Mở lối đi mới từ du lịch học tập

Một chuyến đi không đơn thuần để nghỉ dưỡng, trải nghiệm mà còn thu nạp được nhiều kiến thức hay về giá trị tuần hoàn của tự nhiên, xã hội. Du lịch học tập sẽ mở ra thêm một lối đi trong hành trình hướng đến du lịch xanh, bền vững của Quảng Nam.

Loại hình du lịch học tập đã dần manh nha tại Hội An trong vài năm gần đây. Ảnh: Q.T

“Điểm lõi” Cẩm Thanh

Nhắc đến Cẩm Thanh, du khách mường tượng ngay đến hình ảnh rừng dừa xanh ngút ngàn cùng những chiếc thúng chai dân dã, đặc sắc. Không chỉ có vậy, vài năm gần đây khu vực này còn nổi lên là mô hình điểm về phát triển du lịch học tập cộng đồng.

Trong giai đoạn 2018 – 2019, khu vực này đã đón 36 lớp tổ chức chương trình học tập là sinh viên trong nước, quốc tế và 33 đoàn của các tổ chức, đơn vị trong ngoài tỉnh đến học tập, nghiên cứu. Trước khi bùng phát dịch Covid-19, lượng khách của loại hình này tăng gần 40% qua mỗi năm.

“Trường học” là làng quê, “lớp học” là ruộng đồng, “thầy giáo” là những bác nông dân. Qua thời gian, vùng đất nằm bên cửa sông Thu Bồn đã hình thành các cộng đồng bao gồm: rau Thanh Đông, rau Đồng Giá, rừng dừa nước và không rác thải.

Sản xuất sạch, quản trị hiệu quả, sản phẩm xanh, giảm bao bì dùng một lần, phân loại rác thải, xây dựng lối sống sinh thái là những điều học hỏi được từ chính cộng đồng người dân khi du khách ghé về Cẩm Thanh.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay: “Thực ra ban đầu các cơ quan quản lý chỉ tập trung vào bảo tồn, xây dựng phương án quản lý và cải thiện sinh kế cho người dân gắn với rừng dừa nước.

Quá trình triển khai thực tiễn đã nảy sinh du lịch học tập. Nếu không chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 thì loại hình này đã phát triển ổn định”.

TS. Chu Mạnh Trinh – cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ, trong du lịch học tập từ cán bộ quản lý đến sinh viên đã học được từ nông dân, ngư dân địa phương về phương thức canh tác hữu cơ, bảo tồn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những tour du lịch học tập được thiết kế theo chủ đề riêng có khi vài ngày, có khi đến 7 – 8 ngày. Trên cơ sở đó, các công ty du lịch đã thiết kế một số sản phẩm du lịch học tập gắn với cây rau, cây dừa, cây lúa.

Thiết lập mạng lưới du lịch học tập

Để xây dựng sản phẩm du lịch học tập, điểm đến cần hội tụ được nhiều yếu tố, chủ thể như: lối sống sinh thái, chính sách hỗ trợ, hợp tác xã, tổ cộng đồng, doanh nghiệp xã hội. “Hệ sinh thái” du lịch học tập ở Cẩm Thanh hiện nay đã và đang hoàn thiện với nhiều điểm đến như: sông Đò, sông Đình, cửa hàng Đong Đầy, làng rau Thanh Đông, Taboo Workshop…

 

Một đoàn sinh viên trải nghiệm, học tập thực tế tại vườn rau hữu cơ Thanh Đông trước khi dịch Covid-19 bùng phát.       Ảnh: Q.T

Nếu lấy Cẩm Thanh là trung tâm du lịch học tập thì vùng lân cận còn rất nhiều dư địa để mở rộng loại hình này theo từng chủ điểm. Có thể kể đến cơ sở tái chế rác – làng quật (Cẩm Hà), làng gốm – làng chài – bến cá (Thanh Hà), cầu Cửa Đại – làng cá (Duy Hải, Duy Xuyên)…

Không chỉ gói gọn trong nội tỉnh, từ mô hình khởi điểm ở Cẩm Thanh, chuỗi điểm đến du lịch học tập trong khu vực hiện đã được lan tỏa đến Hòa Bắc, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) và Đảo Bé, Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm kiêm Phó Trưởng ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho hay, đơn vị sẽ tiếp nhận kết quả mô hình du lịch học tập tại Cẩm Thanh. Đồng thời phát triển, nhân rộng mô hình thông qua việc xây dựng, hình thành trung tâm kết nối du lịch học tập cộng đồng trên địa bàn toàn khu sinh quyển.

Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, rất đáng mừng khi chỉ sau vài năm Cẩm Thanh đã định vị điểm đến thương hiệu du lịch rất tốt, trong đó có du lịch học tập.

“Nhiều điểm du lịch cộng đồng lâu nay thường có khuynh hướng xây dựng các sản phẩm khá bình dân nhưng thực sự nếu có cách tiếp cận hợp lý, trân quý tài nguyên và vận dụng một cách sáng tạo thì hoàn toàn có thể tạo ra sản phẩm cao cấp phục vụ du khách” – ông Thanh nhận định.

 

QUỐC TUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn