Khu dự trữ sinh quyển thế giới CLC-Hội An 10 năm bảo tồn phát triển
Tóm tắt.
Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju – Hàn Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới (MAB) của UNESCO đã chính thức công nhận Cù Lao Chàm – Hội An trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 8 của Việt Nam, hòa vào mạng lưới 686 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại 122 quốc gia tính đến năm 2019. Có thể nói, đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những nỗ lực vượt bậc của người dân, chính quyền, các nhà khoa học, lực lượng doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn – là tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu. Sau 10 năm vận hành với nhiều khó khăn, thách thức từ thiên nhiên và con người, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An không những đáp ứng được các yêu cầu của UNESCO thông qua 7 tiêu chí, thực hiện tốt 3 chức năng của một Khu sinh quyển thế giới mà danh hiệu này còn hỗ trợ đắc lực cho thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trong việc thu hút du khách thập phương, phát triển sinh kế người dân, góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng thành phố Hội An theo định hướng Sinh thái – Văn hóa – Du lịch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hình 1: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chuyển trao bằng công nhận KSQ cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An
Giá trị nổi trội của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An: Tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu
Trải dài từ phố cổ Hội An – vùng hạ lưu sông Thu Bồn, qua hệ thống kênh rạch tự nhiên, các bãi biển đến tận hải đảo, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (KSQ) có đại diện đầy đủ các kiểu hệ hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng vùng ven bờ như: Hệ sinh thái (HST) rạn san hô; HST thảm cỏ biển, HST thảm rong biển, HST rừng ngập mặn (chủ yếu là rừng dừa nước); HST vùng cửa sông; HST đất ngập nước; HST vùng triều bờ đá; HST bãi biển, HST rừng thường xanh nhiệt đới…vv. Các HST này được trải dài dọc theo các nhánh sông, vùng ven biển ra đến quần đảo Cù Lao Chàm đã bao bọc lấy Hội An, mang lại cho vùng đất này sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, tạo ra các dịch vụ sinh thái, là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Những giá trị độc đáo và đặc trưng nhất của KSQ được coi là tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu đó là: Khu Phố cổ Hội An – Di sản văn hóa (UNESCO công nhận năm 1999); Rừng nguyên sinh trên đảo Cù Lao Chàm (được công nhận rừng đặc dụng từ năm 2018); Rừng dừa nước hạ lưu sông Thu Bồn (được công nhận rừng phòng hộ năm 2018); Các làng quê sinh thái Cẩm Thanh, Cẩm Kim, xã đảo Tân Hiệp; Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm (thành lập năm 2003, thuộc hệ thống các KBTB quốc gia); Các làng nghề truyền thống (mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, Tre-dừa Cẩm Thanh, rau Trà Quế, Yến Sào Cù Lao Chàm…vv)…vv. Tất cả đã tạo nên một Hội An với đặc điểm lịch sử và địa lý nhân văn hết sức riêng biệt mà không nơi nào có thể sánh được. Với lịch sử lâu đời, Hội An chính là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, các học giả cho rằng: “Hội An chính là hội thủy – hội nhân” [10]. Thành phố nhỏ bé bên bờ sông Hoài, trông ra biển khơi với quần đảo Cù Lao Chàm án ngữ cửa ngõ phía Đông, địa danh còn nổi tiếng thời vương quốc Cham-Pa trước cả cảng thị Hội An, đây là điểm dừng chân quan trọng của thương thuyền quốc tế, điểm kết nối giữa “con đường tơ lụa” và “con đường gốm sứ” nổi tiếng trong lịch sử hàng hải thế giới [6]. Có thể nói, Hội An là một biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ của một thường cảng quốc tế đặc trưng của vùng Đông Nam Á và các giá trị ấy được bảo tồn một cách nguyên vẹn, chu đáo cho đến ngày nay.
