Hội thảo tổng kết mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam năm 2019 đã được tổ chức thành công tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An
Ngày 31.10, tại trung tâm hội nghị Silk Sense resort, Hội An đã diễn ra Hội thảo tổng kết mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Việt Nam năm 2019 và phương hướng hoạt động 2020 – hướng đến thực hiện kế hoạch hành động Lima với chủ đề “Thúc đẩy du lịch sinh thái trong các KDTSQ trên thế giới của Việt Nam” do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển MAB Việt Nam và BQL KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An đồng tổ chức.
Hội thảo có sự hiện diện của hơn 80 đại biểu đến từ Văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục Đa dạng sinh học (Bộ TN-MT), Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO Bộ ngoại giao), 9 KDTSQ và các phòng ban trên địa bàn thành phố Hội An. Đặc biệt, lần đầu tiên, hội thảo có sự tham gia của khách mời là GS.TS Enny Sudarmonowati chủ tịch MAB ICC UNESCO đồng thời là chủ tịch UBQG MAB Indonesia, cùng các đại diện đến từ các KSQ Indonesia, Thái Lan và cố vấn JICA- Nhật Bản. Ông Nguyễn Thế Hùng – PCT UBND thành phố Hội An kiêm trưởng ban BQL KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An đồng chủ trì hội thảo cùng GS. TS Nguyễn Hoàng Trí- chủ tịch MAB Việt Nam.


Hội thảo là cơ hội kết nối mạng lưới các KDTSQ của Việt Nam và khu vực; chia sẻ sự phong phú của môi trường sống không chỉ ở môi trường tự nhiên nguyên sơ mà còn về văn hóa, lịch sử và truyền thống bản địa, nhấn mạnh vai trò của các giải pháp tự nhiên (NBS-natural base solution) trong thích ứng biến đổi khí hậu. Với phương châm “bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn”, mỗi KDTSQ đã tự xác định kế hoạch quản lý, xây dựng các kế hoạch hành động riêng.


Trong năm 2019, nổi bật nhất của MAB Việt Nam là sự kế thừa và tiếp tục thực hiện Kế hoạch Hành động LIMA 2016 – 2025 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện và triển khai; thể hiện vai trò Chủ tịch Hội đồng Điều phối MAB (ICC MAB) và được UNESCO đánh giá cao hoạt động của Chương trình MAB Việt Nam, cũng như hoạt động của các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.



Hội thảo đã điểm lại những hoạt động của mạng lưới trong năm qua, nhấn mạnh vào những thành tựu đạt được, trong đó KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An tiếp tục ghi dấu ấn với các chương trình “Nói không với túi ni lông và hướng đến không rác thải nhựa dùng một lần”. Năm 2019, Khu BTB Cù Lao Chàm – vùng lõi KDTSQ đã chuyển vị và ấp nở thành công 500 trong tổng số 3.000 trứng rùa biển từ vườn quốc gia Côn Đảo, đây là hoạt động thuộc chương trình “Phục hồi quần thể rùa biển tại Cù Lao Chàm” do tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Năm 2019 là dịp kỉ niệm 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận KDTSQ và UBQG MAB Việt Nam cũng đã đệ trình Báo cáo đánh giá định kì 10 năm của KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An cho UNESCO Paris theo qui định.

Năm 2019 cũng ghi dấu với những hoạt động hợp tác quốc tế sôi nổi bao gồm chương trình kết nghĩa giữa KDTSQ Thái Lan và KDTSQ Đồng Nai; chương trình tình nguyện viên hỗ trợ bởi KDTSQ cộng hòa Liên Bang Đức; KDTSQ Đồng Nai và KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An cũng đã có cán bộ tham gia Diễn đàn Thanh niên Sinh quyển tại Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu Thanh niên Liên hiệp quốc, tại New York, Hoa Kỳ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Cung Đức Hân- Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ ngoại giao cho biết hiện nay UBQG MAB và UBQG UNESCO Việt Nam đang xúc tiến xây dựng hồ sơ đề cử các KDTSQ tỉnh Yên Bái, Ninh thuận và Kon Tum. Năm 2020, MAB Việt Nam và các KDTSQ tiếp tục thực hiện kế hoạch của Việt Nam nhằm triển khai 04 mục tiêu chiến lược và 05 lĩnh vực hành động của Chiến lược MAB đến 2025 và kế hoạch hành động Lima; thúc đẩy cơ chế dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm, dịch vụ của các KDTSQ, thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa mà các KDTSQ đã xây dựng và cam kết thực hiện, thúc đẩy du lịch sinh thái trong các KDTSQ của Việt Nam.
Với chủ đề “Thúc đẩy du lịch sinh thái trong các KDTSQcủa Việt Nam”, hội thảo đã có bài chia sẻ kinh nghiệm quản lý KDTSQ và các mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng “làng thông minh” của GS.TS Enny – chủ tịch MAB ICC và Tiến sỹ Nandang Prihadi – Giám đốc cơ quan bảo tồn tài nguyên Đông đảo Java. Ông Kosei Oda – Chuyên gia Hợp tác quản lý dự án JICA – SNRM tại Việt Nam cũng đã có lời mời các KDTSQ Việt Nam đến tham quan học tập mô hình du lịch sinh thái tại KDTSQ Lang Biang – được JICA hỗ trợ thực hiện. Các KDTSQ cũng đã có phiên thảo luận sôi nổi về cách thức xây dựng mô hình du lịch sinh thái, nhấn mạnh vai trò then chốt của cộng đồng trong phát triển bền vững.
Bên lề hội thảo, các KDTSQ cũng tham gia giới thiệu các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Các gian hàng của KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An đã thu hút sự chú ý của các bên với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, dừa nước của cơ sở Taboo, trà rừng Cù Lao Chàm, xà phòng SAPO…
Tại hội thảo UBQG UNESCO cũng trao tặng bằng khen của Bộ ngoại giao đến các cá nhân, tập thể đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát triển và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận.
Năm 2020, Khu sinh quyển Cần Giờ sẽ là đơn vị đăng cai hội thảo tổng kết mạng lưới KSQ.
Thảo Huyền