Mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An

Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, nơi tiếp giáp và giao thoa sinh thái giữa đất liền – đại dương cùng với quần đảo Cù Lao Chàm, một trong số rất hiếm hoi đảo có rừng nguyên sinh và nguồn nước ngọt của Việt Nam đã tạo nên sự hiện diện đầy đủ các kiểu hệ sinh thái đặc trưng của vùng cửa sông, ven biển và hải đảo. Các giá trị về dịch vụ sinh thái cùng với di sản văn hóa thế giới – Khu phố cổ Hội An đã mang lại cho Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An tiềm lực rất lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng.

Tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được xem là một điểm du lịch quan trọng trên tuyến hành lang di sản Hội An – Mỹ Sơn – Cù Lao Chàm. Nằm cuối dòng sông Thu Bồn, thành phố Hội An được thừa hưởng sự đa dạng các hệ sinh thái vùng cửa sông, ven bờ và hải đảo. Các bãi sậy, cồn cát, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, quần cư rong biển, rừng nguyên sinh đảo Cù Lao Chàm, cũng như cảnh quan trên cạn và dưới nước đã và đang mang lại cho Hội An – Cù Lao Chàm một sự giàu có các dịch vụ sinh thái, tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội địa phương, đặc biệt là hình thức du lịch sinh thái của cộng đồng.

Hình 1: KSQ Cù Lao Chàm – Hội An có tiềm năng lớn về tự nhiên và nhân văn để cộng đồng phát triển DLST.

Tiềm năng này đã được phát huy và thể hiện rõ từ khi Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận danh hiệu “Di sản văn hóa thể giới” (1999) và đặc biệt là danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (2009). Số khách du lịch đến thành phố Hội An gia tăng một cách nhanh chóng. Dự kiến năm 2015, thành phố Hội An sẽ đón tiếp hơn 2 triệu lượt khách trong đó tính đến tháng 10/2015 có 392.650 lượt khách đến đảo Cù Lao Chàm – vùng lõi của KSQ.

Bảng 1: Lượng khách đến thành phố Hội An qua các năm.

Lượt khách

2011

2012

2013

2014

2015 (ước)

Khách quốc tế

739.850

680.235

812.205

839.198

975.000

Khách nội địa

722.330

708.352

816.565

917.718

1.049.550

Tổng

1.462.180

1.388.587

1.628.770

1.756.916

2.024.550

(Nguồn: Phòng Thương mại du lịch thành phố Hội An, 2015).

Vùng lõi Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, với số dân chưa tới 2.400 người đã đón tiếp hơn 392.650 người, trung bình mỗi người dân đảo Cù Lao Chàm đã tiếp đón 164 người khách (tính đến tháng 10/2015). Con số này cho thấy Cù Lao Chàm đang thu hút mạnh mẽ đối với du khách theo các loại hình trãi nghiệm thiên nhiên và di sản. Tuy nhiên điều này cũng đang tạo ra áp lực rất lớn đối với sức tải môi trường, sự đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và chất lượng dịch vụ tại đây.

Hình 2: Lượng khách tăng đột biết tại vùng lõi Cù Lao Chàm từ khi được công nhận danh hiệu Khu sinh quyển năm 2009 (Nguồn: KSQ CLC, 2015).

Phát triển du lịch đã làm thay đổi toàn diện về cơ cấu nghề nghiệp, lao động, qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch thương mại dịch vụ và các định hướng lớn của thành phố Hội An. Trong đó rõ nét nhất cho sự thay đổi này là xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm. Trước khi thành lập Khu bảo tồn biển (2006) có đến 90% sinh kế người dân là nghề khai thác thủy sản ven bờ truyền thống, giá trị kinh tế chủ yếu là thu nhập từ sản phẩm khai thác và đánh bắt, các dịch vụ sinh thái môi trường hầu như chưa phát triển. Tuy nhiên sau 10 năm (2006 – 2015), có đến hơn 40% người dân có sự chuyển đổi sinh kế từ khai thác thủy sản truyền thống sang phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm (Hedvig & CTV, 2015. Livelihood changes on Cham Islands).

Thu nhập và chất lượng cuộc sống được cải thiện thông qua hoạt động du lịch sinh thái đã tạo thêm động lực cho người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên để tiếp tục phát triển sinh kế của mình một cách bền vững. Các mô hình phân loại rác tại nguồn, nói không với túi ni lông, dán nhãn sinh thái Cua Đá của người dân thực hiện đang tạo tiếng vang trong cả nước. Điều này đã trở thành điểm nhấn làm giàu thành phố Hội An và các cộng đồng trong vùng bờ của tỉnh Quảng Nam.

