Cộng đồng Thôn Bãi Hương thực hiện thành công dự án phục hồi san hô cứng
1. Giới thiệu sơ bộ về dự án:
Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp (BQL) với Uỷ ban nhân nhân xã Tân Hiệp (UBND) và Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (Tiểu khu) đã thực hiện hiệu quả dự án: “Xây dựng cơ chế quản lý rạn san hô và thực hiện thí điểm phục hồi 2000 m2 san hô cứng có sự tham gia của cộng đồng tại thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam” với sự tài trợ của Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) – Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) từ tháng 12/2013 đến tháng 5/2015. Qua 18 tháng triển khai, đến nay dự án đã kết thúc và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
2. Về mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của dự án
2.1 Mục tiêu dài hạn:
”Tăng độ phủ rạn san hô tại vùng biển Cù Lao Chàm”, mục tiêu này cũng góp phần vào chương trình hành động của MFF là quan tâm đến các Khu bảo tồn biển.
2.2 Mục tiêu ngắn hạn của dự án: 2000 m2 rạn san hô tại Bãi Hương – Cù Lao Chàm được phục hồi sinh thái và được bảo vệ với sự tham gia của cộng đồng.
3. Kết quả đạt được
3.1 Mục tiêu 1: 2000m2 rạn san hô được phục hồi sinh thái
– 10 cộng đồng Bãi Hương được tập huấn và có khả năng áp dụng kỹ thuật trồng san hô.
+ BQL phối hợp với Tiểu khu xây dựng 01 bài giảng về kỹ thật quan trắc và trồng san hô cứng cho 10 ngư dân là thành phần nòng cốt của Tiểu khu trong 02 ngày.
+ Tham gia giảng dạy là các cán bộ chuyên môn của Khu BTB Cù Lao Chàm. Học viên được trang bị các kiến thức về giám sát rạn san hô; kỹ thuật trồng; kỹ thuật theo dõi san hô tăng trưởng; kỹ thuật thực hành các công cụ làm việc dưới nước và một số kỹ thuật khác.
– 03 cộng đồng Bãi Hương được đào tạo lặn biển mức độ 1 (Open Water Diver): khóa học này học viên được đào tạo những kiến thức, kỹ năng chính khi thực hiện việc lặn sâu dưới biển, kỹ thuật an toàn khi lặn, kết thúc khóa học cả 03 học viên được cấp chứng chỉ lặn quốc tế.
– Khoảng 2.400 tập đoàn (mảnh/cành) san hô được trồng tại vùng phục hồi 2000m2
– Xác định vùng cho và nhận san hô: kết quả xác định 02 vùng cho giống san hô là: Hục Nhàn và Hòn Lá, vùng nhận: Bãi Nần, loài: san hô dạng phiến, dạng mảnh (tên địa phương: san hô bánh tráng).
– Triển khai trồng san hô trên diện tích 2000m2: có 2.403 tập đoàn san hô cứng (chủ yếu san hô giống: Montipora, Pachyseric và Acropora) trên diện tích hơn 2.000 m2 mặt nước biển tại khu vực Bãi Nần, Cù Lao Chàm.
– Theo dõi, giám sát sự tăng trưởng của san hô: qua 04 đợt lặn kiểm tra tốc độ tăng trưởng của san hô với sự tham gia của cộng đồng và kết quả phân tích số liệu, bước đầu có kết quả khả quan:
+ Độ phủ san hô và nguồn lợi thủy sản vùng rạn cho: không bị ảnh hưởng, tăng trưởng khá, không thấy có dấu hiệu suy thoái hay bị ảnh hưởng.
+ Độ phủ san hô và nguồn lợi thủy sản vùng rạn nhận: có sự gia tăng cả về cơ học lẫn sinh học (ít nhất tăng 5%), nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu tăng.
+ San hô cứng dạng phiến và mảnh tăng trưởng khá tốt, trong 105 tập đoàn san hô đo được, mỗi tập đoàn tăng trung bình từ 1,5 – 3 cm/năm, tổng số kích thước đo được của 105 tập đoàn tăng 215 cm/năm.
3.2 Mục tiêu 2: 01 hương ước cộng đồng về quản lý, khai thác bền vững rạn san hô được xây dựng, ban hành và thực thi.
– Hơn 50 cộng đồng tham gia xây dựng hương ước.
+ Tổ chức 03 buổi họp tham vấn cộng đồng và chính quyền để đánh giá xác định những nội dung hương ước cộng đồng về bảo vệ, quản lý vùng PHSH, xác định những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với vùng PHSH nói riêng và toàn bộ TK nói chung.
