Lợi ích cho cộng đồng xã đảo từ việc khai thác Cua đá bền vững

Mặt trời mọc trên đảo Cù Lao Chàm. Các thành viên của Hợp tác xã Cua đá (HTX) vội vã trở về nhà với những giỏ đầy Cua sau một đêm khai thác. Sản lượng khai thác được báo cáo cho Ban quản lý HTX trước khi đo kích thước, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì sẽ dán nhãn sinh thái và được bán hợp pháp ngoài thị trường.

Ông Nguyễn Duy Khanh, 38 tuổi, Chủ nhiệm HTX đang chờ các thành viên tổ khai thác tập trung tại HTX để kiểm tra. Chỉ những con Cua đá có chiều dài mai đạt ít nhất 7cm mới được đưa ra thị trường.

Ông Khanh giải thích rằng “đây là một quy định được thi hành nghiêm ngặt nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn bền vững loài Cua đá này”. Nhãn sinh thái được dán trên những con Cua đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để bán, còn lại các con mang trứng hoặc nhỏ hơn sẽ được thả về lại tự nhiên.

Ông Nguyễn Duy Khanh kiểm tra một con Cua đá. Chỉ có cua trưởng thành được dán nhãn sinh thái để bán hợp pháp tại đảo. Việc kiểm soát chặt chẽ quy trình khai thác giúp bảo vệ các loài cua, đồng thời cải thiện thu nhập của người dân       địa phương. VNS Ảnh: Công Thành

Mỗi thành viên của HTX chỉ được phép bắt 50 con cua, tương đương khoảng 8kg mỗi mùa, kéo dài từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 7, ông nói.

Ông Khanh cho biết HTX được thành lập để đảm bảo việc quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, vừa giúp người dân đảo tăng thu nhập vừa bảo vệ được môi trường tự nhiên.

HTX và 42 thành viên làm việc để đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên và chỉ các thành viên mới được phép khai thác Cua đá.

Quy định khai thác

Cua đá (Gecarcoidea lalandii) – một loài động vật giáp xác vỏ tím – đã trở thành một sản phẩm du lịch sinh thái, hỗ trợ sự phát triển bền vững của quần đảo Cù Lao Chàm.

Nằm ngoài khơi bờ biển miền trung Việt Nam, cách Phố cổ Hội An 20 km, Cù Lao Chàm – vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là nơi duy nhất trong cả nước đã giám sát và quản lý thành công việc đánh bắt loài Cua đá này.

Ông Khanh cho biết thêm, trong mùa sinh sản (từ giữa tháng Bảy đến tháng Mười), hoạt động khai thác bị cấm chính vì vậy mà du khách sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ con Cua đá nào tại chợ trên đảo.

Đến mùa khai thác, những người bắt Cua đá vào rừng lúc 18 giờ tối và ở lại qua đêm, với mỗi kg bán được 1,2 triệu đồng (tương đương 52 USD), đây là một khoản tiền đáng kể bên cạnhnguồn thu nhập thường xuyên đến từ việc khai thác thủy sản, các dịch vụ du lịch như xe ôm hoặc thuyền, hướng dẫn du lịch và lặn biển, ông giải thích.

Theo ông Khanh, có 25 thành viên của HTX đã được hưởng lợi từ khoản vay không lãi suất 150 triệu đồng (6.500 USD) do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) hỗ trợ cho công tác bảo tồn và khai thác bền vững Cua đá.

VNS Ảnh Công Thành – Lặn biển tại Cù Lao Chàm. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được xem là khu sinh thái đầu tiên ở VN – nơi ưu tiên hàng đầu cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững.

Quỹ này khuyến khích các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm khai thác Cua đá trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau.

Theo các chuyên gia từ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (KBTB), một con Cua đá mẹ có thể sinh sản lên đến 27.000 trứng mỗi năm, nhưng chỉ có 3% sống sót. Cua mẹ thường di chuyển từ trên rừng xuống biển trong bảy ngày để đẻ trứng. Cua con sau đó phải tìm cách quay trở lại rừng và sinh sản sau 16 năm. Ông Khanh cho biết một con Cua trưởng thành, có kích thước mai cua từ 7cm đến 12cm, cần 16 năm để phát triển trong tự nhiên với nguồn thức ăn phong phú.

Chuyên gia đa dạng sinh học của KBTB Cù Lao Chàm – Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh nói rằng việc thành lập HTX đã chấm dứt tình trạng khai thác cua đá quá mức và bất hợp pháp.

