Cù Lao Chàm bảo vệ thành công đa dạng sinh học

Ông Huỳnh Tấn Lộc, một ngư dân tại địa phương bây giờ có thu nhập chủ yếu từ việc cho thuê phòng lưu trú (homestay), nấu ăn cho du khách hay đưa khách đi trải nghiệm một ngày làm ngư dân thay vì khai thác thủy sản thông thường.

Ngư dân 56 tuổi và vợ có mức thu nhập bình quân 350.000 đ/đêm từ việc cho thuê phòng, chưa kể nấu ăn, cho thuê xe và thuyền vận chuyển hoặc làm thuyết minh viên cho du khách.

“Thu nhập của tôi từ việc khai thác thủy sản đã không được ổn định trong 20 năm qua, vì vậy bây giờ tôi chuyển sang công việc dịch vụ du lịch thay vì đánh bắt cá”. “Tôi sinh ra là một ngư dân và bây giờ tôi dùng kinh nghiệm truyền thống đó để phục vụ du khách”, ông Lộc nói.

Những người dân xã đảo được giáo dục và truyền thông về công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, nhờ đó nhận thức của họ về bảo tồn được nâng cao.

“Với mỗi du khách, tôi có thể thu nhập 350.000 đ/đêm từ tiền phòng và 70.000 đ từ nấu ăn”, ông Lộc chia sẻ.

“Việc cho thuê thuyền vận chuyển và xe máy giúp gia tăng nguồn thu nhập trong những năm gần đây vì ngày càng có nhiều du khách đến đảo. Những hiểu biết về đa dạng sinh học và bảo tồn biển giúp tôi có thể thuyết minh cho du khách như một hướng dẫn viên”, ông nói.

Bảo tồn biển

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An với diện tích hơn 33.000 ha, bao gồm khu phố cổ Hội An có khoảng 1.500 ha rừng nguyên sinh và 6.700 ha mặt nước biển với sự đa dạng cao về các loài động thực vật.

Cù Lao Chàm bao gồm 8 đảo nhỏ với hơn 2.400 dân, được biết đến là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Nam, nơi có 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là Khu phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Một báo cáo cho thấy hơn 80% dân số tại Cù Lao Chàm đã chuyển đổi sinh kế từ khai thác thủy sản sang dịch vụ du lịch sinh thái và tăng gấp đôi thu nhập với mức bình quân lên đến 42.000.000 đ/hộ/năm.

Cù Lao Chàm cũng được biết đến là nơi duy nhất tại Việt Nam triển khai thành công phong trào “Nói không với túi ni lông” và chương trình phân loại rác tại nguồn (với mô hình 3Rs: Giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng) từ năm 2011, cũng như việc hạn chế khai thác quá mức trong nhiều năm qua.

Tổng thu nhập ngân sách của xã đạt hơn 80 tỷ đồng, trong đó 65% đến từ ngành du lịch và dịch vụ. Ông Trần Hoàn, một ngư dân ban đầu chưa đồng tình với chủ trương “Nói không với túi ni lông” tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Nhưng sau đó ông đã tự nguyện tham gia vào Tổ tuần tra Tiểu khu bảo tồn biển thôn Bãi Hương để ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản trái phép.

“Lúc đầu chúng tôi phản đối việc cấm sử dụng túi ni lông bởi vì chúng quá tiện dụng cho việc đi chợ hằng ngày”, ông Hoàn nhớ lại.

“Giờ thì chúng tôi đã hiểu được rằng túi ni lông có thể gây hại đến rạn san hô, ảnh hưởng đến nơi cư trú của các và nhiều loài sinh vật khác. Người dân trên đảo bây giờ đã sử dụng các túi sinh thái, thân thiện với môi trường mỗi khi đi chợ”, ông nói.

Cộng đồng địa phương đang tiếp tục bảo vệ môi trường bằng việc phát động một chiến dịch rộng lớn hơn đó là “Nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần” (ống hút nhựa, ly nhựa, chai nhựa, hộp nhựa,… dùng một lần).