Đặc biệt, nhìn từ lịch sử hình thành cảng thị Hội An sầm uất thế kỷ XV-XIX, trải qua bao nhiêu giai đoạn, chứng kiến bao nhiêu sự thay đổi, thành phố có lúc phát triển phồn thịnh, rực rỡ, có lúc thoái trào, suy vong nhưng một điều bất biến đó là người dân luôn nương tựa vào thiên nhiên để làm ăn sinh sống, định hướng chiến lược của thành phố từ ngàn xưa cho đến bây giờ luôn phát triển dựa trên nền tảng kiến tạo tự nhiên – món quà vô giá thiên nhiên đã ưu ái ban tặng và được các bậc tiền nhân dày công gìn giữ để bây giờ nó là tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu. Chính từ lẽ đó, KSQ được UNESCO đánh giá là một minh chứng điển hình, rõ nét về sự giao thoa, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, đúng như tôn chỉ của UNESCO thông qua tên gọi Ủy ban Con người và Sinh quyển (Man and Biosphere – MAB) [4].
Những nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị nổi trội của Khu sinh quyển
Với những nỗ lực của địa phương và các bên liên quan từ chính quyền, nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng cư dân, sau 10 năm được UNESCO công nhận, KSQ đã cơ bản hình thành bộ máy, cơ chế quản lý và điều phối các hoạt động theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa ngành nghề, đa mục tiêu; tiếp cận hệ sinh thái, lưu vực sông; tiếp cận theo mô hình tư duy hệ thống, qui hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành, kinh tế chất lượng (Mô hình SLIQ) [4]…vv nhằm bảo tồn và phát huy tốt các giá trị đặc trưng nổi trội của KSQ, phục vụ chiến lược phát triển của địa phương và đáp ứng sự kỳ vọng của UNESCO.
Hình 2: Mô hình tiếp cận bảo tồn và phát huy giá trị KSQ [3]
Sau 10 năm, những tài sản quí giá nhất của KSQ đã được bảo tồn một cách tích cực, mang lại lợi ích cụ thể thông qua các mô hình sinh kế bền vững của người dân trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện qua diễn thế phân bố, sức khỏe các HST cả trên cạn và dưới nước trong KSQ trong 10 năm 2009-2019 như sau:
(1) Diễn thế các HST theo chiều hướng tích cực
Ngoài các HST cơ bản, ít biến động như HST vùng triều bờ đá, vùng triều bờ cát, diễn thế các HST quan trọng trong KSQ sau 10 năm thể hiện một sự thành công lớn trong việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hội An:
@ Rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm: Theo hồ sơ đề cử KSQ (2008) tính đến năm 2006, rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm được ghi nhận có nhiều cây gỗ quý, nhiều loài có giá trị khoa học. Từ độ cao 100m trở xuống, đã ghi nhận có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao có mạch, 1/20 tổng số loài, 1/6 tổng số chi và tổng số họ của thực vật Việt Nam. Trong đó có hơn 288 loài cây thuốc nam (Những loài dược liệu quí như Hoàng Nam, cỏ Xước, Bách Lộ, Lạc Tiên, Mã Đề và một số loài trong họ Gừng …vv) xen lẫn trong những cánh rừng thường xanh với những cây cổ thụ như Gõ mật, Lim xanh, Dầu lôn, Chò nâu, Huỷnh, Bời lời đỏ hàng trăm năm tuổi [10].
Trong 10 năm, KSQ luôn tổ chức các nghiên cứu nhằm tiếp tục cập nhật, bổ sung dữ liệu đa dạng sinh học rừng Cù Lao Chàm. Các nghiên cứu cho đến nay (2019) đã xác định được rừng Cù Lao Chàm cũng là nơi cư trú của 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, nhiều loài quý hiếm như Lan Nhung, Trầm Hương. Đặc biệt, đã phát hiện tại Cù Lao Chàm có nhiều loài trong sách đỏ của Việt Nam và IUCN. Riêng năm 2017, Cù Lao Chàm đã bổ sung 01 loài rắn mới vào danh mục của thế giới với tên khoa học Oligodon culaochamensis. Bên cạnh đó, có 6 cây quý ở Cù Lao Chàm gồm: 3 cây Cây ngô đồng đỏ; 1 cây Nánh, 1 cây Kén; 1 cây Đa đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản” năm 2014 [2].