Ông cho rằng “Chỉ những người có tâm huyết mới có thể bảo vệ môi trường tự nhiên xung quanh họ. Quản lý dựa vào cộng đồng đã tạo ra những câu chuyện thành công và Cù Lao Chàm là một điển hình tuyệt vời về sự phát triển bền vững”. Việc quản lý cũng đã giúp nâng cao giá trị của “Thương hiệu” Cua đá trong những năm gần đây, mang lại lợi ích cho các nỗ lực bảo tồn.

Ông nói, Cộng đồng đã thành lập một đội bảo vệ và khai thác bền vững Cua đá, để giám sát việc khai thác quá mức và bất hợp pháp.

Theo báo cáo từ BQL KBTB Cù Lao Chàm, có khoảng 7.000 con cua được khai thác mỗi năm và 75% quần thể cua đá được bảo tồn.

TS. Chu Mạnh Trinh giải thích rằng việc khai thác Cua đá bền vững đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương trong tương lai, với tất cả những gì liên quan đến việc giảm khai thác quá mức và khai thác hàng loạt.

Cù Lao Chàm là nơi duy nhất tại Việt Nam có “Ngân hàng Cua đá” – Hòn Dài, một trong tám đảo nhỏ tại Cù Lao Chàm là nơi không được phép khai thác Cua đá.

Anh Nguyễn Văn Phong – một cán bộ của KBTB cho biết công tác bảo tồn Cua đá đang thu hút nhiều khách du lịch cùng với phong trào Nói không với túi ni lông được phát động từ năm 2009.

Theo anh Phong, người dân địa phương có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ việc cung cấp các dịch vụ như homestay, cho thuê xe máy, đưa khách đi tham quan đảo, lặn biển hoặc leo núi.

Ông Trần Quý Tây – cán bộ UBND xã Tân Hiệp cho biết, có ít nhất 40% người dân địa phương có thu nhập từ du lịch chứ không chỉ đơn thuần là khai thác thủy sản.

Cuộc sống của người dân đảo trước đây phụ thuộc vào việc khai thác thủy sản, tuy nhiên du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường đã thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng bền vững, TS. Chu Mạnh Trinh cho hay.

Những thách thức để giải quyết

VNS Ảnh Công Thành – Du khách tham quan Cù Lao Chàm trên các chuyến tàu từ đất liền của thành phố Hội An. Nơi đây được xem là một địa điểm du lịch sinh thái yêu thích ở Việt Nam vì thiên nhiên hoang sơ và môi trường được bảo vệ tốt.

Bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc KBTB Cù Lao Chàm cho biết du lịch đại trà là một trong những thách thức lớn đối với Cù Lao Chàm, hoạt động của một lượng lớn tàu thuyền đã đe dọa đến các hệ sinh thái phong phú tại đây. Lượng khách du lịch gia tăng kéo theo nhu cầu về hải sản cũng ngày càng tăng và sẽ dẫn đến việc đánh bắt quá mức ngoài khơi.

Bà Thúy nhớ lại, trong giai đoạn từ năm 2009 – 2018 một diện tích lớn thảm cỏ biển bị phá hoại nghiêm trọng khi lượng khách du lịch đã tăng lên gấp 20 lần kể từ năm 2009.

Bà cho biết chỉ trong hơn 10 năm qua đã có khoảng một trăm nhà hàng, cửa hàng, đại lý hải sản và dịch vụ homestay xuất hiện tại đây, kết hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã phá hủy khoảng 102ha rừng đặc dụng (trong tổng số 1.500ha rừng).

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An được UNESCO công nhận vào năm 2009 với diện tích hơn 33,000 ha, trong đó có 1.500ha rừng nhiệt đới và 6.700ha diện tích mặt nước với hệ động, thực vật phong phú.

Cù Lao Chàm là địa phương duy nhất ở Việt Nam cấm sử dụng túi ni lông và phát động chiến dịch 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) kể từ năm 2011.

Ông Nguyễn Duy Khanh cho biết mỗi thành viên của hợp tác xã có thể kiếm được hơn 25 triệu đồng (1.000 USD) từ việc khai thác Cua đá được kiểm soát chặt chẽ.

HTX cũng đã trồng nấm và các loại cây trồng hữu cơ khác, tạo ra nhiều cơ hội cải thiện thu nhập cho các thành viên và giảm bớt việc khai thác quá mức nguồn lợi từ rừng và biển.

Biên dịch: Thùy Hương

Nguồn bài viết: vietnamnews.vn