TS. Chu Mạnh Trinh – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết người dân xã đảo cung cấp cho du khách những túi giấy thay vì sử dụng túi ni lông khi bán hàng.

Những ngư dân cũng đã thành lập các Tổ nhóm cộng đồng để tuần tra việc khai thác bất hợp pháp, gây ô nhiễm môi trường như đánh bắt bằng xung điện và giã cào.

Những thách thức

Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – bà Trần Thị Hồng Thúy cảnh báo việc bùng phát một lượng quá lớn khách du lịch sẽ dẫn đến khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Cù Lao Chàm.

Theo bà Thúy, số lượng du khách đến đảo tăng lên nhanh chóng từ 17.000 người trong năm 2009 đã lên đến 400.000 người trong năm 2018.

“Ít nhất 33 ha cỏ biển đã bị phá hủy trong 10 năm qua do việc khai thác quá mức cũng như việc quá tải lượng du khách. Khoảng 102 ha rừng nguyên sinh – chiếm gần 10% tổng diện tích rừng tại Cù Lao Chàm đã bị chặt phá để làm đường và xây dựng các công trình”, bà Thúy cho biết.

Cũng theo bà Thúy, vùng biển Cù Lao Chàm thường xuyên cập cảng hơn 700 phương tiện tàu thuyền phục vụ cho việc đánh bắt và vận chuyển khách du lịch.

Chuyên gia Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký KSQ nhận định rằng Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An sẽ bị đe dọa trong tương lai không xa bởi việc đánh bắt bằng xung điện, ô nhiễm môi trường, thiếu nước ngọt và đô thị hóa nhanh chóng từ vùng hạ lưu sông Thu Bồn.

Ông Thảo cho hay, 7 ha rừng dừa nước tại Hội An, vùng cửa sông Thu Bồn (thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển) đã bị phá hủy để xây cầu Cửa Đại.

“Cầu Cửa Đại, điểm kết nối giữa Hội An và các huyện Duy Xuyên và Thăng Bình là một phần của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của khu vực, với chỉ 5 km đã băng cắt qua 40 ha rừng dừa nước”, ông Thảo cho biết thêm rừng ngập mặn dừa nước là nơi trú ẩn an toàn và là bãi đẻ, nơi ươm dưỡng của nhiều loài sinh vật biển và cá trước khi chúng di cư đến vùng biển Cù Lao Chàm.

Những giải pháp

Để thúc đẩy công tác bảo vệ đa dạng sinh học, chính quyền thành phố Hội An và Khu bảo tồn biển sẽ tiếp tục triển khai chủ trương giới hạn cho phép mỗi ngày chỉ có 3.000 khách tham quan ra Cù Lao Chàm.

Việc kiểm soát chặt chẽ lượng du khách sẽ giúp hệ sinh thái biển phục hồi để phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất việc trồng rừng và trồng lại cây dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn, cũng như từ chối xây dựng hàng loạt các dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng ven biển hay quản lý rác thải và nguồn nước sẽ là những yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của KSQ.

GS. Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch chương trình Con người là Sinh quyển (MAB) Việt Nam cho biết, Cù Lao Chàm nên giới hạn số lượng du khách ở mức thấp để đảm bảo sự phát triền bền vững của đảo.

Theo GS Trí, công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường sẽ là chìa khóa xây dựng Cù Lao Chàm trở thành thương hiệu quốc gia trong bối cảnh của một điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng giàu có về đa dạng sinh học.

Một góc Cù Lao Chàm, ngoài khơi thành phố Hội An, nơi được xem là một trong những khu vực thành công nhất trong công tác quản lý bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ảnh Công Thành

 

Cán bộ BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm kiểm tra sự phát triển của san hô đang được phục hồi. Ảnh Lê Xuân Ái

Biên dịch: Văn Hiệp

Nguồn bài viết: https://vietnamnews.vn/environment/521706/cham-islands-successfully-protect-biodiversity.html#MJKf8elXwrP1fBLl.97