Những khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo tồn giá trị, phát huy danh hiệu khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An

Với những định hướng đúng đắn, cách tiếp cận phù hợp, cơ chế vận hành rõ ràng, trong 8 năm qua kể từ khi được UNESCO công nhận (2009-2017), Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã duy trì được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cộng đồng về bảo tồn giá trị và phát huy danh hiệu khu dự trữ sinh quyển. Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể vẫn thấy rằng còn đó quá nhiều khó khăn thách thức kể cả các mối đe dọa đang ở phía trước đối với môi trường, cảnh quan, các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học cũng như phát triển sinh kế bền vững trong khu sinh quyển.

Giá trị nổi trội và sự nhạy cảm của vùng cửa sông Thu Bồn.

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, nơi tiếp giáp giữa đất liền và đại dương (Estuary area). Đây là vùng chịu sự tương tác giữa môi trường nước biển và môi trường nước ngọt. Sự trao đổi vật chất, sóng, gió, sinh vật và các dòng năng lượng khác tại vùng này đã tạo nên một môi trường sinh thái cửa sông mà ta hay gọi là “vùng nước lợ” (Brackishwater). Sự hòa trộn vật chất theo chế độ thủy văn sông, thủy triều biển, sóng – gió và các quần thể sinh vật đã hình thành nên một vùng sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng về sinh vật và cảnh quan. Nơi đây đã ghi nhận có sự hiện diện đầy đủ các hệ sinh thái đặc trưng của vùng cửa sông, ven biển và hải đảo như hệ thống các cồn bãi tự nhiên trên sông, bãi biển; rừng dừa nước cùng với các loài cây ngập mặn; thảm cỏ biển phân bố từ cửa sông ra đến đảo, rừng nguyên sinh trên đảo; vùng triều bờ đá; và rạn san hô muôn vạn màu sắc trong lòng đại dương tại đảo Cù Lao Chàm. Sự đa dạng này được vun đắp bởi nguồn dinh dưỡng từ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn với chiều dài lưu vực lên đến 200 km bắt nguồn từ các cánh rừng nguyên sinh, men theo các sườn núi dốc chảy qua các làng mạc trù phú để rồi hòa mình với biển cả tại Cửa Đại – Hội An. Đây chính là cơ sở cung cấp nguồn dinh dưỡng, thức ăn dồi dào cho sinh vật sinh sôi, phát triển và tạo nên một vùng có năng suất sinh học vào loại cao nhất trên trái đất.

Trên thực tế, đây cũng chính là vùng có sự hiện diện nhiều nhất các hoạt động của con người. Từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, bến cảng, công trình quốc phòng cho đến các hoạt động phát triển sinh kế như khai thác tài nguyên, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trông trọt, các làng nghề và phát triển du lịch. Thậm chí, nơi này cũng được chọn để xây dựng nhà máy xử lý nước sinh hoạt cho toàn thành phố Hội An. Hoạt động nhộn nhịp tại đây với qui mô và tần suất ngày càng cao trong khi giới hạn chịu tải của môi trường và các hệ sinh thái là có giới hạn. Nếu không có những giải pháp tổng thể mang tính chiến lược kịp thời, chắc chắn sẽ gây tổn thương, làm thay đổi cấu trúc, ảnh hưởng đến chức năng của các hệ sinh thái đối với con người và tự nhiên nơi đây. Hậu quả có thể là môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên bị cạn kiệt, nguồn lợi thủy sinh suy giảm cả về số lượng và chất lượng, vùng đất ngập nước bị thu hẹp, các bãi biển bị ô nhiễm, xói lở nghiêm trọng, mất đi các thảm cỏ biển, rạn san hô bị tẩy trắng. Nghiêm trọng nhất đó là các vùng sinh cư bị phân tách, sự liên kết giữa các hệ sinh thái bị cắt đứt, ảnh hưởng đến vòng đời, sự phân bố và kích thước quần thể của nhiều loài sinh vật.

Các hệ sinh thái rất nhạy cảm trước những sự thay đổi môi trường tuy nhiên chúng đang tồn tại và phát triển trong một bối cảnh có quá nhiều tác động từ thiên nhiên và con người.

Vẫn còn đó những khó khăn và thách thức.

