Cá Mó, Mó vẹt hay còn gọi là cá Vẹt có tên tiếng Anh là Parrotfish thuộc họ Scaridae, thường sống trên các rạn san hô nhiệt đới. Sở dĩ nó có tên gọi là cá Vẹt vì bộ răng của chúng có khoảng 1.000 chiếc, sắp xếp trong 15 hàng, hợp nhất với nhau, tạo thành cái mỏ giống con Vẹt. Loài cá này có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, lớp vảy thường có màu xanh óng ánh và có thể thay đổi màu sắc theo điều kiện ngoại cảnh và lúc chuyển giới tính thụ động. Cá mó thuộc nhóm ăn thực vật, thức ăn yêu thích của chúng là các loài tảo biển có trong các rạn san hô sống, san hô chết và trên đá. Mỗi ngày chúng thường dành khoảng 90% thời gian để tìm kiếm thức ăn.
Hình 1: Cá mó vẹt có mỏ giống con vẹt
Theo các nghiên cứu khoa học, với bộ răng đặc biệt của mình, chúng có thể nghiền nát các mẫu san hô chết, tiêu hóa tất cả các thành phần dinh dưỡng có trong san hô và sau đó bài tiết dưới dạng cát mịn sạch. Ước tính mỗi con cá Mó có thể thải ra tới 320kg cát mịn trong một năm. Thêm vào đó, bằng cách ăn tảo, chúng đã ngăn chặn được tình trạng tảo nở hoa gây nguy cơ tẩy trắng và làm chết san hô. Do đó, cá Mó được ví như những chiến binh làm sạch rạn san hô một cách hiệu quả. Trong bối cảnh môi trường biển, rạn san hô bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và các tác động của con người, thì việc bảo vệ cá Vẹt là một trong những giải pháp hữu hiệu nhật hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, các rạn san hô nơi có nhiều cá Mó sinh sống đều là những rạn san hô khỏe mạnh.
Hình 2: Cá mó vẹt trên rạn san hô
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay, tại hầu hết các vùng biển của Việt Nam, trong đó có Cù Lao Chàm, cá Mó đang bị khai thác và buôn bán rất phổ biến khiến số lượng của chúng giảm đi đáng kể trong những năm qua. Chưa kể, đây là một loài có thể bị chuyển đổi giới tính thụ động, nhiều cá thể giai đoạn đầu là cá cái nhưng dưới sự tác động của môi trường ngoại cảnh, chủ yếu là nhiệt độ nước đã làm thay đổi quá trình điều hòa nội tiết, lượng hormone 11-ketotestosrerone (KT11) gia tăng trong máu, làm chúng theo xu hướng dần dần chuyển thành con đực và đương nhiên không còn khả năng sinh sản. Nếu việc khai thác quá mức, kết hợp với hiện tượng chuyển đực thụ động sẽ dẫn đến tình trạng tuyệt chủng cục bộ vì tỉ lệ đực/cái trong quần thể trong tự nhiên không đảm bảo cho quá trình sinh sản diễn ra một cách bình thường.
Hình 3: Cá mó vẹt bị khai thác tại Cù Lao Chàm
Hình 4: Cá mó vẹt được bán tại chợ Tân Hiệp
Để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và hơn hết là bảo vệ các rạn san hô khỏe mạnh, bảo vệ ngôi nhà chung của các loài thủy sản, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ về loài cá Vẹt, loại chúng ra khỏi danh mục thực phẩm, không nên khai thác và buôn bán loài cá này!
Tham khảo thông tin tại link sau: https://animaldiversity.org/accounts/Scaridae/
Thùy Hương – BQL KBTB CLC