Cứu hộ thành công và thả về tự nhiên một cá thể Trăn gấm tại khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

Trưa ngày 27/5/2021, giáo viên và học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (thành phố Hội An) phát hiện 01 cá thể Trăn trên cây bàng trong khuôn viên trường và lập tức báo tin cho BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (KSQ).

Nhận được thông tin, BQL KSQ đã phối hợp với Trạm Kiểm Lâm Cù Lao Chàm cử cán bộ chuyên môn tiếp cận hiện trường.

Do điều kiện cây cao, Trăn có kích thước lớn, quấn chặt vào thân cây nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Trước tình huống cấp bách trên, BQL KSQ đã cử cán bộ kỹ thuật và nhờ sự hỗ trợ của một người dân có kinh nghiệm từ đảo Cù Lao Chàm cấp tốc vượt biển vào đất liền để tiếp cận hiện trường một cách kịp thời, ngăn cản được những rủi ro từ sự hiếu kỳ của người dân.

Sau gần 3 giờ giải cứu, cá thể Trăn có chiều dài khoảng 4m và nặng 28kg đã được cứu hộ thành công.

Theo ghi nhận, cá thể này thuộc loài Trăn gấm hay còn gọi là Trăn mắt lưới châu Á (tên khoa học Python reticulatus) thuộc nhóm động vật hoang dã, có tên trong Phụ lục II CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp), Sách đỏ Việt Nam 2007 mức độ CR (Cực kỳ nguy cấp) và thuộc Phụ lục IIB/60 của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vậy rừng nguy cập, quý hiếm và thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vậy hoang dã nguy cấp.

Việc xuất hiện một con Trăn trong trường học làm nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi, bởi đây là vùng nội thị, không có rừng cây cũng như bụi rậm to. Hơn nữa, lần đầu tiên trực tiếp chứng kiến việc cứu hộ đã thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của những người đi đường và người dân sống xung quanh khu vực.

Dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân, đại diện BQL KSQ đã thông tin về đặc điểm sinh học và tính quý hiếm của loài Trăn này, cũng như việc xử lý sau cứu hộ và thả về lại tự nhiên.

Sau khi được cứu hộ an toàn và kiểm tra sức khỏe, chú trăn đã “lướt sóng” hòa với đồng loại, với thiên nhiên tại rừng đặc dụng – vùng lõi KSQ.

Trong bối cảnh điều kiện tự nhiên thay đổi, đa dạng sinh học suy giảm được ghi nhận tại nhiều nơi thì việc bảo vệ,cứu hộ, hiến tặng,… động vật hoang dã để thả về tự nhiên là những hành động đáng trân trọng, góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Thông qua sự việc lần này đã cho thấy nhận thức, sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã, tiêu biểu trong trường hợp này là Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh trường THPT Nguyễn Trãi.

Được biết, vào ngày 11/5/2021, một người dân tại xã Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm) cũng phát hiện một cá thể Trăn gấm tương tự trên cây sộp trước nhà và đã thả về tự nhiên.

Từ đầu năm trở lại đây, BQL KSQ đã cứu hộ thành công 02 cá thể Rùa biển do ngư dân báo tin và đây là trường hợp đầu tiên việc cứu hộ Trăn gấm được thực hiện./.

Thùy Hương – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Một số hình ảnh, video cứu hộ và thả Trăn gấm về lại tự nhiên tại phía Bắc đảo Hòn Lao (Cù Lao Chàm):