Chặng đường 8 năm bảo tồn các giá trị và phát huy danh hiệu khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã trải qua những khó khăn, thách thức không nhỏ. Những hội thảo chuyên đề, đối thoại các bên liên quan, các nghiên cứu khoa học cũng như chiến lược truyền thông trong khu sinh quyển cốt lõi cũng để làm thế nào kêu gọi, lôi cuốn sự tham gia của các bên liên quan trong việc tìm ra các giải pháp tối ưu nhằm vượt qua được các khó khăn mà khu sinh quyển đang đối mặt kể từ khi chinh phục được danh hiệu năm 2009.

Thứ nhất, cả 3 trung tâm phát triển du lịch lớn trong phạm vi Khu sinh quyển bao gồm Phố cổ Hội An (thuộc vùng chuyển tiếp), Rừng dừa nước hạ lưu sông Thu Bồn (thuộc vùng đệm) và quần đảo Cù Lao Chàm (thuộc vùng lõi) đều đang có xu hướng gia tăng số lượng du khách hằng năm. Trong bối cảnh khu sinh quyển chưa có được giải pháp tốt trong việc đáp ứng nhu cầu của du khách thì sự gia tăng này chính là mối tác động rất lớn, đặc biệt là các khu vực có các hệ sinh thái rất nhạy cảm với tác động của con người như rạn san hô, rừng dừa nước, các thảm cỏ biển, các bãi biển. Điều này không những ảnh hưởng đến các hệ sinh thái mà còn làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái này.

Hình 1: Du khách gia tăng trải nghiệm tại vùng sinh thái Cẩm Thanh và quần đảo Cù Lao Chàm.

Thứ hai, hiện tượng ô nhiễm lưu vực sông, biển và những tác động từ thượng nguồn đã và đang có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng môi trường, sự cân bằng sinh thái tại các thủy vực tự nhiên trong Khu sinh quyển. Hệ lụy từ các quá trình này đã gây nên các hiện tượng xâm nhập mặn, ngọt hóa và lắng tụ trầm tích, làm tẩy trắng và gây chết nhiều san hô, thảm cỏ biển, rong biển. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt bùn cát từ thượng nguồn là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng xói lở nghiêm trọng bờ biển Cửa Đại trong vài năm gần đây.

Hình 2: Mô hình tương tác giữa lưu vực sông, vùng bờ và biển (Nguyễn Chu Hồi).

Thứ ba, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại các phân vùng chức năng khu sinh quyển đã và đang làm mất đi nhiều diện tích các sinh cảnh quan trọng, cắt đứt mối liên kết sinh thái giữa các vùng, thu hẹp vùng sinh cư các loài và ảnh hưởng chung đến nguồn lợi sinh vật trong khu sinh quyển. Điển hình rõ nhất đó là công trình đường bao quanh và các dự án đầu tư trên đảo Cù Lao Chàm đã làm mất đi nhiều diện tích rừng tự nhiên, gây sạt lở đất đá, làm suy giảm độ phủ và chất lượng thảm thực vật bề mặt. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến khả năng giữ nước, duy trì vùng sinh cảnh, chuỗi thức ăn tự nhiên và các quần thể sinh vật, điển hình như khỉ vàng, cua đá, chim yến trên đảo

Hình 3: Đường quanh đảo Cù Lao Chàm đang phân nhỏ vùng sinh cư và mối liên kết sinh thái giữa rừng và biển.

Tại vùng cửa sông Thu Bồn, công trình cầu Cửa Đại vắt qua rừng ngập mặn đã làm mất đi nhiều diện tích rừng dừa nước, gây tắt nghẽn hệ thống kênh rạch và làm cô lập nhiều vạt dừa, tác động đến các thảm cỏ biển, các bãi đẻ, bãi ươm giống tự nhiên của hàng trăm loài thủy sản, chim và động vật trên cạn.

Hình 4: Cầu Cửa Đại vắt ngang qua rừng dừa nước tại Cẩm Thanh

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và chủ hộ phát triển các loại hình dịch vụ ngay trong rừng dừa như xây dựng công trình cứng, các hoạt động náo nhiệt, gây tiếng ồn, hái lá dừa cũng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tự nhiên của rừng dừa nước và hệ động thực vật tại đây.

Thứ tư, Hầu hết diện tích các hệ thống cồn bãi tự nhiên trên các dòng sông, các khu vực đất ngập nước hay các bãi biển thuộc Khu dự trữ sinh quyển đã được đồng ý chủ trương, một số đã được cấp phép cho các dự án để đầu tư xây dựng các hoạt động dịch vụ.

Hình 5: Hệ thống cồn bãi tự nhiên tại hạ lưu sông Thu Bồn trong sự liên kết sinh thái với biển và đảo Cù Lao Chàm.

Đây là các khu vực được xác định là nơi phân bố chủ yếu của các hệ sinh thái tự nhiên, duy trì tính đa dạng sinh học. Việc đầu tư này chắc chắn sẽ làm mất đi “tính hoang sơ” và “sự liên kết sinh thái”, những giá trị cực kỳ quan trọng mà UNESCO đã căn cứ để công nhận danh hiệu Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An – nơi hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Thứ năm, vị trí Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nơi tiếp giáp giữa đất liền với đại dương, diễn thế môi trường, hiện trạng địa hình, các yếu tố thổ nhưỡng, sự cân bằng sinh thái…vv luôn thay đổi và chịu ảnh hưởng từ lưu vực sông, đường bờ và đại dương. Biểu hiện rõ nhất và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành phố Hội An kể từ năm 2013 đến nay đó là việc xảy ra xói lở nghiêm trọng bãi biển Cẩm An, Cửa Đại. Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu ở nhiều góc độ, mức độ khác nhau, các hội thảo khoa học đã được tổ chức với nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nhưng việc xác định nguyên nhân, lượng hóa các thông số, nguyên nhân gây ra hiện tượng xói lở cũng như các giải pháp đã được đề xuất hầu như chưa đủ hoàn chỉnh và trên thực tế chưa giải quyết được bài toán bảo vệ bãi biển của thành phố Hội An.

Hình 6: Sạt lở nghiêm trọng bãi biển Cửa Đại, Hội An diễn ra từ năm 2010.

Thứ sáu, nạn khai thác cát, khoáng sản; khai thác thủy sản hủy diệt; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật …vv vẫn còn diễn ra trong Khu sinh quyển và các vùng lân cận. Điều này đã gây tác động rất lớn đến tính ổn định địa chất của dòng sông, bờ biển; gây ô nhiễm môi trường; làm suy giảm sức khỏe các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật của khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã được xác định như là vùng Đại sinh học khu vực Nam Trung Bộ.

Hình 7: Khai thác cát tại cồn nổi Duy Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam (2016) – Một hoạt động được tỉnh Quảng Nam        cấp phép.

Hình 8: San hô Cù Lao Chàm bị tẩy trắng (Coral Bleaching) do ảnh hưởng của hiện tượng ngọt hóa và lắng đọng trầm tích.

Thứ bảy, phạm vi của Khu dự trữ sinh quyển được xác lập theo địa giới hành chính của thành phố Hội An trong khi tài nguyên trong khu sinh quyển, đặc biệt là nguồn lợi sinh vật thì vòng đời và môi trường sinh cư của chúng phụ thuộc vào tập tính tự nhiên, sự phân bố của các sinh cảnh. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát các hoạt động của con người đang diễn ra bên trong và bên ngoài phạm vi khu sinh quyển. Chính vì vậy, khu sinh quyển cũng đã chủ động mở rộng mối quan hệ, phạm vi hoạt động ra các vùng lân cận theo lưu vực sông, đường bờ để tăng cường quản lý, giám sát các tác động đến tài nguyên của Khu sinh quyển.

Hình 9: Ranh giới và các phân vùng chức năng Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An (2015) theo địa giới thành phố        Hội An.

Thứ tám, hiện tại thành phố Hội An cũng như Khu dự trữ sinh quyển chưa thiết lập qui hoạch quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên trong Khu sinh quyển. Do đó, chưa có căn cứ khoa học và pháp lý để xem xét, quyết định cho việc đầu tư của các dự án trong đó có sử dụng tài nguyên của Khu sinh quyển.

Hình 10: Đất đá của các công trình ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, có thể gây nên hiện tượng tẩy trắng san hô tại Cù Lao Chàm.

Thứ chín, mặc dù bộ máy quản lý, vận hành hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển đã được thiết lập theo cơ chế đồng quản lý với sự tham gia của đại diện 4 lực lượng là cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng, song sự tham gia của các bên liên quan chỉ mới ở giai đoạn ban đầu, các bên chưa thực sự nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong cơ chế vận hành chung của Khu sinh quyển. Trong đó, quan trọng nhất là lực lượng doanh nghiệp chưa có gắn kết chặt chẽ với các bên còn lại, chưa thực sự hòa mình vào chiến lược phát triển các hoạt động dịch vụ dựa trên nền tảng bảo tồn.