@ Rạn san hô: Kết quả khảo sát Đa dạng sinh học (ĐDSH) trong KSQ năm 2017 tích hợp nghiên cứu trước đây đã ghi nhận có 311 loài san hô, trong đó có 292 loài thuộc 23 họ san hô cứng tạo rạn phân bố trên diện tích khoảng 356 hecta. Đây là nơi ẩn nấp, bắt mồi, sinh trưởng, sinh sản để duy trì và phát triển nguồn lợi của rất nhiều loài thủy hải sản như cá, giáp xác, nhuyễn thể, da gai…vv. Thêm vào đó, có 88 loài thuộc 33 họ rong lớn, 113 loài thuộc 38 họ trong ngành thân mềm, trên 11 loài thuộc 8 giống và 7 họ dai gai kích thước lớn, 171 loài thuộc 39 họ, chiếm 64% trong tổng số 267 loài của 54 họ cá rạn [5]. Nhìn chung, giai đoạn 2009 – 2019, diện tích rạn san hô ở vùng lõi KSQ chỉ giảm khoảng 0,8 ha ở khu vực Bãi Hương do bị san lấp và phá hủy bởi công trình cầu tàu.
@ Thảm cỏ biển: Số liệu khảo sát năm 2017, có khoảng 60 ha, trong đó khu vực hạ lưu sông Thu Bồn có 43 ha và Cù Lao Chàm có 17 ha. Ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn, thảm cỏ biển chủ yếu tập trung ven các cồn bãi (Gò Hí) bên ngoài rừng dừa nước ở Cẩm Thanh. Diện tích thảm cỏ biển cũng bị thu hẹp theo thời gian, đáng kể nhất ở khu vực Cù Lao Chàm giảm từ khoảng 50 ha trong năm 2004 xuống 37,1 ha trong năm 2008 và 17 ha vào năm 2016 (giảm 33 ha, tương đương 66%), đặc biệt tại các khu vực Bãi Ông và Bãi Hương gần như bị vùi lấp hoàn toàn và chỉ còn một số đốm nhỏ rãi rác nên không hình thành thảm cỏ biển. Ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn giảm tương đối ít từ 44,6 ha trong năm 2004 và 2008 xuống còn 43 ha vào năm 2016, tức chỉ giảm 1,6 ha [5].
@ Thảm rong biển: Cùng với san hô, quần xã rong biển tại Cù Lao Chàm phân bố gần với các rạn san hô, chúng sống chủ yếu trên các tảng đá, rạn ngầm, vách đá từ vùng triều đến vùng dưới triều ở độ sâu khoảng 4m. Tại đây đã phát hiện có 76 loài rong biển kích thước lớn, phổ biến nhất là phân bố của 7 loài rong mơ, chúng bắt đầu mọc từ tháng 1 và tự tàn lụi vào tháng 7-8 [5]. Các thảm rong biển cũng là nơi trú ẩn, bắt mồi và quan trọng nhất đây chính là các giá thể để các loài thủy sản đẻ trứng, sau một thời gian trứng nở ra ấu trùng và phát triển thành con non và chúng cũng chỉ sống quanh quẩn tại các thảm rong biển trước khi vươn ra các vùng môi trường rộng lớn hơn.
@ Rừng ngập mặn hạ lưu sông Thu Bồn: Có khoảng 117 ha, tập trung chủ yếu ở rừng dừa nước của xã Cẩm Thanh (81,5 ha). Phần diện tích nói trên không gồm khoảng 26 ha rừng dừa nước mới trồng.
