Hiện tượng xuất hiện nhiều giun trên bãi biển Bãi Làng – Cù Lao Chàm

Từ ngày 15-17/4/2019, tại bãi biển Bãi Làng – Cù Lao Chàm có hiện tượng giun biển xuất hiện với số lượng lớn bãi biển, một số bị chết do va đập của sóng. Hiện tượng này khiến nhiều người dân lo ngại về tình trạng chất lượng nước biển và các nguồn ô nhiễm khác, đặc biệt là nguồn nước thải từ sinh hoạt của người dân và du khách.

Một số người dân sinh sống tại khu vực này cho biết hiện tượng này cũng đã diễn ra tương tự vào những năm trước, cụ thể khoảng tháng 4 hằng năm và sự xuất hiện của chúng không gây hại đến đời sống sinh vật biển, các hệ sinh thái thủy sinh trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng như khống ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hoạt động bơi lặn biển của du khách.

Hình 1: Perinereis nuntia var. brevicirris (Grube,1857)

Sau khi phân tích mẫu sinh vật, các nhà khoa học của Viện Hải Dương cho biết đây là loài giun nhiều tơ, có tên khoa học là Perinereis nuntia var. brevicirris (Grube,1857). Loài giun này thường sống ở biển, chúng phân bố tập trung ở vùng triều ngay chân sóng, di chuyển, chui rúc trong cát và ăn vụn bã hữu cơ. Mùa vụ sinh sản của giun kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10. Hoạt động sinh sản của giun thường xảy/diễn ra vào lúc 3-5 giờ sáng vào các ngày từ 11 đến 13 âm lịch.

Hình 2 và 3: Giun trên bãi biển Bãi Làng – Cù Lao Chàm

Cũng theo các nhà khoa học, nếu mật độ quần thể giun trong cát quá cao, chúng sẽ ngoi lên trên mặt. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng như trên và hiện tượng này là hoàn toàn bình thường, không phản ánh về chất lượng môi trường và không gây độc cho người cũng như sinh vật khác.

Nguyễn Thúy – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm