Cách cây xanh giải cứu khí hậu
Khoảng 0,9 tỷ ha đất trên toàn thế giới thích hợp cho việc phục hồirừng, một diện tích đủ để có thể hấp thụ 2/3 lượng khí thải carbon phát sinh từ các hoạt động của con người.
Phòng Thí nghiệm Crowther thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Science cho thấy đây sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại biến đổi khí hậu.
Trồng rừng sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại biến đổi khí hậu (Ảnh: Vershinin-M / iStock)
Trong nghiên cứu mới nhất của Phòng Thí nghiệm Crowther dựa trên các giải pháp tự nhiên để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, lần đầu tiên các nhà khoa học đã cho thấy những nơi nào trên thế giới cây trồng mới có thể phát triển và biết được lượng carbon chúng sẽ hấp thụ là bao nhiêu.
Tác giả chính của công trình Jean-François Bastin và cũng là Nghiên cứu sinh tại Phòng Thí nghiệm Crowther giải thích: “Một khía cạnh có tầm quan trọng đặc biệt đối với chúng tôi là cách giải quyết bài toán: Chúng tôi đã loại trừ những thành phố hoặc các vùng nông nghiệp ra khỏi tổng khả năng phục hồi vì những khu vực này là cần thiết cho cuộc sống của con người”.
Khu vực có thể phục hồi rừng rộng tương đương diện tích nước Mỹ
Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng trong điều kiện khí hậu hiện tại, phần đất trên hành tinh chúng ta có thể hỗ trợ 4,4 tỉ ha được che phủ bởi cây xanh. Nhiều hơn 1,6 tỷ ha so với thời điểm hiện tại là 2,8 tỉ ha. Trong số 1,6 tỉ ha này có 0,9 tỉ ha đáp ứng được tiêu chí không được sử dụng bởi con người. Điều này có nghĩa là hiện tại một khu vực rộng lớn bằng diện tích của nước Mỹ có thể sử dụng để trồng lại rừng. Một khi trưởng thành, những khu rừng mới này có thể hấp thụ 205 tỉ tấn carbon, khoảng 2/3 trong số 300 tỉ tấn được phát thải vào khí quyển bởi những hoạt động của con người kể từ Cuộc Cách mạng Công nghiệp.
Theo Giáo sư Thomas Crowther, đồng tác giả của nghiên cứu và cũng là người sáng lập Phòng Thí nghiệm Crowther: “Tất cả chúng ta đều biết rằng việc phục hồi rừng có thể góp phần vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta không thực sự biết tác động của nó lớn đến mức nào. Nghiên cứu của chúng tôi đã làm sáng tỏ rằng phục hồi rừng là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu hữu hiệu nhất hiện nay. Nhưng chúng ta phải hành động nhanh chóng, vì những khu rừng mới sẽ phải mất nhiều thập kỷ để trưởng thành và có đủ khả năng như là một nguồn hấp thụ carbon tự nhiên”.
Tổng diện tích đất có thể phù hợp cho cây xanh phát triển trên toàn cầu (tổng diện tích rừng hiện tại và độ phủ rừng có khả năng phục hồi). (Ảnh: Phòng thí nghiệm Crowther / ETH Zurich)
Nga là khu vực thích hợp nhất để phục hồi rừng
Nghiên cứu cũng chỉ ra những vùng nào của thế giới là phù hợp nhất để phục hồi rừng. 6 quốc gia có tiềm năng lớn nhất bao gồm: Nga 151 triệu ha, Mỹ 103 triệu ha, Canada 78,4 triệu ha, Úc 58 triệu ha, B-ra-xin 49,7 triệu ha và Trung Quốc là 40,2 triệu ha.
“Nhiều mô hình khí hậu hiện nay đã sai lầm khi cho rằng biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng độ phủ cây xanh trên toàn cầu”, nghiên cứu này cảnh báo. Nghiên cứu phát hiện ra rằng dường như có một sự gia tăng về diện tích của các khu rừng thuộc phía Bắc như là Siberia, nhưng độ che phủ rừng trung bình chỉ từ 30 đến 40%. Những lợi ích từ việc gia tăng này vẫn chưa bù đắp được thiệt hại trong các khu rừng nhiệt đới rậm rạp, nơi đặc trưng với độ che phủ từ 90 đến 100%.
Đất phù hợp để phục hồi rừng (trừ sa mạc, đất nông nghiệp và đô thị; đất lâm nghiệp hiện tại không được hiển thị). (Ảnh: Phòng Thí nghiệm Crowther / ETH Zurich)
Một công cụ trên trang web của Phòng Thí nghiệm Crowther cho phép người dùng nhìn thấy bất kỳ điểm nào trên toàn cầu và tìm ra bao nhiêu cây có thể phát triển ở đó cũng như lượng carbon mà chúng hấp thụ. Công cụ này cũng cung cấp danh sách các tổ chức phục hồi rừng. Phòng Thí nghiệm Crowther cũng sẽ có mặt trên trang Scientifica (trang web chỉ có sẵn bằng tiếng Đức) trong năm nay để hiển thị công cụ mới cho khách truy cập.
Phòng Thí nghiệm Crowther sử dụng thiên nhiên như một giải pháp để: 1) phân bổ nguồn lực tốt hơn – xác định các khu vực mà nếu được khôi phục một cách thích hợp, có thể có tác động khí hậu lớn nhất; 2) đặt mục tiêu thực tế – với các mục tiêu có thể đo lường được để tối đa hóa tác động của các dự án phục hồi; và 3) Giám sát tiến độ – để đánh giá liệu các mục tiêu có đạt được theo thời gian hay không và tiến hành khắc phục nếu cần thiết.
Tài liệu tham khảo
Bastin JF, Finegold Y, Garcia C, Mollicone D, Rezende M, Routh D, Zohner CM, Crowther TW: The global tree restoration potential, Science, 5 July 2019, doi: 10.1126/science.aax0848 [http://dx.doi.org/10.1126/science.aax0848]
Biên dịch: Văn Hiệp
Nguồn bài viết: https://ethz.ch/en/news-and-events/eth-news/news/2019/07/how-trees-could-save-the-climate.html