Hình 3: Diễn biến diện tích phân bố dừa nước tại Cẩm Thanh [9]
@ Hệ sinh thái vùng triều bờ đá: Quần đảo Cù Lao Chàm là trung tâm đa dạng sinh học không chỉ dưới biển, nơi đang sở hữu các HST rạn san hô và thảm cỏ biển mà còn cả rừng thường xanh với tính đa dạng sinh học rất cao trên các đảo. Các HST trên rừng và dưới biển không tồn tại độc lập mà giữa chúng có tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau bằng mối liên kết sinh thái thông qua các bãi biển và vùng triều bờ đá. Nơi đây cũng chính là sinh cảnh quan trọng của các loài giáp xác và nhuyễn thể, có thể kể đến các quần thể ốc vú nàng, ốc vú sao, các loài giáp xác…vv. Đến mùa sinh sản, loài cua đá (Gecarcoidea lalandii) di cư từ các cánh rừng trên đảo đến các vùng triều bờ đá để đẻ trứng, phóng thích ấu trùng vào nước biển; với tập tính đặc biệt này, cua đá không những là tài nguyên quan trọng đối với sinh kế của người dân xã đảo mà còn là sinh vật chỉ thị cho chất lượng và mối liên kết HST rừng – biển tại đảo Cù Lao Chàm [3].
Như vậy có thể thấy, KSQ quản lý tài nguyên, cụ thể là bảo tồn các HST trên cạn và dưới nước, chính là bảo đảm, duy trì tính liên kết giữa chúng thông qua HST vùng triều bờ đá theo phương thức tiếp cận từ đỉnh núi đến rạn san hô (Ridge to Reef – 2R) để các HST này tồn tại, phát triển và cung cấp các dịch vụ HST một cách hiệu quả và bền vững.
@ Hệ sinh thái cồn nổi trên sông, ven biển: Với diện tích tự nhiên chỉ vào khoảng 61 km2 nhưng có đến 21% là diện tích các thủy vực [8], địa hình tự nhiên của thành phố Hội An bị chia cắt bởi nhiều sông rạch đã tạo nên hệ thống cồn – bàu liên tục xen kẽ nhau như Bàu Tràm, Bàu Súng, Bàu Rêu, Bàu Sấu, Bàu Ốc, Cồn Phi, Cồn Giác, Bãi Bà Mau, Cồn Bắp, hệ Cồn Nổi Cẩm Nam (cồn hến), cồn Ba Xã, Cồn Ông Hơi, Cồn Thuận Tình, gò Hí…vv. Theo kết quả khảo cổ học cho thấy các cư dân cổ qua các thời kỳ văn hóa đều dựa vào cồn – bàu ven sông để cư trú, sinh sống. Vì thế, các nhà khoa học gọi văn hóa Hội An là “Văn hóa cồn bàu” [8].
Do áp lực và nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố, hầu hết các khu vực này đã và sẽ nằm trong khu vực các dự án đã được cấp phép. Một điều chắc chắn là tính “hoang sơ” là các giá trị đặc trưng của KSQ sẽ mất dần. Địa hình cồn bãi bị biến động, dẫn tới sự thay đổi hàng loạt các yếu tố như: lớp thổ nhưỡng, lớp phủ sinh vật, lớp trầm tích bề mặt…vv dẫn đến sự thay đổi nguồn nước và các điều kiện vi khí hậu. Đơn cử, khi các thảm thực vật bề mặt tại các bãi biển mất, diễn thể địa chất, địa mạo, thổ nhưỡng sẽ diễn ra như qui luật trên và hậu quả sẽ là giảm vai trò phòng hộ và gây nên tác động bồi lắng tại cửa sông và là một trong những tác nhân gây xói lở tại bãi biển.
Trong khi đó, vòng đời của đa số các loài thủy sản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và diễn thế của hệ thống cồn bãi tự nhiên. Sự tác động và can thiệp vào cấu trúc của hệ thống cồn bãi tự nhiên này ở mức độ như thế nào, qui mô và tính chất ra sao vẫn đang là mối quan tâm không chỉ của giới khoa học mà cũng là mối quan ngại của lãnh đạo, chính quyền và người dân Hội An.
@ Hệ sinh thái nông nghiệp: Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp trực tiếp như lúa, hoa màu, rau xanh, hoa, cây cảnh thì các khu vực canh tác nông nghiệp của thành phố Hội An còn có giá trị tạo cảnh quan sinh thái, điều hòa môi trường, cung cấp cơ sở cho các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp. Trong 10 năm qua, thành phố đã nỗ lực không chỉ bảo vệ mà còn phát triển các HST nông nghiệp thông qua đề án phát triển KTXH của các khu vực nông thôn đặc thù như: Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà và xã đảo Tân Hiệp, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (ORGANIC). Định hướng của thành phố là ưu tiên bảo tồn diện tích đất phi đô thị, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch gắn với các làng nghề truyền thống để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, tăng giá trị dịch vụ trên đất nông nghiệp.
@ Các hệ sinh thái khác: Ngoài những HST nêu trên, KSQ còn chứa đựng những HST quan trọng khác như HST sông, HST cửa sông, HST đất ngập nước…vv rất cần thiết trong việc ổn định cuộc sống người dân và đặc biệt góp phần vào quá trình duy trì tính liên kết giữa các HST, đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Hay nói cách khác, KSQ là nơi thực nghiệm các mô hình phát triển dựa trên nền tảng bảo tồn tính liên kết giữa các HST để chúng cung cấp các dịch vụ HST, phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Hội An.
Như vậy, thành phố Hội An đang phát triển kinh tế – xã hội mà chủ yếu là kinh tế du lịch và dịch vụ chủ yếu dựa trên nền tảng cảnh quan sinh thái, không gian văn hóa, các giá trị đa dạng sinh học hài hòa cùng với kho tàng tri thức bản địa. Tất cả những giá trị trên đều được cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp từ các HST của KSQ. Do đó, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các HST là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của KSQ.
(2) Tài nguyên nhân văn được bảo tồn và phát huy
Song hành với việc bảo tồn các giá trị tài thiên nhiên, công tác quản lý, đầu tư tu bổ di tích được quan tâm thực hiện thường xuyên. Các hoạt động bảo tàng, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, hội thảo khoa học cũng được chú trọng. Đặc biệt là đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Địa chí Hội An”, xây dựng các hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú; tổ chức tốt các cuộc tham vấn, hội thảo khoa học, qua đó góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa Phố cổ Hội An [6].
Thành phố tập trung tổ chức định kỳ nhiều sự kiện văn hóa có tầm ảnh hưởng lớn, điển hình như sự kiện “Đêm phố cổ”, “Festival Di sản Quảng Nam”, “Liên hoan ẩm thực Quốc tế”, “Hội thi Hợp xướng Quốc tế”, “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản”, “Festival tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam – Thế giới”…vv. Đặc biệt là tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Hội An năm 2017 [6].
Những thách thức đang ở phía trước
Tài nguyên quan trọng của KSQ chính là giá trị cảnh quan sinh thái, tính đa dạng sinh học và giá trị văn hóa lịch sử của địa phương. Giá trị nổi bậc của KSQ chính là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Tuy nhiên tài nguyên và những giá trị của KSQ đang đứng trước những khó khăn và thách thức rất lớn:
(i) Vấn đề ô nhiễm: Cảnh quan, các HST và tính ĐDSH tại KSQ đang bị tác động nặng do nguồn nước bị ô nhiễm từ hoạt động dân sinh, các công trình xây dựng và ảnh hưởng từ lưu vực sông và các dòng hải lưu ven bờ.
