CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN: 10 NĂM KHU BẢO TỒN BIỂN VÀ 05 NĂM KHU DTSQ CÙ LAO CHÀM – HỘI AN.

CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN: 10 NĂM KHU BẢO TỒN BIỂN VÀ

05 NĂM KHU DTSQ CÙ LAO CHÀM – HỘI AN.

 

  1. Giới thiệu chung

Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju – Hàn Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới của UNESCO đã công Cù Lao Chàm – Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có thể nói, danh hiệu Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An là một sản phẩm của công tác bảo tồn, là kết quả nỗ lực trong thời gian dài của cộng đồng cư dân địa phương và các ban, ngành thành phố Hội An.

Nhân kỷ niệm 05 năm ngày Cù Lao Chàm – Hội An trở thành Khu DTSQ thế giới, 10 năm thành lập Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, 15 năm đô thị cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới, chúng tôi xây dựng báo cáo kết quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu DTSQ. Theo đó, kết quả hoạt động bảo tồn biển, bảo vệ di sản văn hóa và các kết quả khác của các ban, ngành liên quan thuộc Thành phố là một bộ phận cấu thành và góp phần xây dựng, bảo vệ Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An.

Theo quy định tại Điều 4, Khung Pháp lý của Mạng lưới toàn cầu các Khu DTSQ thế giới được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1995, để trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới phải đạt được 7 tiêu chí về các lĩnh vực bảo tồn, phát triển kinh tế và thể chế quản lý hiệu quả.

Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An nằm cuối dòng Sông Thu Bồn, được thừa hưởng sự đa dạng các hệ sinh thái như: các bãi sậy, bãi cói, cồn cát, rừng ngập mặn, rừng dừa nước, thảm cỏ biển, rạn san hô, quần cư rong biển, rừng tự nhiên trên đảo. Các hệ sinh thái này được trải dài dọc theo các nhánh sông và bao bọc lấy Hội An, mang lại cho Hội An một sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, tạo ra các dịch vụ sinh thái, là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Trong thời gian qua, thành phố Hội An đã tiếp cận được các khái niệm về bảo tồn và phát triển bền vững, bằng việc xây dựng các mô hình thực tiễn bao gồm: bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; thực hiện bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm, bảo tồn rừng dừa nước ở Cẩm Thanh, bảo vệ cua đá với vai trò chủ đạo của cộng đồng,..vv.

          Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An có tổng diện tích là 33.146 ha, dân số khoản 84.000 người, được phân chia thành 03 vùng chức năng, bao gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.

 

II.Nỗ lực bảo vệ 07 tiêu chí Khu DTSQ

  1. Thống kê các tài nguyên thiên nhiên – nhân văn

Tại Vùng lõi Khu DTSQ, BQL Khu BTB Cù Lao Chàm đã thực hiện khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học. Qua đó, đã phát hiện hơn 311 ha rạn san hô, với khoản 300 loài, san hô mềm chiếm ưu thế, độ phủ trung bình rạn san hô 41%; có 50 ha thảm cỏ biển, với 5 loài đặc trưng, độ phủ trung bình 15 – 25 %; 76 loài rong biển,  hơn 270 loài cá, 97 loài thân mềm, 11 loài động vật da gai,..vv.

Năm 2006, thực hiện khảo sát tại rừng đặc dụng Cù Lao Chàm. Qua điều tra đã thông kê được Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6  ngành thực vật bậc cao có mạch của hệ thực vật Việt Nam. Kết quả khảo sát ở độ cao dưới 100 m, đã thống kê có hơn 288 loài cây thuốc nam xen lẫn trong những cánh rừng thường xanh với những cây cổ thụ như Gõ mật, Lim xanh, Dầu lôn, Chò nâu, Huỷnh, Bời lời đỏ hàng trăm năm tuổi. Một số loài đã trở nên quý hiếm như loài “lan nhung”, loài “trầm hương”.

Đối với hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, đã thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng dừa nước vào năm 2007. Qua đó, tạo tiền cho các hoạt động phục hồi diện tích rừng dừa nước sau này.

Tại Vùng đệm: Hội An có tổng cộng  1.406 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của Thành phố, trong đó có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 44 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 98 di tích nằm trong danh mục di tích – danh thắng được tỉnh Quảng Nam bảo vệ.

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, Khu phố cổ Hội An còn được xem là một “Di sản sống”, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa phi vật thể liên quan đến hoạt động thường ngày của cư dân địa phương, với các món ăn, lễ hội, nếp sống, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều lễ hội vẫn còn duy trì trong đời sống cộng đồng xung quanh Khu phố cổ.

Hạn chế:

Việc khảo sát, đánh giá các tài nguyên thiên nhiên trong Khu DTSQ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Các hoạt động chủ yếu chỉ mới diễn ra trong phạm vi của Vùng lõi. Mặc dù ở Vùng đệm và Vùng chuyển tiếp có nhiều hệ sinh thái quan trọng nhưng chưa tiến hành nghiên cứu.

Đối với Vùng lõi, các hoạt động khảo sát, nghiên cứu chỉ thực hiện đến năm 2008, khi có tài trợ của các dự án. Kinh phí Nhà nước chưa đầu tư cho công tác này nên số liệu chưa đảm bảo tính liên tục cần thiết.

Đề xuất:

Để có cơ sở khoa học nhằm xây dựng giải pháp quản lý, bảo vệ và khai thác các hệ sinh thái một cách hiệu quả, nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí để thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện hiện trạng sức khỏe các hệ sinh thái trong Khu DTSQ.

  1. Thực hiện công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên – nhân văn

Phục hồi rạn san hô cứng: hoạt động đã được Khu BTB CLC phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành thường xuyên từ năm 2012. Đến nay đã phục hồi được 6.000 m2, 7.200 tập đoàn, tỉ lệ sống đạt khoản 50 – 60%.

Dán nhãn sinh thái cho Cua đá Cù Lao Chàm: Chương trình được thực hiện trong gian đoạn 2011 – 2013, với sự tham gia của cộng đồng địa phương và hỗ trợ tài chính của Quỹ môi trường toàn cầu. Đến nay, hoạt động khai thác Cua đá của cộng đồng địa phương đã đi vào nề nếp thông qua việc quản lý và điều phối của Tổ cộng đồng. Cua đá bán ra trên thị trường có nhãn sinh thái mới được công nhận hợp quy định.

Nói không với túi nilon và phân loại rác tại nguồn: Chương trình được thực hiện thí điểm tại Vùng lõi của Khu DTSQ, đã tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương và du khách, giảm thiểu được lượng rác khó phân hủy, góp phần mang lại môi trường trong lành cho Cù Lao Chàm. Hiện nay, hoạt động đã được nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố Hội An và được cộng đồng tích cực hưởng ứng.

Công tác bảo vệ tài nguyên – môi trường, đặc biệt là các giá trị của rạn san hô, thảm cỏ biển; hoạt động khai thác hải sản trong phạm vi Khu BTB CLC được quản lý chặt chẽ theo Quy chế UBND tỉnh ban hành. Công tác tuần tra, kiểm soát việc chấp hành Quy chế quản lý được thực hiện thường xuyên.

Tại vùng đệm của Khu DTSQ, công tác bảo tồn, phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh đã bước đầu đi vào ổn định và đạt được một số kết quả ban đầu. Hoạt động có sự tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ chức trong và ngoài nước.

Đặc biệt, quần thể kiến trúc Khu phố cổ nói riêng, Di sản Văn hóa Hội An nói chung được quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt và có hiệu quả hơn, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trao tặng nhiều giải thưởng.

Cùng với xây dựng Thành phố Hội An – Thành phố Sinh thái – Văn hóa – Du lịch, Di sản Văn hóa Hội An đã thực sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội, đã góp phần đắc lực vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch – dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân – chủ nhân của di tích – và tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích.

  1. Gắn kết phát triển kinh tế thân thiện với môi trường

Hoạt động phát triển kinh tế cho người dân, đặc biệt là tại Vùng lõi Khu DTSQ được thành phố Hội An rất quan tâm. Thành phố đã ban hành Chương trình phát triển du lịch Cù Lao Chàm giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, chủ trương của Thành phố là phát triển du lịch Cù Lao Chàm theo định hướng du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Cù Lao Chàm: Mô hình được thực hiện thí điểm tại thôn Bãi Hương vào năm 2009, với điểm nhấn là loại hình lưu trú Homestay, các Tour do chính cộng đồng hướng dẫn và phục vụ du khách. BQL Khu bảo tồn biển CLC phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ cộng đồng trong việc giới thiệu sản phẩm, đào tạo kỹ thuật nấu ăn, thuyết minh, tổ chức hoạt động nhóm,..vv.  Mô hình đã chứng thực được tính hiệu quả và được mở rộng cho 03 thôn còn lại ở Cù Lao Chàm. Đến nay, các hộ dân đã chủ động được trong việc đón và phục vụ khách, góp phần quan trọng vào cải thiện kinh tế gia đình.

Du lịch sinh thái trong rừng dừa nước Cẩm Thanh: Cộng đồng đã hình thành được các tổ, nhóm và phối hợp với đơn vị lữ hành để phục vụ đưa khách đi tham quan cảnh quan của rừng dừa nước. Nhìn chung, mô hình này rất phù hợp với xu hướng vừa bảo tồn vừa phát triển, góp phần đa dạng hóa các nguồn thu nhập của người dân địa phương.

Tại Khu phố cổ, kể từ sau khi được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới (1999) đến nay, Di sản Văn hoá Hội An đã trở thành thương hiệu hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Lượng du khách đến Hội An tăng nhanh, nếu như năm 1999 có 158.315 lượt khách thì đến năm 2013 là 638.114 lượt khách[1] (số liệu thông kê qua mua vé tham quan, con số thực tế sẽ còn cao hơn rất nhiều).

Mô hình du lịch tại các vùng chuyển tiếp như: làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà đã thu hút được nhiều du khách. Qua đó, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch cho thành phố Hội An.

Hạn chế:

Mặc dù năng lực tổ chức, phục vụ khách du lịch của cộng đồng có được cải thiện, song vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt tính liên kết giữa các cá nhân trong cộng đồng, việc cạnh tranh không lành mạnh để có khách vẫn còn diễn ra.

Cộng đồng chưa chủ động được trong việc tiếp cận nguồn khách. Đa số khách du lịch đến và lưu trú tại cộng đồng là khách đi lẻ.

Đề xuất:

Cần tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn kỹ thuật, nâng cao năng lực cho cộng đồng, đặc biệt là khâu tổ chức hoạt động, giao tiếp, giới thiệu sản phẩm,..vv.

Cải tiến khâu giới thiệu các sản phẩm du lịch cộng đồng đến với các công ty lữ hành và du khách, nhằm tạo nguồn đầu vào ổn định cho cộng đồng.

Nghiên cứu, xây dựng các tổ chức cộng đồng để có tư cách pháp nhân, nhằm thuận lợi trong việc giao dịch với đơn vị lữ hành.

  1. Xác lập diện tích Khu DTSQ để thực hiện 3 chức năng

Khu DTSQ Cù Lao Chàm được phân chia thành 03 vùng chức năng, bao gồm:

Vùng lõi có diện tích 2.471 ha – là toàn bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, với đặt trưng là các hệ sinh thái rừng và biển như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng đặc dụng,..vv.  Thực hiện nhằm mục đích bảo tồn lâu dài, đa dạng loài, các cảnh quan, hệ sinh thái.

Vùng đệm có diện tích 8.455 ha – có hệ sinh thái chính là rừng dừa nước, hệ sinh thái ven sông;  được thiết lập để tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí nhưng không ảnh hưởng đến vùng lõi.

Vùng chuyển tiếp có diện tích 22.220 ha – bao gồm các khu vực chính là Khu phố cổ Hội An, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà. Tại đây, các hoạt động kinh tế vẫn duy trì bình thường trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên mà Khu DTSQ đem lại.

Mỗi vùng chức năng của Khu DTSQ có vai trò khác nhau, mức độ, tính chất tương tác giữa thiên nhiên và con người khác nhau tuy nhiên giữa các vùng đều có mối liên hệ mật thiết, gắn kết chặt chẽ về mặt sinh thái và con người.

  1. Thực hiện công tác phân vùng

Đối vùng lõi của Khu DTSQ, công tác phân vùng được thực hiện trong gian đoạn 2004 – 2005, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Tháng 12/2005, Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là công cụ pháp lý hữa hiệu để bảo vệ các hệ sinh thái biển nói riêng và môi trường tại Cù Lao Chàm nói chung. Công tác xây dựng hệ thống phao phân vùng, nhằm giúp nhận biết các vùng chức năng trên biển đã đươc thực hiện vào năm 2009, với sự hỗ trợ của chính phủ Đan Mạch.

