Lãnh đạo thành phố Hội An đến thăm, tặng quà và chúc mừng Tập thể Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhân kỷ niệm “Ngày sinh quyển thế giới 03/11/2021-2023”

Sáng ngày 01/11/2023, Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiếp đón các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban thường vụ thành ủy, thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hội An đến thăm, tặng hoa – quà và chúc mừng tập thể Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (KBTB) nhân kỷ niệm Ngày sinh quyển thế giới 03/11/2021-2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, UV.BTV thành ủy, PCT.HĐND thành phố và đồng chí Nguyễn Thế Hùng, UV.BTV thành ủy, PCT.UBND thành phố tặng hoa và quà cho đại diện BTK.KDTSQ và BQL.KBTB Cù Lao Chàm

Được biết, tại kỳ họp lần thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã thống nhất chọn ngày 03 tháng 11 hàng năm là “Ngày sinh quyển thế giới” nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. Đây là sự kiện quan trọng để tuyên truyền sâu rộng cho toàn xã hội về vai trò của KDTSQ đối với đời sống và sinh kế con người; kêu gọi các sáng kiến và hành động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện các sinh kế bền vững cho cộng đồng trên toàn cầu và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu phát triển bền vững ở tất cả các quốc gia. Việc chọn “Ngày sinh quyển thế giới” một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh đa dạng sinh học chính là nền tảng để con người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu về khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân, qua đó giữ gìn hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau.

KDTSQ là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy thực hiện các giải pháp hài hòa việc bảo tồn và phát triển. Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới KDTSQ phát triển rộng khắp trên toàn các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Việc các KDTSQ được công nhận, không chỉ được thừa nhận các giá trị nổi trội về thiên nhiên và đa dạng sinh học, mà còn tạo cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững, thu hút đầu tư phát triển, hợp tác và sự tham gia của các bên liên quan đối với các quốc gia.

Tại Việt Nam, KDTSQ Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành KDTSQ đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2000, đây là sự kiện đầy ý nghĩa và đã ghi dấu mốc Việt Nam tham gia mạng lưới KDTSQ thế giới và nền tảng phát triển KDTSQ. Trong suốt 23 năm qua, hệ thống KDTSQ Việt Nam đã được phát triển, mở rộng, đến nay Việt Nam có tổng số 11 KDTSQ đã được UNESCO công nhận, trở thành quốc gia có số lượng KDTSQ lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia. Các KDTSQ tại Việt nam được phân bổ trải dài từ đồng bằng sông Hồng tới đồng bằng sông Cửu Long và chiếm tổng diện tích 4,8 triệu ha, tương đương với 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước.

Tại lễ Mítting hưởng ứng “Ngày sinh quyển thế giới” tổ chức tại KDTSQ Quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, chính sách và hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ quản lý các KDTSQ đã từng bước được thiết lập. Việc tăng cường hiệu quả quản lý các KDTSQ là một nhiệm vụ được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường các KDTSQ. Tại các KDTSQ, đã có nhiều sáng kiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được thực hiện và lan tỏa trong mạng lưới các KDTSQ và góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác do đại dịch COVID-19 gây ra, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chính các KDTSQ là những “phòng thí nghiệm thiên nhiên” để chúng ta áp dụng cách tiếp cận toàn cầu, các phương thức, giải pháp mới nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững”.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP thường trú tại Việt Nam, chia sẻ tại Lễ kỷ niệm: “Các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của các KDTSQ. Hưởng ứng Ngày quốc tế về KDTSQ, chúng tôi kêu gọi các hành động đồng bộ, phối hợp đa bên để bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cũng như cần ưu tiên xem xét các nhu cầu của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì cách tiếp cận cảnh quan và tăng cường hấp thụ khí nhà kính để đạt được mục tiêu trung hòa Các-Bon vào năm 2050 mà cộng đồng quốc tế đặt ra”.

Đối với KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận ngày 26/5/2009 dựa trên nền tảng sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của thành phố Hội An. Nơi thể hiện sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. KDTSQ được duy trì, phát triển bền vững từ khi được công nhận đến nay là dựa trên nguyên lý: “Bảo tồn cho phát triển và Phát triển để bảo tồn“.

Lễ đón nhận bằng công nhận “Cù Lao Chàm Khu dự trữ sinh quyển thế giới”

Tại hội thảo nâng cao hiệu quả quản lý KDTSQ (nằm trong khuôn khổ dự án BR) sáng 27/9/2023 tại khách sạn Le Pavillon phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Việt nam phát biểu: “Trong thời gian qua, mạng lưới các KDTSQ ở Việt Nam liên tục được mở rộng, hiện nay đã có 11 KDTSQ được công nhận, là nước thứ 2 có số lượng KDTSQ nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An là KDTSQ duy nhất của Việt Nam có giá trị đa dạng sinh học cao, đặc biệt là vừa có giá trị đa dạng sinh học biển và vừa có giá trị văn hóa cao với khu phố cổ Hội An. Được công nhận danh hiệu KDTSQ thế giới không chỉ là niềm tự hào, mà còn thể hiện trách nhiệm của quốc gia và địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của KDTSQ, tạo các cơ hội để tăng cường hợp tác và thúc đẩy các giải pháp, sáng kiến nhằm bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, đóng góp vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Đặc biệt, từ năm 2019, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã triển khai dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào phát triển kinh tế xã hội và quản lý các KDTSQ ở Việt Nam” (gọi tắt là Dự án BR) với sự tham gia của 3 KDTSQ Đồng Nai, Cù Lao Chàm – Hội An và Tây Nghệ An. Dự án hỗ trợ cho KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An triển khai các hoạt động: “Đánh giá tổng thể tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học”; “Xây dựng các văn bản quản lý KDTSQ”; “Thực hiện mô hình sinh kế, phục hồi rừng, truyền thông, xây dựng năng lực thông qua đào tạo tập huấn, học tập trao đổi kinh nghiệm” …vv.