Khu bảo tồn biển ra đời  và danh hiệu Khu sinh quyển đã tạo nền tảng và động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Với công cụ là khu bảo tồn biển (KBTB) được thành lập vào tháng 12 năm 2005 và sau đó là khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) được UNESCO công nhận vào tháng 5 năm 2009, hoạt động du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm và Hội An đã phát triển ngày một mạnh mẽ. Sự phát triển du lịch đã tạo một sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề của địa phương. Chỉ tính riêng đảo Cù Lao Chàm đến năm 2013 đã có trên 485 người dân địa phương từ 169 trong tổng số 560 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch sinh thái với hơn 12 loại hình sinh kế mới. Thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 6 triệu đồng/năm vào năm 2005 đến năm 2012 là 24 triệu đồng. Tuy chỉ có 10% tổng số du khách từ Hội An đến với Cù Lao Chàm hàng năm nhưng lợi ích mang lại cho dịch vụ du lịch trong đất liền từ lượng khách đến đảo là rất lớn (Chu Mạnh Trinh, 2015). Vì vậy làm thế nào để nâng cao thu nhập của người dân khi tham gia hoạt động du lịch sinh thái này là điều rất quan trọng đối với chiến lược của một khu bảo tồn và là một trong 7 tiêu chí của UNESCO đối với một khu sinh quyển. Một trong những cách tiếp cận mà Hội An cần thực hiện là nhìn nhận du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm – Hội An như điểm nhấn cho sự phát triển của toàn thành phố và cả vùng hạ lưu sông Thu Bồn.

Hình 3: Sự đa dạng và linh hoạt trong việc tổ chức dịch vụ của cộng đồng Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

Giới thiệu các mô hình cụ thể phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Khu sinh quyển Cù Lao Chàm.

@ Mô hình cộng đồng tham gia phục hồi rạn san hô.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức MCD, MFF, cộng đồng Cù Lao Chàm đã được tập huấn và tham gia trực tiếp cùng với cán bộ Khu bảo tồn biển thực hiện cấy ghép và phục hồi hơn 48.000 tập đoàn san hô trong phạm vi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Thông qua quá trình phục hồi, cộng đồng hoàn toàn làm chủ về kiến thức, đặc tính sinh học, sinh thái và công nghệ phục hồi san hô cứng bằng phương pháp tách ghép tập đoàn. Điều này đã bổ sung hữu ích cho nguồn tri thức địa phương và giúp cho người dân giới thiệu và hướng dẫn trực tiếp cho du khách, tạo thêm niềm hứng khởi và tin tưởng của du khách đối việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại đây.

Hình 4: Cộng đồng Cù Lao Chàm làm chủ công nghệ phục hồi san hô bằng phương pháp tách ghép tập đoàn.

@ Mô hình cộng đồng tham gia phân loại rác tại nguồn.

Hiện tại toàn địa bàn thành phố Hội An đã được truyền thông rộng rãi trong việc phân loại rác tại nguồn, góp phần tạo môi trường sanh xạch đẹp và tạo được sự cảm mến và ấn tượng cho du khách.

Hình 5: Phân loại rác tại nguồn và làm phân compost tại nhà.

Mô hình này sẽ được áp dụng trên toàn thành phố trong thời gian đến.

@ Mô hình cộng đồng nói không với túi nilon tại đảo Cù Lao Chàm.

Khởi đầu tại đảo Cù Lao Chàm vào một thời khắc rất đặt biệt, vào lúc 9 giờ, 9 phút ngày 9 tháng 9 năm 2009, toàn bộ người dân, cán bộ công nhân viên chức, quân nhân trên đảo Cù Lao Chàm chính thức “Nói không với túi nilon”. Sự kiện này đã tạo được tiếng vang, góp phần rất quan trọng trong việc trả lại môi trường tự nhiên trong xanh cho biển đảo và thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách. Hiệu ứng này tiếp tục được lan tỏa trên toàn địa bàn thành phố Hội An và đã mang lại những kết quả đáng kể.

Hình 6: Cộng đồng xã đảo Cù Lao Chàm xách giỏ đi chợ thay túi nilon.

@ Mô hình cộng đồng khai thác và bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm.

Hình 7: Tổ cộng đồng phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá CLC.

Với sự tài trợ của quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), người dân Cù Lao Chàm đã tự đứng ra thành lập Tổ cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá dưới sự quản lý của chính quyền và sự tư vấn của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn.

