Hội thảo khoa học “Kết quả kiểm kê đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm”
Ngày 10/7/2019, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Kết quả kiểm kê đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm”, hoạt động thuộc dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Tham dự Hội thảo có đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam, Ban điều hành dự án Trường Sơn Xanh, lãnh đạo UBND thành phố Hội An, các cơ quan ban ngành liên quan của thành phố, cộng đồng xã Tân Hiệp cùng các chuyên gia, các nhà khoa học và Tổ chức WWF tại Việt Nam (đơn vị tư vấn chuyên môn của dự án).
Hình 1: Quang cảnh hội thảo
Chương trình kiểm kê đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm được thực hiện từ tháng 4/2019 đến tháng 7/2019 với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ giám sát đa dạng sinh học các loài trên cạn tại Cù Lao Chàm. Theo đó, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu về các loài thực vật, chim, thú, lưỡng cư, bò sát và bướm, đồng thời đưa ra đề xuất kiến nghị giải pháp phân vùng chức năng phục vụ công tác quản lý và bảo tồn rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Theo các báo cáo tại hội thảo, kết quả nghiên cứu ban đầu và tập hợp số liệu đã thống kê, định danh được 624 loài thực vật thuộc 418 chi và 130 họ (bổ sung thêm 23 họ và 105 loài) cho khu hệ thực bậc cao trên cạn tại Cù Lao Chàm; Về thú nhỏ, ghi nhận 13 loài thuộc 9 họ; Về lưỡng cư và bò sát ghi nhận 51 loài thuộc 18 họ, trong đó bao gồm 11 loài lưỡng cư thuộc 5 họ và 40 loài bò sát thuộc 13 họ; Về chim thống kê được 33 loài, nâng tổng số loài ghi nhận đến nay tại Cù Lao Chàm lên 43 loài; Về bướm có tổng cộng 88 loài được định loại thuộc 6 họ (đây là một trong những công trình nghiên cứu về bướm đầu tiên tại Cù Lao Chàm).
Hình 2: TS. Alexander trình bày kết quả nghiên cứu về bướm tại Cù Lao Chàm
Bên cạnh các kết quả nghiên cứu về đa dạng thành phần loài, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo nhiều mối đe dọa, những tác động và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học rừng Cù Lao Chàm như: các công trình xây dựng, ô nhiễm môi trường, tác động từ du khách, tập quán của người dân, công tác quy hoạch, quản lý,…
Các đại biểu tham dự hội thảo đã có nhiều góp ý tích cực về chuyên môn như số liệu, cách định danh phân loại, phương pháp nghiên cứu, đồng thời cũng chỉ rõ nhiều tồn tại trong công tác quản lý rừng đặc dụng Cù Lao Chàm và hiện trạng khai thác, sử dụng. Đề xuất về việc xác định phân vùng các tiểu khu chức năng của rừng đặc dụng Cù Lao Chàm cũng đã được thảo luận.
Hình 3: Các đại biểu tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến
“Kết quả kiểm kê đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm là dữ liệu thông tin khoa học quý giá miêu tả toàn cảnh về sinh thái học trên các đảo, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi của cơ quan quản lý địa phương, đồng thời là tiền đề của quá trình xúc tiến lập dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm trên cơ sở thống nhất quản lý hợp phần biển và rừng đặc dụng tại Cù Lao Chàm, góp phần bảo tồn hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”, ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chủ trì hội thảo nhấn mạnh.
Văn Hiệp