Vùng chuyển tiếp: bên cạnh thực hiện việc quản lý Di sản Văn hóa theo quy định của cấp trên, UBND thành phố Hội An đã ban hành một số quy chế để thực hiện công tác này như: Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ; Quy chế quản lý hoạt động tham quan du lịch trên địa bàn; Quy chế quản lý, bảo tồn làng gốm Thanh Hà,..vv.

  1. Xây dựng khung quản lý Khu DTSQ

Ban quản lý Khu DTSQ được thành lập có 09 thành viên, là đại diện ban, ngành có liên quan của thành phố Hội An. Ngoài ra, BQL có các bộ phận như: Ban Thư ký, Ban Cố vấn và Tổ kỹ thuật.

Vai trò của cộng đồng địa phương và khối doanh nghiệp được huy động trong quá trình bảo vệ và phát huy vai trò của Khu DTSQ. Điều này có thể được nhìn thấy qua các mô hình, hoạt động như: mô hình đồng quản lý bảo tồn biển của cộng đồng thôn Bãi Hương; tổ bảo vệ Cua đá Cù Lao Chàm; hoạt động bảo vệ, phục hồi rừng dừa nước của cộng đồng xã Cẩm Thanh; Làng rau Trà Quế; Làng gốm Thanh Hà,…vv.

Tuy nhiên, trong thời gian đến, cần tăng cường xây dựng các cơ chế phù hợp để huy được sự tham gia nhiều hơn nữa của khối kinh tế tư nhân trong công tác quản lý và khai thác danh hiệu Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An.

  1. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa quản lý và bảo tồn
  • Xây dựng kế hoạch quản lý:

Đối với phạm vi toàn bộ Khu DTSQ, kế hoạch quản lý tổng hợp giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025 đang được BQL Khu DTSQ triển khai xây dựng, dự kiến được hoàn thành cuối năm 2014. Đây là kế hoạch được tiếp cận theo hướng dự trữ sinh quyển.

Tại Vùng lõi, đã thực hiện việc xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giai đoạn 2009 – 2013. Trong đó, quan tâm bảo vệ các đối tượng tài nguyên mục tiêu chính: rạn san hô, thảm cỏ biển, tôm hùm, vú nàng..vv. Đến nay, một kế hoạch quản chung cho Vùng lõi giai đoạn 2014 – 2018 đã được UBND thành phố Hội An phê duyệt và thực hiện.

Vùng chuyển tiếp: năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2020, (tầm nhìn 2025)”.

Ở cấp độ cộng đồng, một kế hoạch hành động nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong giai đoạn 2015 – 2019 đang được xây dựng cho cộng đồng thôn Bãi Hương, với sự trợ giúp của Tổ chức Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng.

  • Hoạt động nghiên cứu, giáo dục và đào tạo:

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của khu DTSQ. Trong thời gian qua, ngoài các nghiên cứu về đa dạng sinh học của Viện Hải dương học, Viện hải sản, Khu DTSQ Cù Lao Chàm còn là nơi triển khai nghiên cứu khoa học, kết hợp đào đạo của nhiều trường ở Việt Nam cũng như quốc tế như: ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH quốc gia Hà Nội; Auhur – Đan Mạch, Portland – Hoa Kỳ, Brusel – Bỉ, Kristianstad – Thụy Điển.

Tại vùng chuyển tiếp: đã thực hiện được các công trình nghiên cứu nhằm xây dựng các giải pháp bảo vệ như: Nghiên cứu, đề xuất các nhóm giải pháp bảo tồn văn hóa làng xã trong bối cảnh đô thị hóa tại thành phố Hội An (2011 – 2013); Biến dạng di tích ở khu phố cổ Hội An – Thực trạng và giải pháp (5/2012),..vv.

  • Công tác quan trắc:

Được thực hiện chủ yếu trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, với các chương trình quan trắc như: chất lượng nước biển; rạn san hô và động vật đáy kích thước lớn; diễn biến nguồn lợi thủy sản,..vv. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn của Thành phố cũng thực hiện hoạt động quan trắc theo từng lĩnh vực chuyên môn của mình phụ trách.

Hạn chế:

Công việc quan trắc chất lượng môi trường phục vụ cho quản lý hiệu quả chưa được xây dựng thành chương trình bài bản. Các hoạt động trong thời gian qua chủ yếu xuất phát nhiệm vụ cụ thể của mỗi đơn vị, chưa gắn kết được ở góc độ khu sinh quyển.