Thứ mười, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An nằm ở vị trí hạ lưu sông Thu Bồn, qua vùng cửa sông, tiếp giáp vùng bờ liên kết ra đến đảo Cù Lao Chàm. Đây là khu vực rất nhạy cảm về sự tương tác và là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hiện tượng tự nhiên, các tai biến thiên thiên, yếu tố thời tiết và những ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, tài nguyên trong khu sinh quyển đặc biệt là môi trường, các hệ sinh thái, sinh cảnh và đa dạng sinh học luôn bị tác động. Hiện tượng ô nhiễm biển, bão gây sóng to, gió lớn, sự ngọt hóa, lắng tụ trầm tích, nhiệt độ nước biển tăng hay hiện tượng axit hóa đại dương đều có tác động đáng kể đến tài nguyên đa dạng sinh học trong Khu sinh quyển.

Nỗ lực hướng tới tương lai.

Một chặng đường đã qua, ghi dấu của thành công qua việc tài nguyên được gìn giữ, danh hiệu được phát huy để thu hút du khách, ổn định sinh kế cộng đồng nhưng còn đó quá nhiều khó khăn, thách thức mà chắc chắn sẽ còn gia tăng trong tương lai. Sự vào cuộc đồng bộ, đồng thuận của các bên liên quan theo mô hình hợp tác 4 Nhà từ chính quyền, nhà chuyên môn, doanh nghiệp và cộng đồng toàn xã hội là điều kiện bắt buộc có tính chất quyết định đến sự thành bại của việc bảo tồn và phát huy danh hiệu khu dự trữ sinh quyển trong tương lai.

Vận hành KSQ cần dựa trên các cách tiếp cận phù hợp đã được minh chứng trên lý luận và thực tiễn đó là: Tiếp cận hệ sinh thái; Tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ; Tiếp cận quản lý lưu vực sông; Tiếp cận từ thượng nguồn đến rạn san hô (Ridge to Reef); Tiếp cận đồng quản lý …vv để hướng tới vận hành khu sinh quyển theo mô hình Tiếp cận tư duy hệ thống – Qui hoạch cảnh quan – Điều phối liên ngành và – Kinh tế chất lượng (SLIQ), góp phần xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái vào năm 2030.

Tăng cường đánh giá tác động môi trường và phòng ngừa những ảnh hưởng và sự cố từ các công trình, sự án: cáp điện ra đảo, đường quanh đảo, kho dự trữ xăng dầu tại Cù Lao Chàm, Cầu và đường dẫn Cầu Cửa Đại (Phần đường dẫn) có ảnh hưởng khá lớn đến diện tích rừng ngập mặn dừa nước tại vùng đệm KSQ; Dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố tại rừng dừa nước Cẩm Thanh (đang xây dựng); Công trình đầu tư tại cảng Cửa Đại; dự án “xây dựng hệ thống cung cấp điện năng lượng từ pin mặt trời tại khu phố cổ Hội An”; Các dự án khu dân cư, khai thác quỹ đất; Công trình sửa chữa kè, nâng cấp hồ chứa nước Bãi Bìm, Công trình khắc phục tình trạng ô nhiễm một số mương tiêu tại Cù Lao Chàm, xây dựng hệ thống nước thải kết hợp với đường giao thông sau nhà hàng Bãi Ông (Cù Lao Chàm)…vv.

Cần phân tích đánh giá và có tổ chức phản biện các dự án có ảnh hưởng lớn đến Khu Sinh quyển, đặc biệt là các dự án đầu tư tại vùng lõi Cù Lao Chàm, trên hệ thống cồn bãi tự nhiên, rừng dừa nước, tại các bãi biển, trong Khu phố cổ;

Cần tính toán kỹ lưỡng về bài toán nước thải sinh hoạt và bãi rác của thành phố Hội An; giải quyết bài toán xói lở và vệ sinh môi trường tại biển Cẩn An và Cửa Đại và qui hoạch sử dụng mới Bãi tắm An Bàng, các dự án Bảo tàng văn hóa tín ngưỡng dân tộc và Phật giáo tại Cẩm Thanh, dự án Bảo tàng cổ vật tàu đắm tại Cù Lao Chàm; Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thành phố và Phương án trồng cây xanh của thành phố.

Một sự nỗ lực của toàn xã hội chắc chắn sẽ là sức bậc mạnh mẽ giúp vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện được sứ mệnh bảo tồn các giá trị của thành phố Hội An nhưng mang ý nghĩa toàn cầu như mong đợi của UNESCO và cộng đồng trên toàn thế giới đối với Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

ThS. Lê Ngọc Thảo – Ban Thư ký, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An