+ Dự án đã tổ chức hội thảo với chính quyền địa phương và các bên liên quan, các chuyên gia để góp ý và hoàn thiện nội dung hương ước. Qua đó UBND xã Tân Hiệp đề nghị thay đổi hình thức: từ hương ước riêng của dự án thành hương ước cộng đồng và hương ước này được bổ sung vào Quy ước xây dựng thôn văn hóa của thôn Bãi Hương.
– Hương ước được các cơ quan quản lý chuyên môn và chính quyền địa phương đồng thuận, ban hành và thực thi: ngày 30/9/2014, UBND xã Tân Hiệp ban hành quyết định về hương ước cộng đồng quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững vùng san hô phục hồi. Nội dung hương ước có 03 nội dung chính, đó là: i, trách nhiệm và nghĩa vụ của từng người dân, gia đình trong việc bảo vệ rạn san hô, nguồn lợi thủy sản; ii, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý tài nguyền trong vùng phục hồi san hô, iii, một số quy định khác.
3.3 Mục tiêu 3: Nhận thức về bảo vệ, quản lý bền vững rạn san hô của cộng đồng được nâng cao
– 01 hoạt động/chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo tồn san hô được cộng đồng tự tổ chức: Sao biển gai là sinh vật thiên địch đối với rạn san hô nhất là san hô cứng, tại khu vực phục hồi có sự xuất hiện sao biển gai, do đó cộng đồng đề xuất phải tiêu diệt loài này nhằm giảm bớt yếu tố ảnh hưởng đến đời sống san hô. Qua chiến dịch cộng đồng và cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã bắt và tiêu hủy 18 cá thể tại các vùng chức năng của TK.
– Các hoạt động truyền thông khác.
+ 01 bộ tờ rơi truyền thông về dự án được thiết kế và phổ biến đến cộng đồng, du khách, các nhà làm công tác bảo tồn, các đoàn khách đến thăm và làm việc với BQL, TK.
+ Nhiều phóng sự, phim tài liệu được về kết quả phục hồi san hô cứng trong quá trình thực hiện dự án được công chiếu và đăng trên các báo trên khắp cả nước.
3.4 Mục tiêu 4: 01 loại hình du lịch cộng đồng được thiết kế và vận hành thí điểm tại vùng rạn san hô thôn Bãi Hương
Kết quả cộng đồng xác định 02 loại hình du du lịch tại thôn Bãi Hương mà cộng đồng có khả năng thực hiện được:
Một là: xem san hô bằng thuyền thúng gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí trên biển (tập bơi thuyền thúng, thi bơi thuyền thúng với nhau, bủa lưới giải trí).
Hai là: Một ngày làm ngư dân làng chài Bãi Hương.
4. Đánh giá về dự án:
Nhìn chung các mục tiêu và đầu ra của Dự án đều đảm bảo cả nội dung lẫn tiến độ thực hiện. Trong đó, 2000m2 rạn san hô tại khu vực Bãi Nần và cơ chế quản vùng san hô phục hồi là những kết nổi bật đáng chú ý nhất.
Kết quả về đào tạo (kỹ thuật quan trắc và trồng san hô, đào tạo ngư dân học lặn, duy trì công tác tuần tra kiểm soát vùng rạn san) cho những hạt nhân nòng cốt của cộng đồng thôn Bãi Hương đã góp phần quan trong trong việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tiểu khu ĐQL BTB tại địa phương, qua đó góp phần bảo vệ bền vững nguồn lợi tài nguyên, phục vụ cho phát triển bền vững.
Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng địa phương, có hơn 165 lượt người tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Dự án. Qua đó, từng bước tạo được sự đồng thuận của cộng đồng trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cũng như công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại địa phương.
Kết quả của Dự án, nhất là việc thiết lập được vùng PHSH do chính cộng đồng thực hiện và theo dõi và lồng ghép kết quả của dự án vào Quy ước xây dựng thôn văn hóa là một bài học quý, đóng góp kinh nghiệm từ thực tiễn địa phương cho mạng lưới các khu bảo vệ biển cấp cộng đồng của Việt Nam.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế khó khăn nhất định khi triển khai dự án:
– Năng lực và trình độ của cộng đồng còn hạn chế nhất là kỹ thuật phục hồi, theo dõi và đề xuất những biện pháp quản lý rạn san hô tại thôn.
– Chất lượng nước tại vùng phục hồi còn bị ảnh hưởng bởi trầm tích của những năm trước, ít nhiều ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng san hô.
Huỳnh Ngọc Diên – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm