Nhà khoa học ‘sơ tán’ san hô do nước biển quá nóng

MỸ – Nước biển nóng kỷ lục ngoài khơi Florida đang khiến các chuyên gia phải đưa san hô từ những vườn ươm dưới biển lên bể chứa mát hơn trên cạn.

Những mẫu san hô tự nhiên Florida nằm an toàn trong ngân hàng gene sống tại Viện The Reef, Florida. Ảnh: Viện The Reef

Những mẫu san hô tự nhiên nằm an toàn trong ngân hàng gene sống tại Viện The Reef, Florida.

Ảnh: Viện The Reef

Nhiệt độ nước biển ngoài khơi Florida tăng lên mức cao bất thường trong tháng 7, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với rạn san hô, Science Alert hôm 31/7 đưa tin. “Nước nóng không tốt cho bất cứ sinh vật biển nào, dù là san hô, cá hay tôm hùm. Vì vậy, có nguy cơ xảy ra tình trạng cá, rùa biển chết hàng loạt và những hiện tượng tương tự”, Alex Neufeld, điều phối viên dự án tại tổ chức Coral Restoration Foundation, cho biết.

Nhiệt độ nước bề mặt ở Florida đã tăng trên 32,2 độ C trong vài ngày đầu tháng 7. Hôm 24/7, thậm chí mức nhiệt ở vịnh Manatee còn lên tới 38,4 độ C. Trong khi đó, san hô thường sống ở nhiệt độ nước biển khoảng 21 – 28,8 độ C.

Tổ chức phi lợi nhuận của Neufeld phối hợp cùng một số tổ chức địa phương để thu thập các mẫu san hô từ vườn ươm dưới biển và đưa tới những cơ sở trên đất liền, nơi có thể kiểm soát các thông số nước và bảo vệ san hô.

Quá trình tẩy trắng san hô tại Florida có vẻ cũng tăng tốc trong năm nay. Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi san hô bị căng thẳng trục xuất tảo sống cộng sinh với chúng, trong khi tảo cung cấp cho chúng chất dinh dưỡng và tạo màu sắc.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), các rạn san hô của Florida đem lại 2 tỷ USD doanh thu địa phương, tạo ra 70.400 việc làm toàn thời gian và bán thời gian. Trong khi những người kinh doanh lo lắng về kế sinh nhai, Neufeld và nhiều nhà khoa học khác bận rộn tìm cách thu thập mẫu san hô từ các vườn ươm. “Chúng tôi đã lấy mẫu đại diện của các loài san hô và chuyển chúng đến những địa điểm khác nhau để bảo vệ tốt hơn, đồng thời phát triển thêm để dự phòng với những loài nguy cấp này”, ông nói.

Nhiệm vụ của các nhà khoa học không chỉ thiết yếu trong việc bảo vệ rạn san hô mà còn gián tiếp bảo vệ con người. Các rạn san hô không chỉ là nơi cư trú của nhiều động vật biển mà còn là một trong những hàng rào bảo vệ chính chống lại bão và triều cường đang ngày càng trở nên dữ dội do sự ấm lên toàn cầu.

Thu Thảo (Theo Science Alert)

Nguồn: Báo điện tử VNEXPRESS

https://vnexpress.net/nha-khoa-hoc-so-tan-san-ho-do-nuoc-bien-qua-nong-4636324.html