Đến nay, sản phẩm cua đá Cù Lao Chàm được niêm yết giá bán ra thị trường và được tuân thủ qui trình khai thác và quản lý rất chặt chẽ theo các tiêu chí sau:

  1. Chỉ được khai thác từ ngày 01/3 cho đến 31/7 hằng năm;
  2. Chỉ khai thác cua có kích thước từ 7 cm trở lên;
  3. Không khai thác cua cái mang trứng;
  4. Số lượng cua được phép khai thác hằng năm do Tổ cộng đồng bàn thảo dựa trên trữ lượng cua hiện có trong tự nhiên với sự đồng ý của chính quyền địa phương và sự tư vấn chuyên môn của các nhà khoa học;
  5. Tất cả cua đá do Tổ cộng đồng khai thác phải được cân đo đong đếm, đảm bảo các tiêu chí và dán nhãn sinh thái trước khi niêm yết giá để bán ra thị trường.

Hình 8: Cua đá CLC được dán nhãn sinh thái trước khi bán trên thị trường.

Hiện tại KSQ Cù Lao Chàm – Hội An đã và đang vận hành mô hình “Sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước – Nhà Nông – Nhà khoa học và – nhà Doanh nghiệp) trong quản lý, khai thác và bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm). Đây là một mô hình thể hiện được cơ chế chia sẻ quyền và lợi ích thông qua việc đồng quản lý tài nguyên, môi trường hướng tới phát triển bền vững, phát huy thương hiệu Khu sinh quyển.

@ Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trong rừng dừa nước Cẩm Thanh.

Với lợi thế về cảnh quan, các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học tại khu vực rừng dừa nước, trung tâm của vùng đất ngập nước vùng hạ lưu sông Thu Bồn, người dân địa phương đã phát huy thế mạnh và sức cạnh tranh trong việc tổ chức các dịch vụ du lịch sinh thái gắn liền với thiên nhiên và văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa lịch sử.

Hình 9: Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trong rừng dừa nước Cẩm Thanh.

@ Mô hình lưu trú trong nhà dân (Homestay).

Tại các làng quê sinh thái và trong khu phố cổ, các mô hình lưu trú trong nhà dân được cộng đồng chú tâm phát triển. Vấn đề quan trọng là mô hình đã tạo được cơ hội để du khách có thể thâm nhập, tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương đúng theo cái nghĩa của loại hình “Lưu trú trong nhà dân – Homestay”. Đây là một nét độc đáo trong chiến lược thu hút và tăng giá trị trải nghiệm của khách khi đến Khu sinh quyển Cù Lao Chàm.

Hình 10: Du khách thực sự đã “hòa mình” vào cuộc sống thường ngày của người dân tại KSQ Cù Lao Chàm – Hội An.

@ Mô hình Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương.

Sau thời gian 5 năm cùng làm việc, chia sẻ thông tin với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cộng đồng thôn Bãi Hương đã được tập huấn, đào tạo về các kỹ năng truyền thông, kỹ năng làm du lịch sinh thái, và đặc biệt là làm chủ được qui trình phục hồi san hô cứng bằng phương pháp tách ghép tập đoàn. Đây chính là cơ sở, là điều kiện cần thiết để Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chính quyền tỉnh yên tâm giao một phần diện tích mặt nước để cho cộng đồng tự quản lý, bảo tồn và khai thác các dịch vụ để mang lại sinh kế cho cộng đồng.

Hình 11: Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Đây là mô hình đầu tiên của Việt Nam trong việc giao quyền quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng.

Những bài học từ việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng từ Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

Qua quá trình hình thành và phát triển loại hình du lịch cộng đồng trong Khu bảo tồn và Khu sinh quyển Cù Lao Chàm, đã đúc kết được một số bài học:

1/ Việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng phải dựa trên nền tảng phát huy thế mạnh và tiềm năng về điều kiện tự nhiên, sinh thái, nhân văn của KSQ.

2/ Để cộng đồng thực sự trở thành người chủ của các dịch vụ, họ phải được truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên để phát triển bền vững sinh kế.

3/ Chính quyền cần lựa chọn và áp dụng các cách tiếp cận phù hợp để phát triển hài hòa các loại hình dịch vụ sinh thái của doanh nghiệp và cộng đồng.

4/ Nâng cao hiểu biết cho cộng đồng và lực lượng hướng dẫn viên về các giá trị dịch vụ sinh thái của Khu sinh quyển để họ có thể truyền tải và định hướng cho các hoạt động của du khách nhằm hướng tới sự phát triển một cách bền vững.

Hình 12: Một số hoạt động của cồng đồng thể hiện trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên của KSQ Cù Lao Chàm – Hội An./.

Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký KSQ Cù Lao Chàm – Hội An