Trong bối cảnh toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu ảnh hưởng sâu rộng tới phát triển bền vững, cách tiếp cận quản lý KDTSQ là một trong những phương thức quan trọng nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học, gắn với sinh kế và đời sống của người dân. “Chúng tôi đánh giá cao những kết quả đạt được của KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trong thời gian qua trong việc quản lý KDTSQ nói chung và thực hiện Dự án BR nói riêng và mong muốn KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian tới”.

KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Có thể nói, danh hiệu KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là sự ghi nhận của thế giới về những nỗ lực vượt bậc trong thời gian dài của người dân, các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, giáo dục và các cấp chính quyền thành phố Hội An trong công tác bảo tồn và phát triển những tài sản, giá trị của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu.

Bản đồ phân vùng chức năng Khu DTSQTG CLC-HA năm 2019 (Nguồn: BQL KDTSQ Cù Lao Chàm Hội An)

Trong suốt quá trình gần 15 năm hoạt động, KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong và ngoài nước, tạo được niềm tin, sự yêu mến của du khách và bạn bè quốc tế, điều này đã tạo thêm động lực cho người dân cũng như chính quyền thành phố quyết tâm hơn trong việc xây dựng Cù Lao Chàm (Xanh – Sạch – Đẹp) cả về cảnh quan tự nhiên và con người, giàu có về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, tương xứng với tầm vóc của một khu vực được công nhận cấp quốc tế.

Sau gần 15 năm mở cửa đón khách, vùng lõi KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đã đón 3.259.979 lượt khách đến tham quan, học tập, nghĩ dưỡng, trong đó có 541.564 lượt khách quốc tế, thu về cho ngân sách Nhà nước 147.678.375.000 VNĐ (doanh thu từ nguồn phí tham quan vùng lõi KSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An).

Hoạt động tại Lễ kỷ niệm 05 năm Khu DTSQTG Cù Lao Chàm được công nhận

Ông Nguyễn Thế Hùng, PCT.UBND thành phố Hội An đề nghị BTK.KDTSQ và BQL.KBTB Cù Lao Chàm tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua và tiếp tục tham mưu lãnh đạo thành phố tổ chức duy trì các hoạt động nhằm thực hiện tốt 03 chức năng và 07 tiêu chí của KDTSQ thế giới.

Ông Nguyễn Thế Hùng, PCT.UBND thành phố phát biểu trong buổi gặp mặt

Ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng BTK.KDTSQ, thay mặt BTK cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hội An đối với BTK.KDTSQ nói riêng, BQL.KDTSQ và BQL.KBTB Cù Lao Chàm nói chung trong suốt thời gian qua. Và ông cũng nhấn mạnh: “KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO và cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên trong sự gắn kết chặt chẽ với tài nguyên nhân văn. Tuy nhiên, vẫn còn đó quá nhiều khó khăn và thách thức từ thiên nhiên và chính từ hoạt động của con người. Một số bài học kinh nghiệm về đề xuất cải thiện, nâng cao hiệu quả quản lý và điều phối tại KSDTQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trong năm 2023 và các năm tiếp theo cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo và thống nhất từ trung ương đến địa phương, cụ thể:

– Đề nghị Bộ Tài Nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam NATCOM (Bộ Ngoại Giao) cần có sự thống nhất và phân công quản lý đầu mối đối với các KDTSQ của Việt Nam. Từ đó, ổn định tổ chức của Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB Việt Nam) để thực hiện hiệu quả vai trò, chức năng điều phối hoạt động của mạng lưới mạng lưới các KDTSQ.

– Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam cần xác định vai trò trọng tâm của vùng cửa sông Thu Bồn trong Quy hoạch mạng lưới các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

– UBND thành phố Hội An tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa kế hoạch lồng ghép chiến lược bảo tồn và phát huy danh hiệu KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trong kế hoạch và hoạt động của đơn vị. Đồng thời tăng cường sự tham gia, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương và các thành viên trong BQL.KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

– Doanh nghiệp và người dân cần tăng cường chấp hành luật pháp, các qui định về bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong hoạt động sinh kế.

– Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển cần có hướng dẫn, định hướng các KDTSQ Việt Nam áp dụng mô hình Tư duy hệ thống – Qui hoạch cảnh quan – Điều phối liên ngành – Kinh tế chất lượng (SLIQ) cũng như áp dụng Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý/điều phối của các KDTSQ Việt Nam (thuộc kết quả Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia) và xúc tiến áp dụng thí điểm khung quản lý các KDTSQ Việt Nam (thuộc nội dung nghiên cứu của Đề tài cấp quốc gia đang thực hiện) cũng như thực hiện Chương trình hành động LIMA và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã cam kết./.

Ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng BTK.KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An phát biểu trong buổi gặp mặt

Lê Công Tuấn – BQL Khu BTB CLC