đã trưởng thành, do nhu cầu sinh sản, chúng về biển, ra khơi đẻ trứng rồi chết. Những chiếc trứng trong suốt sẽ nở ra ấu trùng rồi bồng bềnh trên đại dương, lớn thành những cá chình con bé tí và chúng lại thực hiện một cuộc hành trình ngược về các dòng suối. Vòng đời của cá chình tiếp nối như vậy nhưng nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản này đã hiển hiện. Nhiều công trình thủy điện hình thành trên địa bàn tỉnh không thiết kế các thang cá ở các đập ngăn nước nên cá chình không thể ngược dòng về thượng nguồn. Vả lại, thủy điện cùng các hoạt động khai khoáng trái phép đã gây hậu quả là dòng chảy ở các lưu vực sông bị hạn chế, môi trường thay đổi cũng đã khiến cho cá chình rất khó thích nghi. Theo Th.S Lê Ngọc Thảo – Trưởng ban Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (TP. Hội An), vấn đề dòng chảy môi trường và thang cá của các công trình thủy điện đã khiến cho con đường di cư, sinh cảnh của cá chình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm suy kiệt nguồn lợi.

Chung tay bảo vệ môi trường vùng biển Tam Hải

Cua đá sống ở vùng rừng núi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Vòng đời của nó cũng tương tự cá chình, quá trình sinh sản đã khiến cho cua đá men theo các dòng suối, xuống đẻ ở biển. Sau đó, chúng sẽ ngược đường trở lại sống ở vùng núi cao. Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng diễn ra ở khu vực này cũng đã làm xáo trộn “thế giới” của loài sinh vật này. “Muốn bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm, bắt buộc phải quản lý tổng hợp vùng bờ. Ý nghĩa của công cụ này không dừng lại ở đó mà còn tác động sâu sắc vì sự phát triển bền vững” – Th.S Lê Ngọc Thảo nói.

Đa dạng sinh học vùng biển Cù Lao Chàm. Ảnh: N.Q.V

Ở khu vực phía nam của tỉnh, rạn san hô Bàn Than, các thảm cỏ biển, đa dạng sinh học xung quanh vùng biển Tam Hải (Núi Thành) từ lâu cũng đã có dấu hiệu suy giảm. Các sinh vật quý hiếm như cá hồng, cá mú ít còn hiện hữu ở đây là minh chứng cho điều đó. Ông Nguyễn Đình Sơn – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, lẽ ra khu vực Bàn Than phải được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng sự vào cuộc là rất yếu ớt khi chỉ có cộng đồng tham gia bảo vệ được chăng hay chớ.

Quản lý thế nào?

“Không thể đánh đổi giá trị của đa dạng sinh học để lấy các loại hình dịch vụ được. Cơ sở dịch vụ mọc lên có chăng cũng chỉ phục vụ tham quan của du khách từ quyến rũ của đa dạng sinh học mà TP.Hội An đang có. Nếu giá trị không còn thì tất yếu dịch vụ cũng sẽ chết yểu mà thôi”.
(Th.S Lê Ngọc Thảo – Trưởng ban Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm)

Theo Th.S Lê Ngọc Thảo, đa dạng sinh học quý giá của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm hầu như ai cũng biết. Có điều, ít ai biết, sự sống còn của các loài sinh vật quý hiếm đó không chỉ liên quan ở chỗ nó đang sinh sống mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động ở khu vực đất liền. Trước hết là rừng dừa nước Cẩm Thanh – mắc xích đầu tiên quy định sự sống còn của nhiều loài cá di cư liên tục giữa 2 khu vực như cá hồng, cá mú, cá cam. Nước thải từ thượng nguồn qua suối đến sông rồi tuồn ra biển cũng gây xáo trộn hoạt động của san hô, thảm cỏ biển và đa dạng sinh học ở Cù Lao Chàm. Các bãi biển và hệ thống cồn bãi trên địa bàn TP.Hội An đã bị “xâm chiếm” ngày càng lớn khi hàng loạt công trình, dự án du lịch, dịch vụ mọc lên như nấm trong thời gian qua. Khi bãi đẻ không còn, môi trường bị biến đổi, nhiều loài thủy sản đã tuyệt chủng, hệ sinh thái đất ngập nước, các loài nhuyễn thể cũng diệt vong. “Không thể đánh đổi giá trị của đa dạng sinh học để lấy các loại hình dịch vụ được. Cơ sở dịch vụ mọc lên có chăng cũng chỉ phục vụ tham quan của du khách từ quyến rũ của đa dạng sinh học mà TP.Hội An đang có.

Nếu giá trị không còn thì tất yếu dịch vụ cũng sẽ chết yểu mà thôi” – Th.S Lê Ngọc Thảo nói. Trong mối tương quan giữa vùng lõi là Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, vùng đệm Cẩm Thanh và đô thị cổ Hội An, Th.S Thảo cho rằng TP.Hội An cần khẩn trương bắt tay thực hiện quy hoạch quản lý sử dụng bền vững tài nguyên của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Để xây dựng và triển khai quy hoạch đó đòi hỏi phải tiếp cận quản lý theo hệ sinh thái. Từ đó, lôi cuốn sự tham gia của 4 bên liên quan là chính quyền thành phố; các nhà khoa học, nghiên cứu; các doanh nghiệp và các cộng đồng dân cư. “TP.Hội An cần phải gắn danh hiệu khu dự trữ sinh quyển của thế giới với các sản phẩm du lịch riêng có. Lợi ích sẽ chia đều, doanh nghiệp dễ khẳng định thương hiệu, uy tín còn thành phố sẽ ràng buộc các doanh nghiệp với các trách nhiệm chặt chẽ” – Th.S Thảo nói.

Huyện Núi Thành rất giàu tiềm năng du lịch biển đảo, tiêu biểu như khu vực Bãi Rạng và Tam Hải. Riêng tại xã đảo Tam Hải, rất nhiều dự án du lịch sinh thái, du lịch biển đảo đã được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xúc tiến, tuy nhiên đến nay vẫn rất im vắng. Theo ông Ngô Văn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, bảo vệ nghiêm ngặt các rạn san hô, thảm cỏ biển ở khu vực Bàn Than, phục vụ du lịch lặn ngắm san hô, cỏ biển sẽ là sản phẩm du lịch giàu quyến rũ của vùng đất này. Tuy nhiên, bấy lâu nay, tài nguyên, tiềm năng này vẫn còn quên lãng. “Các nguồn lực, chủ yếu nhất là nhân lực và tài chính, huyện Núi Thành không thiếu. Các công cụ khác phục vụ bảo vệ bờ biển, đưa các giá trị vào phục vụ du lịch sẽ là cách bảo vệ tài nguyên, giá trị bền vững nhất. Địa phương nên đánh thức các hệ giá trị khu vực biển, vận dụng vào phát triển kinh tế – xã hội, khơi thông lợi thế, phát triển bền vững sẽ là hướng đi thiết thực” – ông Định nói. Còn ông Nguyễn Đình Sơn cho biết, huyện Núi Thành đang đưa đội cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường biển vào hoạt động, trước mắt để tránh tác động xấu đến vùng biển, sau đó là phục vụ du khách đến tham quan, tắm biển.

Bà Nguyễn Hoàng Yến – Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo cho rằng, vì có mối liên hệ hữu cơ mật thiết giữa biển, bờ, sông, suối nên muốn bảo vệ các tài nguyên, giá trị liên quan thì đòi hỏi phải quản lý tổng hợp vùng bờ. Cũng theo bà Yến, từ nhu cầu nội tại của phát triển, UBND tỉnh đã thông qua Kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Rất nhiều nội dung gồm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp vùng bờ; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ; quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vùng bờ… là các giải pháp thiết yếu để quản lý tài nguyên, môi trường biển ngày càng phù hợp với vận động không ngừng của cuộc sống.

Tác giả: Nguyễn Quang Việt

Nguồn: baoquangnam.vn