Kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học rong biển Cù Lao Chàm

Khu hệ rong biển và đa dạng sinh học loài rong có vai trò rất quan trọng đối với các hệ sinh thái biển ven bờ. Các nghiên cứu đã chứng minh vai trò của khu hệ rong biển trong việc đảm bảo sự phát triển ổn định và đa dạng loài của các nhóm động vật biển sinh sống trong các hệ sinh thái. Trong đó, rong biển đóng vai trò như là nguồn dinh dưỡng sơ cấp, nơi sinh sản cho nhiều loài sinh vật, nơi ẩn nấu của các loài động vật nhỏ trước sự đe dọa của các nhóm động vật lớn săn mồi khác và cũng là nơi diễn ra các mối quan hệ dinh dưỡng quan trọng trong các lưới thức ăn, chuỗi thức ăn của các hệ sinh thái ven bờ. Ngoài ra, nguồn lợi rong biển đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trong trường hợp bảo tồn và khai thác hợp lý các nhóm rong có giá trị kinh tế.

Nhằm đánh giá và thiết lập bộ cơ sở dữ liệu về rong biển tại Cù Lao Chàm, trong năm 2019 và 2020, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với Viện Sinh học Nhiệt đới – VAST triển khai dự án “Nghiên cứu đa dạng sinh học rong biển Cù Lao Chàm”.

1. Địa điểm và thời gian nghiên cứu

Khảo sát được tiến hành 4 đợt trong năm 2019 gồm các tháng 3, 6, 9 và 12 với 16 điểm thu mẫu ở 6 đảo chính gồm: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Tai, Hòn Mồ, Hòn Lá và Hòn Khô (hình 1).

Hình 1. Bản đồ các điểm thu mẫu rong biển Cù Lao Chàm

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Điều tra thực địa:

Tại mỗi điễm khảo sát, tiến hành thu thập mẫu rong cả vùng trên triều, vùng gian triều và dưới triều bằng thiết bị lặn SCUBA và Snorkeling. Hình ảnh khảo sát được ghi nhận bằng máy chụp hình OLYMPUS (Nhật bản), Tọa độ bằng GPS Garmin 76CSX.

2.2. Phân loại rong:

– Phương pháp hình thái học

– Phương pháp sinh học phân tử

3. Kết quả

3.1. Đa dạng thành phần loài rong biển Cù Lao Chàm

Kết quả điều tra về đa dạng sinh học khu hệ rong biển Cù Lao Chàm đã xác định được 101 thuộc 3 ngành trong 18 bộ của 30 họ thuộc 50 chi. Trong đó rong đỏ chiếm số lượng loài nhiều nhất với 42 loài; rong lục có số lượng loài là 34 loài và rong nâu có số lượng loài là 25 loài.

Về thành phần loài rong theo các đảo khảo sát, nghiên cứu đã ghi nhận được 73 loài rong ở Hòn Lao, 36 loài ở Hòn Dài, 33 loài ở Hòn Tai, 30 ở Hòn Mồ, 34 loài ở Hòn Lá và Hòn Khô. (hình 2)

Hình 2. Cấu trúc thành phần loài rong theo các đảo ở Cù Lao Chàm

3.2. Đặc điểm phân bố rong biển Cù Lao Chàm

Kết quả phân tích đa dạng thành phần loài rong biển theo khu vực phân bố được thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1. Số lượng loài rong biển tại 16 điểm khảo sát

Về số lượng loài, điểm CLC1, CLC5, CLC9, CLC16 là các điểm có số loài nhiều nhất với trên 24 loài mỗi điểm.

Về cấu trúc phân bố các nhóm rong có sự khác nhau giữa các điểm (hình 3, hình 4).

Rong đỏ: Các điểm khảo sát có số lượng rong đỏ cao là điểm CLC1 với 17 loài chiếm 40.5% số lượng loài rong đỏ và 50% tổng số lượng loài của điểm mẫu, điểm CLC3 với 13 loài chiếm 56.5% số lượng loài rong đỏ và 31% tổng số lượng loài của điểm mẫu, điểm CLC16 với 11 loài chiếm 26 % số lượng loài rong đỏ và 39 % tổng số lượng loài của điểm mẫu.

Rong Nâu: Các điểm khảo sát có số lượng rong nâu cao là điểm CLC1 với 10 loài chiếm 40% số lượng loài rong nâu và 29.4% tổng số lượng loài của điểm mẫu, điểm CLC9 với 9 loài chiếm 36% số lượng loài rong nâu và 36% tổng số lượng loài của điểm mẫu, điểm CLC7 với 9 loài chiếm 36% số lượng loài rong nâu và 47.4% tổng số lượng loài của điểm mẫu và điểm CLC10 có 10 loài chiếm 40% số lượng loài rong nâu và 50% tổng số lượng loài của điểm mẫu.

