Họp thường niên Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”
Ngày 16/12/2023, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-VN) tổ chức cuộc họp thường niên Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương năm 2023. Hội thảo được chủ trì bởi ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng – Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và bà Nguyễn Thị Diệu Thúy – Giám đốc Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và có sự tham gia của gần 80 đại biểu là đại diện cho các cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường, các tỉnh, thành phố và Khu bảo tồn biển, Vườn Quốc gia tham gia vào Dự án.
Cuộc họp thường niên Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương năm 2023 được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả các hoạt động của Dự án; Rà soát, đánh giá, đề ra các giải pháp để thúc đẩy tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện Dự án; Thảo luận thống nhất phương hướng thực hiện hoạt động dự kiến trong năm 2024, hướng đến kết thúc Dự án nhằm xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý rác thải nhựa tại địa phương.
Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng “Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã được triển khai sâu rộng và toàn diện trong năm 2023. Các hoạt động Dự án của các hợp phần đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc góp phần hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các văn bản dưới luật liên quan đến quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa. Đáng chú ý, thông qua Dự án, nhiều hoạt động, chương trình, mô hình đã tạo sự lan tỏa, hiệu ứng mạnh mẽ, góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên có liên quan trong giảm thiểu và ngăn chặn sự thất thoát rác thải ra môi trường”.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã báo cáo kết quả hoạt động của Dự án tại địa phương trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện Dự án liên quan đến chính sách, cơ chế, các chương trình tuyên truyền, vận động từ chính quyền địa phương… Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng nhiều hoạt động của Dự án sẽ khó duy trì hiệu quả nếu không có sự quan tâm của đơn vị thụ hưởng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả, đặc biệt là sau khi Dự án kết thúc.
Hình 1: Toàn cảnh cuộc họp thường niên
Là một trong ba Khu bảo tồn biển được hưởng lợi từ Dự án, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã trực tiếp tham gia, triển khai các hoạt động của Dự án từ năm 2020. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, nhiều chương trình, hoạt động, mô hình được tổ chức, thiết lập, vàđược WWF-VN đánh giá cao về tính mới và hiệu quả như: các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, du khách; các hoạt động thu gom rác thải tái chế trong trường học, rác thải nhựa trên biển thông qua mô hình “Ngôi nhà đại dương”. Đặc biệt, điểm sáng là Mô hình “Cơ sở phục hồi tài nguyên” (MRF). Đây là mô hình thu gom, tập kết, xử lý rác kết hợp với giáo dục môi trường. Với quy mô thí điểm 30 hộ ban đầu tại thôn Bãi Ông (xã Tân Hiệp), hiện tại đã có 203 hộ gia đình tham gia vào hai mô hình MRF tại Bãi Ông và Bãi Hương, chiếm 33,5% tổng số hộ của xã. Tính đến nay đã thu gom được khoảng 44 tấn rác, trong đó xử lý được khoảng hơn 40% (chủ yếu là rác hữu cơ) thành phân compost và nước tẩy rửa. Kết quả này không chỉ góp phần rất lớn trong việc giảm tải lượng rác thải chuyển đến xử lý tại bãi rác Eo Gió mà còn tạo ra được các sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân xã đảo. Bên cạnh đó, mô hình này còn là một địa điểm giáo dục môi trường lý tưởng cho các em học sinh, cộng đồng và các địa phương khác đến tham quan học tập về rác thải (trong năm 2023, có 04 đoàn đến từ nhiều tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Phú Yên và các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn biển: Côn Đảo, Phú Quốc, Cồn Cỏ và các địa phương thuộc thành phố Hội An; 02 nhóm học sinh thuộc Câu lạc bộ Em yêu đảo xanh quê em của Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Quang Trung đã đến tham quan học tập mô hình này).
Hình 2, 3, 4, 5: Mô hình MRF tại Cù Lao Chàm
Hình 6: Sản phẩm nước tẩy rửa sinh học
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Văn kiện tại Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT ngày 02/7/2020. Dự án nhằm góp phần thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương và Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình quản lý rác thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.
Dự án được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp Trung ương; 07 tỉnh/thành phố gồm: Hà Tĩnh (TP. Hà Tĩnh), Quảng Bình (TP. Đồng Hới), Thừa Thiên Huế (A Lưới), Đà Nẵng, Phú Yên, Long An (Tân An), Kiên Giang (Rạch Giá) và 03 Khu bảo tồn biển: Côn Đảo, Phú Quốc và Cù Lao Chàm. Dự kiến thời gian triển khai Dự án từ năm 2020 đến giữa năm 2025.
Thùy Hương