Từ năm 2014, hoạt động quan trắc chất lượng nước tại Khu BTB bị dừng lại do vướng quy định của Sở TN-MT “đơn vị cấp huyện không được thực hiện hoạt động quan trắc chấn lượng nước”. Do vậy, hệ thống số liệu chất lượng nước biển trong Khu BTB được thực hiện từ năm 2003 bị gián đoạn. Điều này làm mất đi một kênh để theo dõi, giám sát chất lượng nước biển tại Khu bảo tồn biển, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Đề xuất:

Cần xây dựng một chương trình quan trắc chung cho Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An. Chương trình này cần tham vấn các chuyên gia đầu ngành để đảm bảo bao quát được các chỉ số quan trắc cần thiết, nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý hiệu quả Khu DTSQ.

Cần có cơ chế đặc thù riêng cho hoạt động quan trắc của Khu DTSQ. Với các quy hiện tại, công tác quan trắc, đặc biệt là quan trắc chất lượng nước không thể thực hiện được.

 

  1. Định hướng phát triển Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An
    1. Quan điểm phát triển

Quan điểm chủ đạo để phát triển Khu DTSQ là sự gắn kết giữa bảo tồn và sinh quyển. Danh hiệu Khu DTSQ được gìn giữ và phát huy chỉ khi các giá trị của Khu DTSQ được bảo tồn. Như vậy, có thể thấy rằng bảo tồn chính là nền tảng để phát huy danh hiệu sinh quyển và một khi danh hiệu Khu DTSQ được gìn giữ thì sẽ đóng góp rất tích cực cho việc bảo tồn, cả 2 nhiệm vụ cùng phát triển song hành trong một thể thống nhất.

3.1. Định hướng

Trên cơ sở tiếp cận phương thức quản lý lưu vực (theo chiều dọc) và quản lý tổng hợp vùng bờ (theo chiều ngang), các bên liên quan trong Khu DTSQ và đặc biệt là cộng đồng địa phương sẽ cùng nhau xây dựng các nhóm giải pháp để giải quyết các vấn đề. Các nhóm giải pháp sẽ được xây dựng chi tiết trong Kế hoạch quản lý tổng hợp Khu DTSQ và tập trung vào các nhóm chiến lược chủ yếu sau:

  • Truyền thông nâng cao nhận thức

Đây là nhóm giải pháp quan trọng và là nền tảng để cộng đồng và toàn xã hội hiểu được bản chất, các giá trị và lợi ích của danh hiệu Khu DTSQ. Từ đó, các bên cùng nhau bảo vệ và phát huy những giá trị do Khu DTSQ mang lại.

Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức sẽ được thực hiện theo nhiều cấp độ, nhiều hình thức khác nhau tùy theo từng nhóm đối tượng để đảm bảo công tác truyền thông mạng lại hiệu cao nhất.

  • Nghiên cứu khoa học và ứng dụng

Đây là nhóm giải pháp mang tính chất xây dựng nền tảng, cơ sở khoa học và dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý và thực thi các nhóm giải pháp khác.

Với một kế hoạch quản lý rõ ràng, Khu DTSQ sẽ kêu gọi sự tham gia nghiên cứu từ các viện, trường, các tổ chức nghiên cứu từ trong và ngoài nước tham gia. Từ các kết quả nghiên cứu sẽ phục vụ tốt cho công việc bảo tồn và phát triển giá trị Khu DTSQ.

Đồng thời, thông qua chiến lược nghiên cứu, Khu DTSQ sẽ thu hút một lực lượng đông đảo các nhà nghiên cứu, sinh viên,.. họ sẽ đến làm việc và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho Khu DTSQ và thông qua đó giúp truyền thông, quảng bá về Khu DTSQ bằng các công trình nghiên cứu, các bài viết, tin tức…vv.

  • Phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng

Một trong những mục tiêu quan trọng mà BQL Khu DTSQ cần hướng tới đó là cộng đồng sinh sống bên trong phải được hưởng lợi từ những giá trị của Khu DTSQ. Có như vậy, cộng đồng mới ý thức được trách nhiệm bảo vệ những giá trị đó cho chính cuộc sống của mình.

Khu DTSQ là những điểm thu hút khách du lịch đến để trải nghiệm những giá trị đặc trưng mà các giá trị này phải gắn liền với đời sống cồng đồng địa phương. Do vậy, cần có chiến lược đào tạo cộng đồng để họ đủ năng lực và các điều kiện khác để có thể làm chủ được các dịch vụ, các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng trong Khu DTSQ.