(ii) Áp lực từ du khách: Sự gia tăng nhanh chóng số lượng và nhu cầu sử dụng thực phẩm, các dịch vụ HST của khách đến KSQ, gây áp lực rất lớn đến môi trường, sức khỏe các HST. Trong lúc cơ sở hạ tầng, năng lực của doanh nghiệp và cộng đồng chưa nâng cao tương ứng thì sự gia tăng đột biến số lượng du khách là một thách thức đáng kể đối với môi trường, tài nguyên và các giá trị nổi trội của KSQ.
(iii) Sự bất cập, chưa hòa hợp giữa các mục tiêu chiến lược của thành phố: Quần đảo Cù Lao Chàm được ghi nhận có tính ĐDSH cao cả trên rừng và dưới biển. Các HST và tính ĐDSH ở đây có mối liên kết sinh thái rất mật thiết từ đỉnh núi, qua các cánh rừng, đến vùng triều bờ đá/bãi biển cho đến các rạn san hô, thảm cỏ biển dưới đáy đại dương. Tuy nhiên, sự liên kết này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các con đường bao quanh đảo cũng như các công trình xây dựng trên đảo. Đất đá, chất thải công trình theo dòng chảy tích tụ và gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các rạn san hô và thảm cỏ biển xung quanh đảo. Vùng sinh cư của các loài bị thu hẹp, đường di cư sinh sản và chu kỳ vòng đời của chúng bị phân cắt. Vùng cửa sông, nơi có các các bãi đẻ và ươm giống của nhiều loài thủy sản, trong đó có rất nhiều loài có quan hệ quần thể với nguồn lợi thủy hải sản tại quần đảo Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, vùng cửa sông đang chịu áp lực ngày một lớn từ việc đầu tư các công trình cứng và cơ sở hạ tầng trong lưu vực. Thực trạng này đã và sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái, mất tính hoang sơ, thay đổi dòng chảy, suy giảm lượng bùn cát, giảm khả năng kiểm soát chất lượng môi trường của rừng ngập mặn, cắt đứt mối liên kết sinh thái/quần thể trong KSQ, lưu vực sông cũng như vùng bờ ven biển duyên hải miền Trung.
(iv) Tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu: Bão tố, lũ lụt, hiện tượng nước biển ấm lên và những tác động khác của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên và các giá trị của KSQ. Trầm tích, sự ngọt hóa và ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân gây ra hiện tượng tấy trắng san hô (Coral bleaching) và làm chết nhiều thảm cỏ biển. Hiện tượng sạt lở bờ sông, xói lở bãi biển đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch nói riêng, sinh kế người dân và tình hình KTXH của thành phố nói chung.
Thay cho lời kết
Nhìn tổng thể, sau 10 năm được UNSECO công nhận, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và các giá trị nổi trội của KSQ được bảo tồn và phát triển tốt. Đáng kể nhất là bảo tồn được 117 ha diện tích rừng dừa nước tại hạ lưu sông Thu Bồn. Rạn san hô được cộng đồng chung tay bảo tồn và phát triển. Các HST quan trọng được bảo tồn và phát triển là điều kiện tốt để duy trì tính ĐDSH. Quan trọng nhất là đã xác định được vòng đời, bãi đẻ, bãi ươm giống tự nhiên của nhiều loài thủy sản trong mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể giữa vùng cửa sông Thu Bồn và quần đảo Cù Lao Chàm. Đây chính là chìa khóa nhằm bảo tồn hiệu quả tính ĐDSH học và nguồn lợi thủy sản của KSQ nói riêng và hành lang đa dạng sinh học vùng duyên hải Trung Trung bộ nói chung.
