09:28 PM, Thứ năm, 08 Tháng 6 2023 | GMT + 7

Quay về Bạn đang ở: Trang chủ Hoạt động Truyền thông, phát triển cộng đồng Nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo
Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động KH&CN trong lĩnh vực B&HĐ đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề xuất và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật và thể chế QLTH, thống nhất, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng B&HĐ Việt Nam. Đã áp dụng và góp phần đề xuất các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong dự báo, giám sát, điều tra TNMT, sinh thái biển, cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quy hoạch tổng thể B&HĐ phục vụ phát triển KT-XH.

    Những thành tựu trong nghiên cứu
 
    Các kết quả nghiên cứu KHCN đã cung cấp luận cứ khoa học triển khai các đề án, dự án sự nghiệp kinh tế lĩnh vực B&HĐ về lập bản đồ địa hình đáy biển, hải đồ các vùng biển Việt Nam; điều tra ĐC&KS biển nông ven bờ đến 100 m nước; khí hydrat và khoáng sản biển sâu đến 2500 m nước; điều tra, đánh giá về môi trường biển (nguồn thải, tải lượng chất thải); HST biển; nguồn lợi biển (thủy sản); quan trắc tổng hợp, điều tra định kỳ về khí tượng thủy văn biển; điều tra tổng hợp phục vụ quản lý dải ven biển; phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam; điều tra tổng hợp một số đảo chính, quan trọng; một số vũng, vịnh ven biển; xây dựng cơ sở dữ liệu B&HĐ.
    Nhiều tiến bộ KHCN đã được sử dụng, áp dụng, ứng dụng như: áp dụng các học thuyết về kiến tạo, sinh khoáng hiện đại trong điều tra ĐC&KS (đo vẽ lập bản đồ địa chất và khoáng sản trên biển; thành lập các bản đồ địa chất Biển Đông...); ông nghệ phân tích ảnh viễn thám; công nghệ tin học; công nghệ địa vật lý mới, đặc biệt là các thiết bị, máy móc đo địa chấn trên trên biển; đo trọng lực độ chính xác cao; ứng dụng các phần mềm xử lý, phân tích tài liệu địa vật lý: địa chấn, sonar quét sườn; công nghệ định vị dẫn đường, đo sâu hồi âm đa tia; công nghệ khoan thổi; công nghệ phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm; chế tạo và đưa vào sử dụng một số máy đo địa vật lý (từ, xạ phổ) trên biển. Chế tạo và đưa vào sử dụng một số thiết bị phục vụ điều tra địa chất khoáng sản biển ven bờ.
    Bước đầu nghiên cứu, tiếp thu công nghệ nước ngoài về điều tra, đánh giá khí hydrat và các khoáng sản biển sâu. Việc áp dụng, ứng dụng các thành tựu KH&CN của nước ngoài và trong nước đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ của lĩnh vực B&HĐ của Việt Nam, trong một số trường hợp đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, so với các nước phát triển nhất thì trình độ công nghệ của nước ta trong lĩnh vực B&HĐ còn ở mức rất khiêm tốn. 
    Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu của Bộ TN&MT về B&HĐ đã có đóng góp tích cực trong việc hoàn thành các nhiệm vụ QLNN về B&HĐ. Sản phẩm của các đề tài đã góp phần hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật  TN,MT B&HĐ và dự thảo các Nghị định có liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội phê duyệt. Đã xây dựng bản dự thảo Chiến lược KHCN biển Việt Nam 2010-2015 và tầm nhìn 2030. Cung cấp cơ sở khoa học phục vụ xây dựng Nghị định chính phủ về phân định ranh giới và phân cấp quản lý trên biển. Đề xuất áp dụng một số công cụ chuẩn mực quốc tế mới có triển vọng và hiệu quả phục vụ quản lý tài nguyên và BVMT như công cụ mô hình khu vực biển đặc biệt nhậy cảm PSSA, định hướng tích cực trong hội nhập quốc tế đa công ước, đa quốc gia, đa ngành nghề về môi trường, ĐDSH và biển.
    Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực nghiên cứu khác của Bộ, cơ chế đề xuất đặt hàng đối với các đề tài khoa học chưa được làm rõ nên một số nghiên cứu chưa thực sự tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện chức năng QLNN tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Việc giao thực hiện đề tài còn dàn trải, chưa bảo đảm việc đầu tư có trọng tâm, phát triển có trọng điểm trong công tác nghiên cứu khoa học nhằm phát huy lợi thế của nguồn nhân lực có trình độ cao và hướng tới xây dựng, phát triển toàn diện đội ngũ nghiên cứu. Các hoạt động xuất bản; việc trao đổi, chuyển giao kết quả nghiên cứu hướng tới tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực B&HĐ còn nhiều hạn chế.
 
    Tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học 
 
    Hoàn thiện thể chế QLTH và thống nhất B&HĐ, trong đó quan trọng hơn cả là các nghiên cứu nhằm phục vụ xây dựng, hoàn thiện từng bước hệ thống Luật TN&MT biển và các văn bản dưới Luật, tạo hành lang pháp lý để thực hiện yêu cầu của QLNN.
    Đổi mới công nghệ điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên biển, môi trường biển, đặc biệt là điều tra ở những vùng nước sâu, xa bờ; các công nghệ tiên tiến để kiểm kê, đánh giá hiện trạng và dự báo TN,MT B,HĐ để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng biển nói chung, tài nguyên biển và hải đảo nói riêng phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng. Ngoài ra, tiếp tục tìm các giải pháp xử lý môi trường, ứng phó các sự cố môi trường và tai biến thiên nhiên trên biển.
    Hướng tới việc thực hiện các đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Đổi mới tư duy, chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động trên cơ sở hiểu biết về biển, làm chủ các hoạt động trên biển, kết hợp khai thác, sử dụng bền vững tiềm năng, lợi thế của biển với hạn chế các tác động bất lợi từ biển.
    Phân vùng chức năng để tránh xung đột giữa khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế với bảo vệ, bảo tồn, biển, đảo; quy hoạch không gian phát triển vùng ven biển theo hướng mở ra biển, kết nối không gian đất liền với biển cả, với khu vực, châu lục và toàn cầu để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam và hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do BĐKH, các tai biến tự nhiên và xung đột môi trường biển gây ra.
    Hoàn thiện đồng bộ và vận hành thông suốt thể chế QLTH và thống nhất biển, đảo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về TN&MT biển.
    Trọng tâm của chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 2020, dự kiến sẽ tập trung vào các nội dung cụ thể:
    Thứ nhất, nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc triển khai Luật TN,MT B&HĐ; triển khai Luật Biển Việt Nam (2012); các chính sách cấp và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, vùng ven B&HĐ đáp ứng yêu cầu ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.
    Thứ hai,  nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khung thể chế QLTH và thống nhất QLNN đối với biển, vùng ven biển và hải đảo; góp phần khẳng định, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển Đông phù hợp với Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982.
    Thứ ba, nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quy hoạch khai thác, sử dụng B&HĐ phục vụ phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên một số vùng biển, hải đảo và ven biển; chú trọng các vùng biển trọng điểm có ý nghĩa chiến lược.
    Thứ tư, nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất giải pháp khai thác sử dụng hợp lý và bền vững đối với hệ thống đảo nước ta đến năm 2020 phục vụ phát triển KT-XH đảo hướng tới tăng trưởng xanh gắn với tăng cường chủ quyền dân sự trên các vùng biển của Việt Nam.
    Thứ năm, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điều tra, nghiên cứu và khai thác, sử dụng và xử lý môi trường B&HĐ; trong ứng phó với BĐKH và biến đổi đại dương và trong ứng cứu, khắc phục các sự cố môi trường và thiên tai biển phù hợp với điều kiện Việt Nam.
    Thứ sáu, tăng cường năng lực trong điều tra, nghiên cứu và quản lý B&HĐ; cung cấp các luận cứ phục vụ việc khẳng định và bảo đảm quyền và lợi ích biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông.

    Thực hiện thành công các nội dung nghiên cứu này sẽ góp phần tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong QLTH và thống nhất về B&HĐ, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam và đồng thời, cũng góp phần thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

                                           TS. Nguyễn Lê Tuấn, TS. Dư Văn Toán
                                            Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
                                        TS. Trần Bình Trọng, ThS. Lưu Thành Trung
                                                Vụ Khoa học và Công nghệ
Nguồn: tapchitainguyenmoitruong.vn

anpham

baocaotailieu

hinhanh

videoclip

Đối tác