  • Phát triển các lĩnh vực chuyên môn về bảo tồn và sinh quyển

Mỗi Khu DTSQ đều có những giá trị nổi trội đặc trưng và để bảo tồn và phát huy những giá trị này, BQL cần liệt kê, xây dựng và triển khai hoạt động trên các lĩnh vực chuyên môn cần thiết. Hoạt động chuyên môn có thể được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước, với sự hợp tác của các đối tác trong và ngoài Khu DTSQ, sự tham gia của cộng đồng địa phương.

  • Phát triển nguồn nhân lực và phối hợp đào tạo

Bên cạnh nguồn nhân lực từ các bên liên quan tham gia trong BQL Khu DTSQ với hình thức kiêm nhiệm, BQL sẽ có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kể cả năng lực của cộng đồng để đảm nhận được nhiệm vụ phát triển của Khu DTSQ trong tương lai.

Việc đào tạo này có thể lồng ghép trong các chương trình hành động và sự hợp tác với các trung tâm đào tạo trong nước và quốc tế. Cán bộ và cộng đồng trong Khu DTSQ sẽ được gửi đi đào tạo tại các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước. Đồng thời, BQL sẽ tiếp nhận, phối hợp nghiên cứu và đào tạo cho những nghiên cứu sinh, sinh viên từ bên ngoài để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.

  1. Kết luận, khuyến nghị
    1. Kết luận

Qua 05 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu DTSQ, các bên liên quan của Thành phố và cộng đồng người dân địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát triển Danh hiệu Khu DTSQ. Tuy nhiên, các hoạt động chủ yếu xuất phát từ nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Vai trò điều phối, kết nối hoạt động của BQL Khu DTSQ chưa thực sự rõ ràng.

Giai đoạn 2009 – 2013, hoạt động của BQL Khu DTSQ gặp rất nhiều khó khăn và chưa phát huy được vai trò. Nguyên nhân cơ bản là: bộ máy BQL cồng kềnh nhưng tất cả nhân sự đều kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách; không có kế hoạch hoạt động; sự hiểu biết về khu DTSQ hạn chế; chưa có quy chế hoạt động. Từ cuối năm 2013 đến nay, các vấn đề này đã được cải thiện tích cực.

Sự hiểu biết về phương thức, cách tiếp cận quản lý của các bên liên quan trong Khu DTSQ có sự chuyển biến rõ nét. Đây là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp của Khu DTSQ trong thời gian đến.

3.1. Khuyến nghị

Cần tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, thống kê các tài nguyên thiên nhiên trong Khu DTSQ. Đây là cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát triển.

Trong thời gian đến, BQL Khu DTSQ cần có kế hoạch quản lý, được xây dựng trên quan điểm khu sinh quyển để làm cơ sở cho tổ chức và điều phối hoạt động đạt được sự đồng bộ và hiệu quả.

Xây dựng bản đồ phân vùng và quy chế quản lý cho Khu DTSQ nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý và nghiên cứu.

Ban quản lý cần xây dựng chương trình quan trắc, đánh giá tác động cho toàn bộ Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An. Từ đó, kịp thời phát hiện và có giải pháp thích ứng.

Trong vấn đề phát triển du lịch tại Khu DTSQ, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến lợi ích của các nhóm cộng đồng địa phương để đảm bảo sự phát triển du lịch trong Khu DTSQ là theo hướng du lịch sinh thái.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Huỳnh Ngọc Thạch, 2005. Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát thực trạng chất thải tại xã Tân Hiệp.
  2. Nguyễn Văn Tập, 2006. Điều tra thành phần cây  thuốc nam tại Cù Lao Chàm. Báo cáo tư vấn, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
  3. Nguyễn Hữu Đại, 2007. Khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tỉnh Quảng Nam.
  4. Nguyễn Văn Long, Võ Sĩ Tuấn và ctv, 2008. Hiện trạng đa dạng sinh học và chất lượng môi trường Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2004 – 2008.
  5. UBND thành phố Hội An, 2013. Báo cáo thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy Di sản Văn hóa Thế giới Khu phố cổ Hội An.

[1] Báo cáo thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy Di sản Văn hóa Thế giới Khu phố cổ Hội An, UBND thành phố Hội An, năm 2013.