Rong Lục: Các điểm khảo sát có số lượng rong lục cao là điểm CLC9 với 9 loài chiếm 26.5% số lượng loài rong lục và 36% số lượng loài của điểm mẫu, điểm CLC13 với 10 loài chiếm 29.4% số lượng loài rong lục và 50% số lượng loài của điểm mẫu, điểm CLC14 với 13 loài chiếm 38.24% số lượng loài rong lục và 59.9% số lượng loài của điểm mẫu, điểm CLC16 với 9 loài chiếm 26.5% số lượng loài rong lục và 32.14% số lượng loài của điểm mẫu.

Hình 3. Đồ thị cấu trúc thành phần loài ở 16 điểm khảo sát

Kết quả phân tích về sự phân bố rong ở 16 điểm khảo sát cho thấy, các điểm khảo sát có thành phần loài không có độ tương đồng lớn. Độ tương đồng cao nhất là 55.33 % giữa điểm khảo sát CLC 8 và CLC 15; độ tương đồng thấp nhất giữa các điểm khảo sát là 9.76% giữa điểm CLC 2 và CLC 13. Tỉ lệ % độ tương đồng các loài giữa các điểm thu mẫu được trình bày trong bảng 2.

Bảng 2. Ma trận mức độ tương đồng về thành phần loài giữa các điểm khảo sát

Hình 4. Bản đồ phân bố rong biển ở Cù Lao Chàm

Kết quả phân tích cho thấy khu hệ rong biển Cù Lao Chàm được chia thành 2 nhóm gồm nhóm rong thuộc các đảo Hòn Khô, Hòn Lá và nhóm rong thuộc đảo Hòn Tai, Hòn Lao, Hòn Mồ, Hòn Dài ở mức độ tương đồng 42%. Ở mức độ tương đồng 50% khu hệ rong biển của Cù Lao Chàm được chia thành 3 nhóm gồm nhóm rong thuộc các đảo Hòn Khô, Hòn Lá, nhóm rong thuộc đảo Hòn Tai và nhóm rong thuộc các đảo còn lại gồm Hòn Lao, Hòn Mồ và Hòn Dài. (hình 5)

 

Hình 5. Độ tương đồng thành phần loài giữa các đảo của Cù Lao Chàm

Trên cơ sở đánh giá độ tương đồng, dữ liệu nghiên cứu cho thấy Rong biển trên đảo Hòn Khô và Hòn Lá có độ tương đồng cao, độ tương đồng cao cũng thể hiện giữa đảo Hòn Mồ và Hòn Dài, Rong biển thuộc đảo Hòn Tai và Hòn Lao có những đặc trưng riêng. Điều này phù hợp với các thông tin về điều kiện vị trí địa lý, địa chất, thủy văn và sinh thái của các đảo nghiên cứu.

Như vậy về phân bố, thành phần loài rong có sự đặc trưng cho các điểm khảo sát. Cấu trúc thành phần loài rong biển thường có mối tương quan với các điều kiện môi trường sinh thái. Ở các vùng đảo xa, nơi nước sâu, nước trong, môi trường ít bị tác động bởi các hoạt động kinh tế nhóm rong đỏ thường có sự đa đạng cao và chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu thành phần loài của khu hệ rong biển nói chung. Nhóm rong nâu thường sinh trưởng ở những vùng nước nông hơn, các rạn san hô và bãi triều nơi có sóng êm hoặc vừa, các điều kiện môi trường hỗn hợp. Nhóm rong lục, thường sinh trưởng ở vùng nước nông, vùng triều hoặc vùng nước có hàm lượng dinh dưỡng cao, các chi rong Ulva, Enteromorpha, Cheatomorpha  Caulerpa điển hình cho sự phân bố của nhóm rong lục ở các vùng có độ phú dưỡng cao. Hình thái và quần thể rong thường có sự thay đổi ở các khu vực và điều kiện môi trường vùng phân bố.