Tuy nhiên, dưới tác động của thiên nhiên và áp lực phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2009 – 2016 đã làm thay đổi nhiều khá nhiều về chất lượng môi trường và sự tồn tại của các quần xã sinh vật trong KSQ. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng rộng khắp từ hệ thống cồn bãi tự nhiên, bùng nổ du lịch, khai thác thủy sản bằng các phương thức có tính hủy diệt, dòng nước ngọt kéo theo trầm tích và ô nhiễm từ lưu vực sông, sinh vật địch hại …vv đã gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô và làm mất đi khoảng 112,5 ha các sinh cảnh quan trọng gồm 77,1 ha dừa nước; 34,6 ha thảm cỏ biển và 0,8 ha rạn san hô, đặc biệt thảm cỏ biển ở Bãi Ông và Bãi Hương hầu như bị biến mất.
Nhìn về tương lai, định hướng lớn của thành phố là xây dựng Hội An trở thành Thành phố Sinh Thái – Văn Hóa – Du lịch với nguồn tài nguyên thiên nhiên – nhân văn được bảo tồn nguyên vẹn. Phố cổ vẫn giữ nguyên được nét cổ kính, các làng quê sinh thái yên bình, nhận thức con người về môi trường được nâng cao, sinh kế phát triển bền vững trên nền tảng của bảo tồn những giá trị nổi trội của Hội An. Đây là một viễn cảnh không xa và để đạt được mục tiêu này, chúng tôi thiết nghĩ rằng, việc lựa chọn cách tiếp cận phù hợp, phát huy nội lực và kêu gọi toàn xã hội cùng tham gia và thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp chiến lược đó là:
(1) Chiến lược truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.
Thực hiện chương trình truyền thông rộng khắp về giá trị, công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của KSQ đến đông đảo người dân, du khách, đặc biệt là doanh nghiệp, những người có ảnh hưởng rất quan trọng đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên trong KSQ; Tăng cường áp dụng, thực thi Quy chế quản lý KSQ trên phạm vi tỉnh Quảng Nam.
(2) Chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực.
Đào tạo kỹ năng truyền thông, giao tiếp ứng xử cho các đối tượng là hướng dẫn viên, thuyết minh viên và cộng đồng làm dịch vụ du lịch để phục vụ cho mục tiêu chung là phát triển du lịch sinh thái dựa trên nền tảng bảo tồn; Tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, các cuộc hội thảo về các cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả đối với việc vận hành KSQ;
(3) Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng Khoa học công nghệ.
Nghiên cứu áp dụng, triển khai các kết quả đề tài, dự án khoa học công nghệ vào thực tế quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững giá trị tài nguyên trong KSQ; Tiếp tục tìm nguồn đầu tư cho các dự án, đề tài khoa học trên các lĩnh vực ưu tiên như là: lượng hóa giá trị các HST, sức tải môi trường, du lịch sinh thái, bảo tồn tài nguyên, biến đổi khí hậu…vv; Kiểm kê, đánh giá tài nguyên rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm; Nghiên cứu qui hoạch quản lý sử dụng bền vững tài nguyên trong KSQ; Chương trình phát triển cacbon thấp; Nghiên cứu về tình trạng xói lở bãi biển rất nghiêm trọng tại Hội An.
(4) Chiến lược xây dựng luận cứ khoa học hỗ trợ cho công tác quản lý.
Các HST và tính ĐDSH trong KSQ là rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường, các yếu tố ngoại cảnh. Mọi sự thay đổi sẽ diễn ra theo nguyên lý kéo theo và tác động toàn diện lên tất cả nguồn tài nguyên. Việc quản lý tài nguyên thực chất chính là quản lý hành vi của con người gây nên sự thay đổi. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để xác định tính liên kết theo các qui luật tự nhiên và xây dựng nên các luận cứ khoa học là rất quan trọng phục vụ cho việc hoạch định các chính sách và định hướng lớn của KSQ và thành phố Hội An.
(5) Chiến lược phát triển sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề trọng tâm trong chiến lược của thành phố Hội An. Vệc khai thác tài nguyên phục vụ sinh kế tại các làng nghề cũng như các loại hình dịch vụ cần tính toán và có qui hoạch rõ ràng nhằm đảm bảo cung cấp nguyên liệu đồng thời không làm phương hại đến các giá trị tài nguyên mà KSQ đang nỗ lực bảo tồn. Đồng thời, nhanh chóng thực hiện chương trình phát triển nhãn hiệu chứng nhận KSQ cho các sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi KSQ. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển nông nghiệp sạch; giảm thiểu sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, phân loại và xử lý rác thải để giảm phát thải ra môi trường. Thông qua đó sẽ giúp khẳng định uy tín, nâng cao chất lượng, tăng giá trị thương hiệu KSQ, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động KSQ để phát triển kinh tế chất lượng trên nền tảng bảo tồn.
(6) Chiến lược giám sát, đánh giá tài nguyên.
Việc thường xuyên kiểm kê, đánh giá, giám sát tài nguyên, các giá trị nổi trội của KSQ là cơ sở, nền tảng của công tác bảo tồn. Thông qua đó, giúp các bên liên quan hiểu rõ về hiện trạng, các nguồn tác động để xây dựng các nhóm giải pháp và chương trình hành động cụ thể để bảo tồn và phát triển tài nguyên một cách bền vững.
Ngoài ra, các chiến lược quan trọng khác như: phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, quản lý cơ sở dữ liệu của KSQ, đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng cơ bản…vv cần được quan tâm thực hiện đồng bộ để thực hiện thành công mục tiêu xuyên suốt của KSQ và thành phố Hội An là xây dựng thành phố Hội An theo định hướng Sinh thái – Văn hóa – Du lịch theo nguyên tắc “Bảo tồn để phát triển và Phát triển cho bảo tồn”./.
Tài liệu tham khảo:
[1] BQL KSQ CLC-HA, 2015. Kế hoạch quản lý tổng hợp Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An giai đoạn 2015-2019, tầm nhìn 2030.
[2] BQL KSQ CLC-HA, 2017. Kết quả hoạt động giai đoạn 2009 – 2017, định hướng đến 2020. MAB Việt Nam, 2018
[3] Lê Ngọc Thảo, 2017. Tiếp cận và vận hành hiệu quả KSQ CLC – Hội An. Tuyển tập hội thảo quốc gia chương trình Con người và Sinh quyển MAB Vietnam 2017.
[4] Nguyễn Hoàng Trí, 2013. Áp dụng mô hình Tư duy hệ thống – Qui hoạch cảnh quan – Điều phối liên ngành và Kinh tế chất lượng (SLIQ) trong thiết lập và quản các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo “Áp dụng qui hoạch không gian biển và vùng bờ Việt Nam – Cách tiếp cận quản lý dựa vào hệ sinh thái. IUCN Việt Nam 2013.
[5] Nguyễn Văn Long và ctv, 2017. Điều tra và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng bền vững đối với tài nguyên đa dạng sinh học ở Khu DTSQ Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
[6] Phòng VHTT TP Hội An, 2018. Tổng hợp một số tư liệu thành tựu kinh tế – xã hội sau 10 năm thành lập thành phố Hội An 2008 – 2018.
[7] Thành ủy Hội An, 2018. Hội An 10 năm – Kế thừa và Phát triển bền vững. Đặc san kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Hội An (2008-2018).
[8] UBND thành phố Hội An, 2013. Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố Hội An đến năm 2020, tầm nhìn 2025.
[9] UBND xã Cẩm Thanh và BQL KSQ CLC-HA, 2018. Kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước và tài nguyên liên quan tại Cẩm Thanh – vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, giai đoạn 2018-2022, tầm nhìn 2030.
[10] UBND tỉnh Quảng Nam, 2008. Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới CLC-HA.
[11] Võ Thanh Sơn, 2018. Báo cáo đánh giá kiểm chứng Bộ tiêu chí và Quy trình giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí và Quy trình giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam”, Mã số: ĐTĐLXH, 13/15.
Lê Ngọc Thảo
Trưởng Ban Thư ký – Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An