Ở Cù Lao Chàm nhóm rong lục ghi nhận được nhiều nhất tại Hòn Lao và Hòn Dài, các đảo Hòn Khô, Hòn Mồ và Hòn Tai có số lượng loài rong lục ít hơn. Trong số 6 điểm khảo sát trên đảo Hòn Lao, nghiên cứu ghi nhận được 4 điểm có số lượng loài rong lục cao so với các 16 điểm khảo sát của Cù Lao Chàm. Trong số các điểm có số lượng loài rong lục cao, Bãi Bìm (CLC14) có số lượng loài cao nhất với 13 loài, kế đến Bãi Nần (CLC13) với 10 loài cuối cũng là Bãi Làng (CLC16) và Đâu Tai (CLC9) với 9 loài mỗi điểm. Tuy vậy, thành phần loài rong lục mỗi điểm có đặc trưng riêng, một số loài rong lục chỉ thị cho sự ưu dưỡng chủ yếu xuất hiện ở Bãi Làng và Bãi Nần như rong Ulva. (Hình 6)

 

Hình 6. Sinh thái một số loài rong lục chỉ thị ưu dưỡng

4. Kết luận

Nghiên cứu đã xác định được 101 loài rong thuộc 3 ngành trong 18 bộ của 30 họ thuộc 50 chi cho khu hệ rong biển Cù Lao Chàm. Trong đó, số lượng loài rong đỏ chiếm nhiều nhất với 42 loài, rong lục có số lượng loài là 34 loài và rong nâu có số lượng loài là 25 loài.

Về thành phần loài rong theo các đảo, nghiên cứu xác định được 73 loài rong cho đảo Hòn Lao, 36 loài cho đảo Hòn Dài, 33 loài cho đảo Hòn Tai, 30 cho đảo Hòn Mồ, 34 loài cho đảo Hòn Lá và 34 loài cho đảo Hòn Khô.

Kết quả phân tích về sự phân bố rong ở 16 điểm khảo sát cho thấy, các điểm khảo sát có thành phần loài không có độ tương đồng lớn. Độ tương đồng cao nhất là 55.33% giữa điểm khảo sát CLC8 và CLC15; độ tương đồng thấp nhất giữa các điểm khảo sát là 9.76% giữa điểm CLC2 và CLC13.

Kết quả phân tích mức độ tương đồng giữa các nhóm đảo cho thấy khu hệ rong biển Cù Lao Chàm được chia thành 3 nhóm gồm nhóm rong thuộc các đảo Hòn Khô, Hòn Lá, nhóm rong thuộc đảo Hòn Tai và nhóm rong thuộc các đảo còn lại gồm Hòn Lao, Hòn Mồ và Hòn Dài (độ tương đồng 50%).

Ở Cù Lao Chàm nhóm rong lục ghi nhận được nhiều nhất tại Hòn Lao với các loài chỉ thị cho sự phú dưỡng gồm Ulva intestinalis, Ulva lactuca.

5. Kiến nghị

Dự án đã đánh giá tổng hợp được bức tranh đa dạng sinh học rong biển Cù Lao Chàm, các kết quả thu được từ dữ liệu đa dạng sinh học rong biển Cù Lao Chàm chứng tỏ khu vực này có độ đa dạng sinh học rất cao. Để duy trì các nguồn tài nguyên và phát triển bền vững Cù Lao Chàm cần thiết có các dữ liệu chuyên sâu về vai trò và tiềm năng của các nguồn tài nguyên trong bức tranh phát triển tổng thể Cù Lao Chàm.

Trên cơ sở cách tiếp cận như vậy và kết quả thu được từ dự án này chúng tôi kiến nghị cần tiếp tục thực hiện một số dự án thành phần như sau:

1. Nghiên cứu vai trò sinh thái và đánh giá đặc điểm sinh trưởng nhóm rong mơ – nhóm rong quan trong bậc nhất trong hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm.

2. Nghiên cứu đánh giá khả năng khai thác các nhóm rong kinh tế và tiềm năng về các hoạt chất có ứng dụng của Rong biển Cù Lao Chàm (Nhóm rong có tiềm năng kinh tế điển hình như Turbinaria ornata, Pyropia suborbiculata, Pyropia vietnamensis, Gellidiella acerosa, Sargassum mccluerii, Sargassum feldmanii, S. Ilicifolium, Hypnea sp…)

3. Quan trắc diễn biến quần thể rong Ulva khu vực Bãi Làng và Bãi Hương xây dựng chỉ thị cảnh báo ô nhiễm.

4. Nghiên cứu xây dựng sách hướng dẫn/chuyên khảo về rong biển Cù Lao Chàm phục vụ khảo cứu và du lịch lặn biển.

Trần Thị Phương Thảo – BQL KBTB Cù Lao Chàm

Phụ lục: Hình ảnh một số loài rong biển tại Cù Lao Chàm

1. Rong lục:

2. Rong nâu:

3. Rong đỏ: